Kể từ năm 2015, Tòa án Hình sự Thái Lan đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đóng 6.900 website. Hồi tuần rồi, Ủy ban Phát thanh, truyền hình và viễn thông quốc gia (NBTC) đã buộc tất cả ISP ở Thái Lan chặn hết những website và nội dung bị Tòa án Hình sự xác định là bất hợp pháp trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ bị rút giấy phép hoạt động.
Tuy nhiên, Hiệp hội Nhà cung cấp dịch vụ internet (Tispa) thừa nhận hiện có khoảng 600 tài khoản Facebook và website được mã hóa với máy chủ đặt ở nước ngoài nên ISP ở Thái Lan không thể chặn hết. Vì vậy, theo lệnh của Tòa án Hình sự, Tispa hồi tuần rồi đã gửi email chính thức đến CEO Facebook Mark Zuckerberg để yêu cầu chặn khoảng 309 trang trên mạng xã hội này.
Tờ The Bangkok Post dẫn lời một người phát ngôn của Facebook hôm qua nói: “Khi chính phủ các nước tin rằng có điều gì đó trên internet vi phạm luật pháp của họ, họ có thể liên hệ với những công ty như Facebook và yêu cầu chúng tôi hạn chế truy cập nội dung đó. Khi chúng tôi nhận được yêu cầu như thế, nó sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để xác định xem nội dung cụ thể có thực sự vi phạm luật pháp địa phương hay không. Nếu chúng tôi xác định có, thì chúng tôi sẽ chặn nó tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ liên quan và thông báo lý do vì sao nó bị chặn cho những người cố gắng truy cập”.
Facebook khẳng định chính sách này được áp dụng trên toàn thế giới chứ không riêng ở Thái Lan. Tổng thư ký NBTC Takorn Tantasith cho biết: “Phản ứng của Facebook là dấu hiệu tốt cho thấy tương lai hợp tác giữa ISP và công ty mạng xã hội này”. Tính đến ngày 9.5, Facebook đã chặn một số nội dung theo yêu cầu của chính phủ Thái Lan.
|
Cuộc chiến chống tin thất thiệt
Chủ tịch Tispa - bà Morragot Kulatumyotin khẳng định các ISP luôn tuân thủ pháp luật và hợp tác toàn diện với chính phủ nhằm ngăn chặn thông tin bất hợp pháp ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng internet bình thường. Bất kỳ ISP nào không tuân thủ quy định sẽ bị phạt nặng hoặc tước giấy phép hoạt động, thậm chí truy tố hình sự, bà Morragot cảnh báo.
Tuy nhiên, ông Paiboon Amonpinyokeat, cố vấn của Ủy ban Xúc tiến cải cách quốc gia, cho rằng trong cuộc chiến chống lại thông tin thất thiệt trên internet, chính phủ về lâu dài cần phải đưa ra một giải pháp hơn là chỉ đơn giản áp dụng biện pháp cấm đoán và siết chặt kiểm soát. Theo ông Paiboon, Facebook thông thường sẵn sàng giới hạn nội dung vi phạm luật pháp Mỹ, bao gồm phát ngôn gây thù hận và bình luận vi phạm luật hình sự, và chỉ chặn chứ không xóa tài khoản. Chuyên gia Paiboon đề xuất Thái Lan nên có chính sách giảm thuế cho các công ty mạng xã hội với điều kiện phải hợp tác với chính phủ chống lại thông tin độc hại và trái pháp luật.
Vừa qua, dư luận thế giới bức xúc trước vụ người cha Thái Lan trực tiếp trên Facebook cảnh giết chết con gái 11 tháng tuổi rồi tự sát vì đoạn video này tồn tại trên Facebook quá lâu trước khi bị gỡ bỏ. Sau đó, Facebook đã tuyên bố thắt chặt biện pháp tự kiểm duyệt, bao gồm tăng cường 3.000 nhân viên theo dõi để kịp thời chặn những nội dung độc hại.
Các mạng xã hội bao gồm Twitter, Facebook và YouTube đang đối mặt với áp lực ở châu Âu về vấn đề thông tin thất thiệt tràn lan trên các trang này. Hồi tháng rồi, chính phủ Đức cảnh báo áp đặt luật mới và tăng mức phạt hành chính (cao nhất 53 triệu USD) nếu các công ty này không có biện pháp gỡ bỏ phát ngôn gây thù địch, tin thất thiệt và nội dung trái phép, theo Bloomberg. Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc biện pháp tương tự Đức để áp dụng khắp châu Âu.
Bình luận (0)