G20 thỏa thuận và thỏa hiệp

21/02/2011 09:11 GMT+7

Cần thêm nhiều thời gian mới xác định được liệu thỏa thuận vừa đạt được của G20 có mang lại hiệu quả chống sốc cho kinh tế toàn cầu hay không.

Gây sức ép rồi buộc phải nhượng bộ Trung Quốc, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các thành viên còn lại thuộc G20 (Nhóm các nền kinh tế lớn) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận sau cuộc họp 2 ngày kết thúc hôm 19.2 tại Paris, Pháp. Theo đó, các bên đồng ý tạo ra danh sách những dấu hiệu để xác định tình trạng mất cân bằng của kinh tế toàn cầu, theo AFP. Để có được kết quả này, đại diện các bên đã tranh cãi quyết liệt, chủ yếu là giữa Trung Quốc và phần còn lại. Theo tờ The Wall Street Journal, đa số đều ủng hộ đưa tỷ giá đồng tiền và chính sách tiền tệ của nhà nước vào các thước đo nói trên.

Tuy nhiên, Trung Quốc cương quyết phản đối khiến có lúc thảo luận tưởng như đã bế tắc. Lâu nay, Bắc Kinh luôn bị cáo buộc sử dụng chính sách kiềm giá đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế xuất khẩu. Cuối cùng, hội nghị nhất trí với thỏa thuận gói gọn trong 1 câu dài: “Tỷ giá đồng tiền và chính sách tiền tệ của nhà nước sẽ được xét đến khi đánh giá tình trạng mất cân bằng kinh tế thế giới”.

Bộ trưởng Tài chính Christine Lagarde của Pháp, Chủ tịch đương nhiệm của G20, cho hay các nhà thương thuyết đã nỗ lực hết sức và nhóm họp suốt đêm  mới đưa ra được thỏa thuận khiến các bên đều hài lòng. Bà Lagarde khẳng định rằng hội nghị G20 tại Paris đã thành công, trong khi hội nghị tại Seoul vào tháng 11.2010 đã thất bại hoàn toàn vì không đưa ra được thỏa thuận trung hòa lợi ích các bên.

Tuy nhiên, The Wall Street Journal dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định thỏa thuận trên quá “thỏa hiệp” và thậm chí là mù mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu. “Viết như vậy thì Pháp có thể nói tỷ giá và chính sách tiền tệ chính là dấu hiệu xác định sự mất cân bằng còn Trung Quốc cũng có thể nói chúng chỉ là để tham khảo”, tờ báo dẫn lời một quan chức giấu tên nhận xét.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cũng chỉ trích mạnh mẽ rằng các bên chỉ chăm bẵm bảo vệ lợi ích của mình. "Tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng thỏa thuận đạt được làm tình thế còn khó khăn hơn trước khi chúng ta chưa đồng thuận”, tờ Washington Post dẫn lời ông Strauss-Kahn nói. Theo ông, các bên vội vã đạt đồng thuận một cách gượng ép để tự trấn an và vẫn chưa có biện pháp khả dĩ nào để giải quyết tình trạng lạm phát cho giá cả tăng cao. Nhà lãnh đạo IMF còn cảnh báo tình trạng nhiều nước cho là sau khi đạt thỏa thuận rồi thì có thể tập trung các biện pháp giải quyết khó khăn của riêng mình, bất kể những biện pháp này có khả năng gây nguy hiểm cho kinh tế thế giới.

Chi tiết của thỏa thuận nói trên sẽ được thảo luận trong cuộc họp tại Washington vào tháng 4. Giới quan sát đánh giá khi đó G20 sẽ đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa hơn nhiều, như làm thế nào để xác định chính phủ một nước nào đó đang thao túng giá trị đồng nội tệ và quan trọng hơn là nếu có thì chế tài như thế nào.  

Theo một số chuyên gia, trọng tâm của việc giải quyết mất cân bằng thương mại là phải nhìn nhận thực tế rằng trật tự kinh tế lâu nay luôn đặt Mỹ làm trung tâm, nước thu gom hàng hóa của thế giới và hậu quả là thâm hụt mậu dịch luôn nghiêm trọng. Trong khi đó, những nước như Trung Quốc và Đức liên tục tích trữ các khoản thặng dư khổng lồ. Những năm trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra, các nước có thặng dư mậu dịch đổ tiền vào bất động sản và các khoản đầu tư khác tại Mỹ, làm thổi phồng giá trị của chúng và khuếch đại hậu quả khi “bong bóng” này nổ tung, theo AP.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.