Là sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) "kiêm" game thủ, đã bao giờ khi chơi game bạn tự hỏi, bằng cách nào và mất bao lâu để nhà sản xuất có thể hoàn thiện một sản phẩm game chất lượng đến vậy, đẹp từ hình thức và logic đến nội dung?
Và khi có cơ hội để tìm ra đáp án, bạn có sẵn sàng dấn thân để được tự mình trải nghiệm cảm giác làm ra những tựa game đủ khả năng "chinh chiến" trên thị trường hay không?
Tiến Khang và Thiện Vỹ - cựu sinh viên ngành CNTT - là hai trong số hàng nghìn bạn trẻ đã bước vào con đường lập trình game một cách tự nhiên và ngẫu hứng như thế. Xuất phát chỉ đơn thuần là tò mò "thử cho biết", cả hai đã ứng tuyển vào Game Development Fresher (GDF) - chương trình đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp với "thâm niên" 17 mùa dành cho các bạn sinh viên sắp ra trường do VNG ZingPlay Game Studios tổ chức.
Năm 2010, khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Khang không hề biết có công ty nào tại Việt Nam làm game, bởi phần lớn trên thị trường lúc bấy giờ đều là game phát hành. Nhưng có một học kỳ, VNG đã đến Bách khoa tham gia ngày hội giao lưu doanh nghiệp để giới thiệu và mở đăng ký thi cho những bạn quan tâm đến GDF.
"Thấy thông tin về một chương trình tuyển dụng thực tập sinh lập trình, mình đánh liều đăng ký thử vì chưa hình dung công việc là gì nên muốn biết. Chủ yếu là mình rất ấn tượng và bị thu hút bởi thái độ, tinh thần, cách các anh chị VNG làm chương trình", Tiến Khang nhớ lại.
Thời điểm đó tại Việt Nam, phong trào chơi game đã nở rộ nhưng vẫn chưa chiếm được nhiều thiện cảm từ cộng đồng. Chơi game bị đánh giá là "vô bổ", "mất thời gian" khiến không ít game thủ vấp phải sự phản đối của gia đình. Vậy nên với những sinh viên CNTT mê game, một cuộc thi đào tạo lập trình game chẳng khác nào giúp các bạn "hổ mọc thêm cánh", bước vào trải nghiệm vừa học - vừa chơi - vừa khám phá chân trời mới mẻ.
Vượt qua hàng trăm ứng viên đăng ký, Khang trở thành Fresher (tên gọi các thực tập sinh tại VNG) được VNG ZingPlay Game Studios đào tạo chuyên sâu bằng việc tham gia các dự án lập trình game thực tế, thay vì chỉ thực hiện các project (dự án) giả định như nhiều chương trình đào tạo bên ngoài.
Tại đây, các Fresher được hướng dẫn chi tiết từ việc hệ thống hóa kiến thức chuyên ngành, xây dựng kỹ năng mềm giúp tối ưu hiệu quả công việc, cho đến rèn luyện kỹ năng tư duy của một lập trình viên chuyên nghiệp. Và không chỉ "mài giũa" tay nghề lập trình, họ còn được "thực chiến" tham gia vào mọi quá trình triển khai dự án như phối hợp cùng các team game designer, artist... lên ý tưởng, hoàn thiện và kiểm định sản phẩm; hay kết hợp team QC (Kiểm tra chất lượng) hoàn thiện các nhiệm vụ với từng tính năng, yêu cầu khác nhau…
Trong hành trình 3 tháng ấy, nếu được hỏi có vất vả không, câu trả lời của Fresher là có. Có khó khăn khi phải cân bằng giữa công việc và học tập trên giảng đường không? Có. Nhưng liệu có xứng đáng không? Vẫn là có, hành trình ấy giúp các bạn trưởng thành về mọi mặt, bởi đâu phải coder nào cũng có "diễm phúc" được tự tay hoàn thiện demo sản phẩm thực tế, nhìn thấy đứa con tinh thần của mình ra mắt thị trường và đo lường sự hưởng ứng của cộng đồng.
"Suy nghĩ của mình đã thay đổi hoàn toàn nhờ GDF. Môi trường doanh nghiệp là một thế giới rất khác khi sở hữu tập người dùng lớn, đòi hỏi cao cả về trải nghiệm lẫn khả năng làm sản phẩm trên thị trường kinh doanh. Có áp lực, nhưng cũng có cả hưng phấn khi biết rằng ngày mai sẽ có hàng trăm nghìn người dùng sử dụng sản phẩm do chính tay mình tạo ra", Khang chia sẻ.
Còn với Vỹ - cựu sinh viên Bách khoa Đà Nẵng, việc tham gia mùa 1 GDF Đà Nẵng năm 2017 là một chuỗi trải nghiệm mới lạ, bỡ ngỡ nhưng vô cùng quan trọng, giúp anh hình dung rõ nét về môi trường và guồng quay làm việc thực tế.
"Trước đó mình học trên trường, với các bài tập tự quản lý và tự học, thầy cô chỉ hướng dẫn. Còn khi đi làm môi trường doanh nghiệp, mình được học về công cụ thực tế và phương pháp làm việc nhóm bài bản hơn, cách nhìn nhận vấn đề, từ đó rèn được tính cẩn thận, quản lý thời gian. Mọi người xung quanh ai giỏi gì mình sẽ học theo", Vỹ chia sẻ.
Đến nay, Vỹ đã có 5 năm gắn bó với VNG ZingPlay Game Studios trong vai trò Software Engineer (kỹ sư phần mềm). Còn với Khang, sau 13 năm không ngừng học hỏi và trải nghiệm, anh trở thành Product Manager (quản lý sản phẩm) của một trong những Game Studio hàng đầu Việt Nam.
Tại VNG ZingPlay Game Studios, số lượng nhân sự "chung thủy" như Vỹ hay Khang không hề hiếm gặp. Theo thống kê, 90% đội ngũ nhân viên quản lý hiện tại của ZingPlay đều phát triển từ các thế hệ Fresher, nghĩa là các bạn chọn đồng hành với công ty từ khi còn là sinh viên sắp tốt nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình GDF chính thức trở thành nhân viên.
Năm 2022, GDF nhận được tổng cộng hơn 800 đơn ứng tuyển tại hai đầu cầu Hà Nội và Đà Nẵng. Là lứa Fresher "tốt nghiệp" GDF năm ngoái, Như Trí (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Tuấn Huy (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) đều đã trở thành nhân viên chính thức của VNG ZingPlay Game Studios.
Những ngày còn làm Fresher "chân ướt chân ráo", điều "gây sốc" với Trí là văn hóa chia sẻ thân tình, cởi mở và sự đồng hành tận tâm, tận tụy của các mentor (người hướng dẫn). "Mình nghe bạn bè nói khi làm thực tập sinh ở những nơi khác sẽ phải tự bơi vì ít ai hỗ trợ. Còn khi đặt chân đến GDF, một team gồm 3 Fresher sẽ được 'kèm chặt' bởi 4 mentor (người hướng dẫn). Ai cũng đều được tạo điều kiện hết sức để tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm thực tế dưới sự hướng dẫn 1-1 của mentor", Trí cho hay.
Cảm nhận của Huy về GDF lại gói gọn trong từ "chỉn chu", từ khâu tuyển dụng, đào tạo cho đến những quyền lợi đi kèm. Anh chia sẻ: "Đa số ngành game ở Việt Nam hiếm có công ty đào tạo về game, sinh viên tụi mình thường phải học qua chương trình trên mạng nên thiếu kiến thức chuyên môn. Còn khi gia nhập GDF, mình được tham gia chương trình tuyển dụng do 'kỳ lân công nghệ' tổ chức, chưa kể đến mức lương 14 triệu đồng 'ổn áp' đối với sinh viên và được xếp vào loại top thị trường".
3 tháng "nếm mật nằm gai" cùng GDF khép lại, Trí hay Huy đều được "thăng chức" trở thành nhân viên chính thức tại VNG ZingPlay Game Studios. Cả hai vẫn ngày ngày thưởng thức "đặc sản" của công ty là văn hóa sharing (chia sẻ), từ sếp cho tới đồng nghiệp đều hòa đồng, luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và "không thèm giấu nghề".
Bên cạnh đó, sự ghi nhận đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm tại đây cũng tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ để Huy tiếp tục đón nhận thử thách mới mỗi ngày.
"Phần thưởng lớn nhất mình nhận được sau khi hoàn thành GDF không chỉ là một công việc chính thức với mức lương ưng ý, lộ trình thăng tiến rõ nét, mà còn là tinh thần giàu năng lượng, tràn đầy cảm hứng mỗi ngày đi làm. VNG ZingPlay Game Studios luôn mang đến cho mọi nhân viên cơ hội thăng tiến công bằng cả về lương, cấp bậc lẫn sự phát triển chuyên môn. Đó là lý do mình luôn khao khát học hỏi, thể hiện và chinh phục những nấc thang mới", Huy nhận định.
Trên thế giới, phát triển game là một nghề "hốt bạc". Mức lương trung bình của kỹ sư phát triển game tại Mỹ lên tới 9.600 USD/tháng, theo Builtin. Robolox, Microsoft hay AppLovin thậm chí còn sẵn sàng trả cho nhân viên lập trình game gần 11.000 USD/tháng. Hơn nữa, do cầu luôn cao hơn cung, các kỹ sư lập trình game có năng lực luôn nằm trong tốp được săn đón tuyển dụng nhiều nhất.
Còn tại Việt Nam, lập trình game vẫn đang phải chịu nhiều định kiến và phán xét, thậm chí chỉ bị coi là việc "đốt tiền" chứ không thể kiếm ra tiền. Dù vậy, những nỗ lực miệt mài của ngành game suốt những năm qua cũng bước đầu gặt hái kết quả. Không ít nhà tuyển dụng đang "săn" ứng viên với mức lương khởi điểm 1.000 - 3.000 USD đầy hấp dẫn. Niko Partners và Google đưa ra dự báo thị trường eSports tại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng (CAGR) 28%/năm, có thể trở thành thị trường thể thao điện tử có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Một số trường đại học đã bước đầu thử nghiệm đưa lập trình game vào giảng dạy, thậm chí mở những chuyên ngành đào tạo riêng, thu hút khá đông sinh viên.
Nhưng rõ ràng, để game thực sự trở thành một ngành "công nghiệp số" chủ lực của Việt Nam như kỳ vọng, thì nguồn cung nhân lực cần phải có sự đột phá. Việc những doanh nghiệp, game studio hàng đầu trên thị trường tiên phong triển khai chuỗi hoạt động đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cả về kỹ năng công nghệ lẫn khả năng nắm bắt xu hướng thị trường là thực sự cần thiết. Còn từ phía các bạn trẻ, đây rõ ràng là cơ hội hiếm có để được "dấn thân" vào một ngành kinh tế đầy sôi động, tiềm năng và cơ hội.
Năm nay, cơ hội mang tên Game Development Fresher đó đã tái khởi động khi chính thức mở đơn đăng ký tại Hà Nội, Đà Nẵng đến hết ngày 31.7.2023. Nếu là sinh viên những năm cuối ngành CNTT, có background về cấu trúc dữ liệu và giải thuật, sở hữu tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, bạn đã đủ điều kiện ứng tuyển GDF để trải nghiệm hành trình thai nghén, nuôi dưỡng một tựa game từ A đến Z.
"Cứ thử đi đừng ngại", Vỹ nhắn nhủ với các bạn trẻ đang có mong muốn thử sức với GDF. Những Fresher ngày nào như Khang, Vỹ, Trí hay Huy đều đã "cất cánh" trên đường băng GDF và tìm thấy lối đi thỏa mãn ước mơ cho mình. Và biết đâu, bạn cũng sẽ trở thành người tiếp theo, để vừa được sống trọn vẹn với đam mê chơi game, vừa được vẫy vùng sáng tạo trong một game studio hàng đầu Vietnam. Kỹ sư game "made in Vietnam" ư - tại sao không?
Bình luận (0)