Dịch: Mê Linh
Franco Pagetti là một trong những nhiếp ảnh gia chiến trường dày dạn, tài năng hoàn hảo trong thế hệ của ông, vì thế, ông có chút hoài nghi khi Dolce & Gabbana, thương hiệu thời trang xa xỉ Ý, đề nghị ông chụp hình chiến dịch quảng cáo mùa thu đông 2016 – 2017 của công ty trên những đường phố của Naples, Ý. “Tại sao lại là tôi?”, ông nêu. Thương hiệu muốn một bài phóng sự cứng cỏi, khơi gợi danh tiếng làm phim theo lối hiện thực mới (mô tả cuộc sống của tầng lớp lao động) của Naples được lưu danh muôn thuở bởi những đạo diễn như Roberto Rossellini và Vittorio de Sica. Dường như những câu chuyện trong các bức ảnh rõ ràng, không ủy mị của ông Pagetti đáp ứng mọi yêu cầu. Đối với ông Pagetti, 66 tuổi, thành viên Công ty phân phối hình ảnh quốc tế VII, chụp hình cho chiến dịch quảng cáo của Dolce & Gabbana là sự quay trở lại bất ngờ.
Đối với nhiếp ảnh gia Franco Pagetti, những tấm màn cửa bằng vải ở Aleppo, Syria là biểu tượng của tình yêu.
Ông Pagetti có kinh nghiệm từ khi còn trẻ khi là nhiếp ảnh gia chụp hình cho tạp chí Vogue Ý trong những năm 1980. Ông luôn theo đuổi những chủ đề “nhẹ nhàng hơn” lúc rảnh rỗi; giờ đây, làm dự án nhiếp ảnh hồi tưởng “Italian Journey” (hành trình Ý) của nhà văn Đức Johann Wolfgang von Goethe dưới gócđộ của một người Ý chính cống. Nhưng ông Pagetti dành hầu hết thời gian trong hai thập kỷ qua, lao từ cuộc xung đột đẫm máu này đến cuộc xung đột đẫm máu khác. Ông bị bỏ tù ở Afghanistan và thường xuyên dính đạn, đặc biệt là ở Iraq, nơi ông đến làm việc rồi đi trong 6 năm. Trong bài phỏng vấn dưới đây, ông Pagetti giải thích ảnh chiến tranh và ảnh thời trang có điểm chung là gì, những quy tắc mỹ thuật và đạo đức đã chỉ lối cho ông trong khi chụp hình dưới bom đạn.
Lần đầu tiên ông khám phá chụp ảnh là như thế nào?
Rất tình cờ. Tôi đang dạy hóa ở Milan, một ngày kia, tôi gặp một phụ nữ, Carla de Benedetti, vô tình là một trong những nhiếp ảnh gia kiến trúc tài năng nhất trên thế giới. Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp nhau trong cửa hàng sách. Bà bảo tôi, “Tôi cần một trợ lý”. Tôi đáp, “Tôi chưa bao giờ chụp một bức hình nào trong đời”. Bà nói, “Đừng lo, tôi biết chụp hình. Anh chỉ cần là chính anh” – bà ấy thấy tôi thường xuyên khó chịu – “và không đưa mọi người vào trong khung hình”. Tôi có thể làm điều đó rất tốt. Vì thế, tôi dành 2 năm đi với bà, bà dạy tôi về ánh sáng và cách sử dụng máy chụp hình. Sau đó, bà buông. “Những gì tôi chỉ cho anh”, bà tâm sự, “anh cũng đã biết”. Vì thế, tôi bắt đầu làm công việc trợ lý cho những buổi chụp hình thời trang ở Milan, Paris, New York. Sau đó, chính tôi bắt đầu chụp thời trang.
Những hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo mùa thu đông 2016 - 2017 của Dolce & Gabbana do ông Franco Pagetti bấm máy
Điều gì khiến ông muốn chụp hình chiến tranh và những vùng xung đột?
Tôi không phải là người của công chúng. Tôi không ưa tiệc tùng. Tôi không thích sân khấu. Và có cảm giác như mình chưa trưởng thành, tôi muốn khám phá thế giới và lớn lên. Tôi may mắn có việc làm tốt, kiếm được tiền, vì thế tôi nghĩ, hãy làm cái gì đó thật ý nghĩa. Ở một chừng mực nào đó, thời trang và xung đột không khác nhau hoàn toàn. Dù thế nào thì bạn phải khiến cho người ta quan tâm đến công việc của bạn, những điều mà bạn nói.
Khi lần đầu tiên ông đến vùng xung đột, những nhiếp ảnh gia khác có nghi ngờ khả năng của ông vì ông vốn là dân chụp thời trang?
Tôi đã 47 tuổi khi chụp câu chuyện đầu tiên, nạn đói ở Nam Sudan. Vì thế, họ ít nể tôi vì tuổi tác của tôi. Và họ không biết tôi là dân chụp thời trang vì tôi không kể cho họ nghe. Tôi xấu hổ vì chuyện đó! Tôi nói, “Ôi, tôi dạy học trước khi chụp hình ở đây”. Tôi không muốn họ nghĩ, một thằng cha muốn làm chuyện để ý.
Cảm giác của ông khi chụp hình dưới bom đạn?
Bạn thường xuyên sợ hãi. Đôi khi, bạn ngửi thấy mùi máu, nỗi sợ của con người – như khi tôi đi với lính thủy đánh bộ ở thành phố Falluja, Iraq hoặc lực lượng đặc nhiệm ở thành phố Ramadi, Iraq. Nhưng chụp hình trong vùng xung đột là mục tiêu nguy hiểm. Có quá nhiều thứ diễn ra, nhưng bạn cần phải từ tốn, cẩn trọng. Bạn di chuyển, đi vào, và tiếp tục những hoạt động khác. Bạn không nghĩ về những chuyện tồi tệ sẽ đến với bạn. Bạn nghĩ chuyện đó sẽ không bao giờ diễn ra với bạn.
Yếu tố mỹ thuật bị gạt sang một bên khi ông chụp hình ở vùng chiến sự?
Đôi khi, những bức hình của tôi xấu. Nếu chụp ở vùng xung đột, tôi không có quy tắc: một bức hình có thể mất nét, mờ, ngược sáng – mọi thứ đều được chấp nhận nếu nó thuộc về một phần những gì đang diễn ra, những gì mà bạn đang chứng kiến.
Thế nào là đạo đức chụp hình? Liệu có những chuyện ông quyết định không chụp?
Tôi không thích chụp trẻ em. Tôi không muốn khai thác những đứa bé bằng bất cứ giá nào để gây sốc với mọi người. Tôi cũng không thích chụp những người lính bị thương. Năm 2013, ở Aleppo, Syria, tôi kể chuyện về những tấm màn cửa bằng vải, những tấm màn cửa này do các mẹ, các cô gái may và họ treo giữa những tòa nhà để bảo vệ chồng hoặc chàng trai khỏi những người bắn tỉa. Đối với tôi, những tấm màn cửa là biểu tượng của tình yêu. Tôi nghĩ câu chuyện nói về chiến tranh nhiều hơn là những hình ảnh bom đạn đùng đùng.
Cảm giác của ông khi trở lại chụp thời trang sau quá nhiều năm chụp chiến tranh?
Đối với dự án Dolce & Gabbana, tôi sử dụng những thứ bảo vệ đầu gối vì thế có thể ngồi chồm hổm, và đây là thứ giống y chang cái tôi có ở Iraq. Mọi người giễu tôi. Họ bảo, “Ông không sống trong chiến tranh ở đây”. Tôi đáp, “Không, thậm chí còn tệ hơn nữa. Vì trong chiến tranh, 12 lính thủy đánh bộ trông chừng tôi. Ở đây, 12 người trong các anh chị theo dõi tôi – người mẫu, stylist, các giám đốc mỹ thuật – và mọi người có những điều để chia sẻ”. Thật không dễ dàng đối với tôi. Nhưng tôi thích khi chúng tôi chụp ở những khu dân cư bình thường, cùng với những con người bình thường làm nền, trong những bộ trang phục đời thường.
Va đập nhiều nơi |
Franco Pagetti sống và làm việc ở Ý, là nhiếp ảnh gia thời sự từ năm 1994. Hầu hết các tác phẩm của ông đều liên quan đến chiến cuộc như các cuộc xung đột ở Afghanistan, Kosovo, Đông Timor, Kashmir, Palestine, Sierra Leone và Nam Sudan. Ông Pagetti chụp hình vùng xung đột ở Iraq từ tháng 1/2003, 3 tháng trước khi bắt đầu chiến tranh. Sau đó, ông thường sống ở Baghdad, chủ yếu là làm việc cho tạp chí Time. Những hình ảnh của ông phản ánh nỗi sợ hãi chiến tranh, ươm mầm hy vọng ngắn ngủi sau sự sụp đổ của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein, sự gia tăng của các nhóm nổi dậy và khủng bố, và dạo gần đây là cuộc tấn công bất ngờ không thương tiếc biến thành nội chiến bè phái đẫm máu. Các bức ảnh thời sự chụp ở những nơi không diễn ra xung đột của ông được bấm máy ở Ấn Độ, thành Vatican, Campuchia, Lào, Indonesia, Saudi Arabia và Ý, quê nhà của ông. Ngoài làm cho tạp chí Time, ông còn làm cho tạp chí Newsweek, báo The New York Times, các tạp chí The New Yorker và Stern. Tác phẩm của ông được in trên các báo Le Figaro, tạp chí Paris Match, các báo The Times of London, và The Independent. |