Theo Reuters, rủi ro địa chính trị có thể đẩy việc tăng lãi suất cho đến ít nhất là tháng 7, dù hiện các quan chức Fed rõ ràng đồng thuận rằng cần tăng lãi suất do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn và thị trường lao động cũng diễn biến tốt.
Phiên họp trong hai ngày 14 và 15.6 sắp tới chỉ diễn ra trước một tuần cuộc trưng cầu dân ý của người dân Anh. Ngày 23.6, Anh quốc sẽ quyết định đi hay ở lại làm thanh viên Liên minh châu Âu (EU). Quyết định “ra đi” được dự báo là sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, mở ra cuộc chạy đua đến các tài sản an toàn và thúc đẩy đô la Mỹ đi lên.
Sự ổn định của USD trong thời gian gần đây là một trong những lý do khiến Fed thoải mái hơn với việc nâng lãi suất. Quan chức Fed có thể muốn mối lo về cảnh Brexit đi qua trước khi thực hiện động thái thắt chặt các điều kiện tài chính.
Quan chức Fed Daniel Tarullo hôm 2.6 lên tiếng thể hiện lo ngại của ông về cuộc trưng cầu dân ý Brexit, cho hay đây sẽ là yếu tố được ông xem xét tại cuộc họp chính sách vào tháng 6. Cuộc bỏ phiếu ở Anh sẽ có tác động quan trọng lên thị trường.
“Tôi nhìn thấy khả năng tăng trưởng kinh tế của cả Vương quốc Anh và EU bị ảnh hưởng thực sự. Tôi cho rằng cuộc bỏ phiếu Brexit sắp tới sẽ là yếu tố có lợi cho chuyện thận trọng tăng lãi suất”, quan chức Fed Jerome Powell cho hay.
Cuộc thăm dò cử tri Anh gần đây nhất cho thấy người dân nước này hiện chia rẽ trong ý kiến ra đi hay ở lại EU. Anh quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì châu Âu và là trung tâm tài chính có ảnh hưởng lớn nhất khu vực. Dù rời khỏi hay ở lại EU, nội bộ và kinh tế nước Anh đều gặp phải nhiều vấn đề đáng lo ngại.
tin liên quan
Chính phủ Anh cảnh báo suy thoái kinh tế nếu rời EUVương quốc Anh có thông điệp gửi đến người dân nước này: Nếu bạn bỏ phiếu để rời Liên minh châu Âu (EU), bạn nên chuẩn bị cho cảnh suy thoái kinh tế cả năm và hơn 800.000 việc làm biến mất.
Bình luận (0)