Game show 'siêu trí tuệ'

Nguyên Vân
Nguyên Vân
08/08/2019 08:47 GMT+7

Khi các game show giải trí , thi thố tài năng ca hát, nhảy múa bão hòa, những cuộc chơi thiên về trí tuệ như: Sếp nhí khởi nghiệp (đang phát thứ bảy hằng tuần trên VTV3), Siêu trí tuệ VN (vừa kết thúc vòng sơ tuyển trên toàn quốc)... trở thành “món” mới thú vị vì sự khác biệt.

Siêu trí tuệ VN là chương trình khoa học thực tế và tài năng dành cho những người có khả năng phi thường. Đây là chương trình được nhiều quốc gia trên thế giới mua bản quyền sản xuất và phát sóng như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Nga... , VN là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á mua bản quyền của Đức (bởi DID TV) để sản xuất, dự kiến phát sóng vào tháng 10 tới trên kênh VieChannel - HTV2. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc nội dung DID TV, cho biết chương trình là nơi khám phá những giới hạn mới của bộ não con người qua những thử thách đa dạng từ các lĩnh vực: trí nhớ, logic, toán học, rubik, quan sát...; đồng thời tìm kiếm những bộ não nhằm hình thành “biệt đội” siêu trí tuệ VN để phân tranh cao thấp với các tinh anh thế giới.
Còn với Sếp nhí khởi nghiệp, 3 tập vừa phát sóng tạo được sự quan tâm của khán giả “kép” gồm cả cha mẹ và con cái, khi đối tượng tham gia là những “nhà khởi nghiệp” tuổi từ 7 - 14. Ở đó, những ý tưởng sáng tạo, độc đáo đúng chất trẻ thơ của các bạn nhỏ được thể hiện và thuyết phục các nhà đầu tư. Đó là “sếp nhí” Đức Đạt trình bày mạch lạc khi kêu gọi vốn cho dự án DAT Kids Toy Reviews (kênh YouTube giới thiệu đồ chơi trẻ em) cùng ước mơ sớm có ngày tự cầm máy quay thực hiện video như các YouTuber nổi tiếng. Đức Đạt đã “hạ gục” ban cố vấn và nhà đầu tư khi trình bày lộ trình phát triển kênh cụ thể nếu kêu gọi đầu tư thành công. Hay “nhà sáng lập nhí” Lê Vân mong muốn kêu gọi đầu tư cho ý tưởng thành lập nhóm Shipper Kids (giao hàng nhí), xuất phát từ chính tình trạng thiếu shipper khi gia đình em đặt hàng mãi vẫn không có ai giao đến (khu đô thị em có nhiều chợ cư dân trên Facebook buôn bán mặt hàng nhu yếu phẩm).
Trước đó, game show trí tuệ Chinh phục cũng đã tạo được sân chơi “cân não” dành cho học sinh THCS khi nhắm đến những câu hỏi giúp khơi gợi khả năng sáng tạo, kỹ năng tiềm ẩn của mỗi thí sinh chứ không phụ thuộc ngân hàng câu hỏi như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú...
“Sau khi làm Shark tank VN - Thương hiệu bạc tỉ, tôi rất ngạc nhiên khi casting các bạn nhỏ tham gia gọi vốn khởi nghiệp. Ý tưởng sáng tạo của trẻ rất phong phú, vì các em không bận tâm suy nghĩ chuyện... người lớn. Việc kích thích sự sáng tạo, tự lập trong tư duy của trẻ mà game show đưa ra giúp các gia đình “nhìn” lại để lắng nghe, cảm nhận nhiều hơn, bởi các con phải được quyền suy nghĩ và thể hiện được tiếng nói của mình”, đạo diễn Nguyễn Nam của Sếp nhí khởi nghiệp chia sẻ. Anh nói thêm rằng không phải đến nay game show trí tuệ mới được chú ý, mà khi thị trường có nhu cầu ắt hẳn có cung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.