Hôm 15.3, Brenton Tarrant điên cuồng xả đạn vào các nạn nhân trong nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor ở ngoại ô thành phố Christchurch, New Zealand. Vụ việc khiến ít nhất 49 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương đang phải tiếp nhận điều trị y tế.
Theo đó, bà ngoại của hắn miêu tả cháu trai là người nghiện máy tính, mê chơi game. "Nó dành phần lớn thời gian hàng ngày trên máy tính và chơi game", bà nói.
Vậy liệu có phải việc chơi và "nghiện" các trò chơi bắn súng hay bạo lực lúc nhỏ đã khiến Brenton Tarrant trở nên điên cuồng và hành động giống những nhân vật trong game hay ko?
Game bạo lực không liên quan đến hành vi bạo lực
Trên thế giới có nhiều nghiên cứu vấn đề chơi game bạo lực do những nhà khoa học thuộc các đại học danh tiếng tổ chức.
Cụ thể, nghiên cứu của Đại học York (Anh) và Đại học Tổng hợp Sankt-Peterburg (Nga) vào tháng 10.2017 chỉ ra rằng mức độ bạo lực trong game không ảnh hưởng đến hành vi người chơi. Kết quả dựa theo 2 bài thí nghiệm trên gần 3.000 người tham gia.
Hơn nữa, vào tháng 1.2019, khi đặt giả thuyết "lượng thời gian chơi game bạo lực có liên quan đến những hành vi bạo lực và cô lập với xã hội", những nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) khẳng định game bạo lực không liên quan đến các hành vi bạo lực của thanh thiếu niên. Bài nghiên cứu dựa theo kết quả khảo sát trên 1.004 thanh thiếu niên và phụ huynh.
"Đây chỉ là vấn đề cá nhân"
Bác sĩ Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần Cán bộ và Quốc tế Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ rằng có nhiều quan điểm về mối liên quan giữa game bạo lực và những hành vi bạo lực trên thực tế.
Tuy nhiên, điều này dường như mang tính cảm tính. Cần có những nghiên cứu đầy đủ và khoa học về mối liên quan giữa game bạo lực và hành vi bạo lực trên thực tế trước khi đưa ra những kết luận.
Bên cạnh đó, hơn 30 năm nghiên cứu và làm việc, tôi không thấy trường hợp nào gọi là nghiện game. Nhiều người lạm dụng cụm từ "nghiện game" khi thấy một ai đó dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử.
Chẩn đoán nghiện cần phải có những tiêu chuẩn chặt chẽ được đưa ra bởi tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong Tâm thần học chưa có bằng chứng hay tài liệu để khẳng định có nghiện game vì nó không làm thay đổi về mặt sinh lý của cơ thể như nghiện ma túy hay nghiện rượu. Dù vậy, điều này còn rất nhiều tranh cãi.
Nhiều bậc phụ huynh đưa con đến khám và yêu cầu điều trị chứng "nghiện" game. Tuy nhiên, tôi thấy trẻ chỉ chơi game như sự đam mê, giải trí nhất thời nên khuyên họ đừng vội kết luận.
Nhưng việc chơi game nhiều có thể là những dấu hiệu ẩn chứa sự bất thường về sức khỏe tâm thần nào đó ở dạng tiềm tàng. Có nhiều trẻ bỏ bê việc học hành, sống thu mình, suốt ngày không rời laptop hay điện thoại nhưng khi đi khám mới phát hiện ra một số chứng rối loạn tâm thần.
Quay lại với câu hỏi các game bạo lực, bắn súng, giết người như Counter-Strike, Grand Theft Auto, Mortal Kombat có ảnh hưởng tâm lý cho người chơi hay không thì tôi khẳng định là có. Nhưng việc người chơi sẽ có thiên hướng giống kẻ sát nhân kia thì điều này cần phải kiểm tra nhiều yếu tố và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học.
Dễ dàng nhận thấy tỷ lệ người có xu hướng bạo lực và tổng số người chơi cùng game đó là rất thấp, không thể nói lên điều gì. Do đó, chỉ một vài trường hợp cá nhân bạo lực được gọi là yếu tố ngẫu nhiên. Chúng ta không thể lấy cái ngẫu nhiên biết được để suy diễn, quy chụp và đánh giá tổng thể.
Hơn nữa, chúng ta cần xét đến các yếu tố khác như gia đình, quá trình học tập, các mối quan hệ ảnh hưởng và chính cá nhân người chơi. Nếu người chơi game đã có tiền căng rối loạn tâm thần trong người thì dù có chơi game bạo lực hay không thì đến điều kiện thích hợp, họ sẽ bộc phát ra.
Việc Brenton Tarrant trở nên điên cuồng và hành động giống những nhân vật trong game bắn súng thì đây cũng chỉ là yếu tố ngẫu nhiên và mang tính cá nhân. Nếu Brenton Tarrant không chơi game bạo lực, hắn cũng sẽ có những hành động bản năng hay thủ pháp khác để giết người thôi.
Bình luận (0)