Trailer giới thiệu game: những "kẻ nói dối" tài ba

02/05/2014 10:00 GMT+7

Trong ngành công nghiệp game, trailer (clip quảng cáo) là phương án số một mà các nhà phát triển lựa chọn để thực hiện việc quảng bá cho tựa game của mình.

Tất cả những trailer mà chúng ta xem hàng ngày trên Youtube hoặc hoành tráng, hoặc sống động, vui tươi, nhưng tất cả đều tập trung vào một mục tiêu duy nhất: thuyết phục game thủ rằng trên đời có hai loại người, loại chơi game trong trailer và loại không chơi tựa game đó.

Teaser

 Trailer game The witcher 3: Wild hunt

Nói một cách chính xác thì teaser không phải là trailer, bởi trailer là một đoạn giới thiệu trước cho game, còn teaser thường được dùng để giới thiệu trước… các trailer, hoặc để khuấy lên sự tò mò của game thủ hơn là để thực sự quảng bá cho tựa game nào đó. Teaser thường cực ngắn và không đem lại một thông điệp rõ ràng nào, thay vào đó nó chỉ chứa một phần rất, rất nhỏ của “bức tranh lớn” mà nó giới thiệu về sau.

Trailer game

Sau khi đã thông báo đến game thủ sự hiện hữu của game bằng teaser, đã đến lúc giúp game thủ biết được tựa game đó có gì, và trailer vào cuộc. Đoạn trailer đầu tiên công bố game (thường được gọi là reveal trailer) sẽ đem lại ấn tượng đầu tiên cho game thủ, và vì thế nó thường là một đoạn CG (đồ họa máy tính) cực đẹp và không chứa nhiều hình ảnh thực trong game, mà chỉ là bối cảnh hoặc nhân vật.

Trailer game Cyberpunk 2077

Những nhà sản xuất lớn “thừa tiền” có thể tung ra hàng tá trailer từ ngày này sang tháng nọ để lôi kéo game thủ về tựa game con cưng của mình, chẳng hạn Crysis 3 có không dưới 10 trailer trước ngày nó ra mắt. Trong khi đó, các công ty indie nhỏ lẻ thường cũng có vài trailer để giới thiệu những thứ mà họ tin rằng game thủ sẽ yêu thích, bởi trailer “nói” được nhiều hơn hẳn so với screenshot hay những bảng liệt kê tính năng ingame bằng lời.

Trailer game Alien: Colonial marine

Nhưng dù hay hay dở, bản chất của trailer luôn là để quảng cáo. Hẳn không ít game thủ từng “ngậm đắng nuốt cay” khi một trò chơi hoàn toàn… chả giống tí nào so với hình ảnh mà các trailer của nó tạo nên. Alien: Colonial marine là một ví dụ tiêu biểu, khi hình ảnh trong trailer tỏ ra cực kỳ đẹp mắt và hoành tráng, còn tựa game thực lại u ám, mờ nhạt và thiếu chi tiết – thậm chí bản thân game cũng không phải do Gearbox thực hiện “như quảng cáo” trong trailer của nó.

Trailer game Brink

Cũng không thiếu những tình huống mà một tựa game thực sự khá hay, nhưng những ấn tượng sai lệch mà trailer tạo ra đã khiến game thủ của nó không thể gắn bó lâu dài. Một ví dụ nhỏ: Brink. Trailer của nó khiến game thủ tin rằng đây là một game TPS với chế độ chơi đơn thú vị cùng những pha free run tốc độ, cho đến khi bạn đọc giới thiệu rằng nó là FPS. Thực tế, Brink là một tựa game khá, với chiến trường multiplayer được đánh giá cao nhưng việc game “hứa một đằng, làm một nẻo” khiến cộng đồng game thủ chết dần và Brink rơi vào quên lãng.

Vì đâu nên nỗi?

Trailer giới thiệu game: những

Hình ảnh game với những hiệu ứng khác nhau. (Ảnh: Google)

Vậy vì đâu mà trailer thường làm game thủ thất vọng? Vì việc xử lý hậu kỳ. Một đoạn trailer luôn được cắt ghép từ những hình ảnh đẹp nhất, những phân đoạn nhiều khói lửa nhất, tất cả được ghép lại nối tiếp nhau tạo ra một cảm giác dồn dập, hối hả đẩy sự mong chờ của bạn lên cao. Nó còn được “thêm mắm dặm muối” bằng các bản nhạc nền, hiệu ứng âm thanh, khói lửa… và dĩ nhiên không có gì lạ nếu hiệu ứng âm thanh mà bạn nghe trong một trailer có thể hoàn toàn khác với những gì có trong tựa game gốc. Ngoài ra, có những thứ mà bạn chỉ có thể nhận ra khi chơi game mà trailer không thể chuyển tải, chẳng hạn chất lượng AI hay cách mà một trò chơi dẫn dắt cốt truyện của mình.

Trailer giới thiệu game: những

Làm game là một quá trình rất phức tạp.  (Ảnh: Google)

Dĩ nhiên, các nhà phát triển chưa hẳn đã cố ý lừa game thủ của mình bởi điều đó là rất tai hại cho danh tiếng của họ. Để có được một tựa game giống như quảng cáo, họ phải phối hợp được nhiều yếu tố như engine, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, vật lý, AI… nhưng thực tế, ngay cả khi những điều đó kết dính với nhau một cách hoàn hảo, nhà phát triển cũng phải chờ đến khi trò chơi đã hoàn tất. Những đoạn trailer quảng bá cho trò chơi không thể ra mắt sau trò chơi đó, và vì thế việc “dối trá” đôi chút trong trailer là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên không phải nhà phát triển nào cũng có đủ tài năng để tái hiện hoàn hảo những gì họ nghĩ trong đầu, và vì thế chúng ta có sự tồn tại của những trailer “hay hơn cả game”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.