TNO

F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam

15/07/2015 06:00 GMT+7

(Tin Nóng) Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ chỉ là bản sao của máy bay F-105 Thần sấm thời chiến tranh Việt Nam với nhiều khuyết điểm, chẳng hạn kém hiệu quả về mặt không chiến như F-105 đã từng bộc lộ trước MiG-21, theo trang tin Medium (Mỹ).

(Tin Nóng) Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ chỉ là bản sao của máy bay F-105 Thần sấm thời chiến tranh Việt Nam với nhiều khuyết điểm, chẳng hạn kém hiệu quả về mặt không chiến như F-105 đã từng bộc lộ trước MiG-21, theo trang tin Medium (Mỹ).

F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 1
F-35 (dưới) mới đây đã thua trong một cuộc không chiến thử nghiệm với F-16 (trên) - Ảnh: Forces TV

Mới đây, F-35 trong một lần thử nghiệm không chiến đã thua trước 1 chiếc F-16 hơn 40 năm tuổi vì F-35 không nhanh nhẹn bằng F-16, Medium ngày 7.7 cho hay. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại làm thế nào F-35 có thể sống sót khi đối đầu với các máy bay tiêm kích của Nga hay Trung Quốc?

Hơn 50 năm trước, Không lực Mỹ cũng đã đầu tư vào một loại máy bay cường kích với đầy đủ công nghệ hiện đại nhất thời đó, chiếc F-105 Thunderchief (Thần sấm) với quảng cáo là vừa có thể diệt mục tiêu trên đất liền lẫn đủ sức đánh bại máy bay đối phương.

Tuy nhiên trong thực tế chiến trường, chiếc F-105 – như F-35 hiện nay – đã không đủ nhanh khi xoay chuyển trên không để hạ được MiG-21 của Bắc Việt Nam.

Có một sự trùng hợp giữa chiếc F-35 tàng hình ngày nay với chiếc F-105 thời chiến tranh Việt Nam. Cả F-35 và F-105 đều là loại máy bay tấn công loại lớn, 1 chỗ ngồi, 1 động cơ, theo ông Carlo Kopp, nhà phân tích hàng không người Úc viết vào năm 2004.

Cả hai loại máy bay này đều có khoang chứa vũ khí trong bụng và các móc treo dưới cánh, đều có bán kính tác chiến khoảng 650 km.

Không lực Mỹ đã triển khai 833 chiếc F-105 và đã thiệt hại ít nhất 334 chiếc trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1965 đến 1970. Máy bay MiG của Bắc Việt Nam được cho bắn rơi 22 Thần sấm, và F-105 hạ được 27 chiếc MiG, tỉ lệ xem như cân bằng, theo ông Kopp.

Nhưng Lầu Năm Góc không bằng lòng với tỉ lệ cân bằng này. Để cải thiện chiến thuật của mình, trong năm 1969, Không lực Mỹ tiến hành cuộc không chiến thử nghiệm giữa một chiếc F-105 và một chiếc MiG-21 mượn của Israel. Chiếc MiG-21 này do một phi công Iraq bay sang tị nạn ở Israel.

Cuộc thử nghiệm đã không mang lại điều tốt cho F-105. Gặp phải một chiếc MiG-21, phi công F-105 nên cố gắng chạy trốn, theo lời khuyên của những người tham gia thử nghiệm. Nếu F-105 bay từ phía sau chiếc MiG-21 và MiG không biết điều đó, phi công F-105 có thể tập kích được chiếc MiG ở tốc độ cao.

Nhưng khi F-105 và MiG-21 bắt đầu đối kháng ở các vị trí tương đương và ngược lại, máy bay Mỹ sẽ gặp vấn đề. "Nếu F-105 tham gia tấn công trong thời gian dài, nó trở nên dễ bị tấn công do mất năng lượng và cơ động kém", theo báo cáo của Không lực Mỹ.

Và trong cuộc thử nghiệm mới đây, phi công F-35 khi đấu với F-16 đã báo động tương tự khi không đủ không gian để vận động và không nhanh nhẹn như F-16.

F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 2
F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 3
Thần sấm F-105 trong chiến tranh Việt Nam đã bộc lộ nhiều khuyết điểm trước MiG-21 - Ảnh: Không lực Mỹ

Nhưng trong khi F-105 có được một lợi thế về tốc độ bay so với hầu hết các đối thủ (2.200 km/giờ), chiếc F-35 thực sự chậm hơn (1.930 km/giờ) so với máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga (2.200 km/giờ) hay Thẩm Dương (J-31) và Thành Đô (J-20) của Trung Quốc ngày nay. May mắn thay, F-35 là một máy bay chiến đấu có tính tàng hình, với các tính năng thiết kế giúp nó tránh bị phát hiện bởi các cảm biến tầm xa trong những hoàn cảnh nhất định.

Nếu F-35 có thể tồn tại trong cuộc chiến tranh trong tương lai, yếu tố quyết định của nó chính là khả năng tàng hình, theo nhận định của ông Kopp.

Tuy vậy nhà sản xuất Lockheed Martin mới đây ước tính trên website của hãng rằng sẽ bán được 5.100 chiếc F-35 cho quân đội Mỹ và các nước trong vòng... 60 năm. Giá trung bình một chiếc F-35A là 98 triệu USD, F-35B là 104 triệu USD và F-35C là 116 triệu USD. Mức giá này ngang bằng giá các máy bay chiến đấu thế hệ 4 như F/A-18 (92 triệu USD) và F-15 (100 triệu USD). Tuy nhiên nếu tính đúng tính đủ chi phí nghiên cứu phát triển và huấn luyện thì giá thành 1 chiếc F-35 phải vào khoảng 337 triệu USD, theo fool.com.

F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 4
Một Thần sấm F-105 với đầy đủ bom đạn - Ảnh: Không lực Mỹ
F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 5
Lockheed Martin ước tính sẽ bán được 5.100 chiếc F-35 cho quân đội Mỹ và các nước trong vòng 60 năm - Ảnh: LM

Anh Sơn

>> Vũ khí Nga vẫn được chuộng dù bị phương Tây o ép
>> Xem tiêm kích F-16 của Đan Mạch bắn hạ UAV
>> Tiêm kích Sukhoi, chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Nga
>> Nữ phi công Mỹ đầu tiên lái tiêm kích tàng hình F-35
>> Ấn tượng với ảnh chụp F-35 và toàn bộ vũ khí mang theo
>> Israel tự tin tiêm kích F-35 sẽ khắc chế tên lửa S-300 của Iran
>> Xem tiêm kích F-35 thử nghiệm trong các điều kiện thời tiết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.