Cảm nhận về Overwatch của một game thủ 'gà mờ FPS'

10/06/2016 16:15 GMT+7

Sau khi được trải nghiệm phiên bản Open Beta hồi đầu tháng Năm, tôi đã quyết định mua Overwatch dù giá tiền bỏ ra không hề rẻ (gần 1 triệu đồng).

Ngay từ khi Blizzard Entertainment mới công bố các thông tin đầu tiên liên quan đến Overwatch, tôi đã ngay lập tức chú ý đến trò chơi này mặc dù tôi chỉ là một "con gà" ở thể loại FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất). Sau khi được trải nghiệm phiên bản Open Beta hồi đầu tháng Năm, tôi đã quyết định mua Overwatch dù giá tiền bỏ ra không hề rẻ (gần 1 triệu đồng). Đây là lần thứ hai tôi mua game sau lần đầu tiên ủng hộ game Việt 7554 của Emobi Games.

Đồ họa dễ thương với tông màu sáng

Khác với đa số các MMOFPS thường được thiết kế theo phong cách tả thực, Blizzard Entertainment đã khiến Overwatch trở nên đặc biệt hơn với nền tảng đồ họa theo phong cách hoạt hình dễ thương cùng tông màu sáng. Đồng thời, cảnh chiến đấu trong Overwatch cũng không quá "máu me" khiến trò chơi này dễ được game thủ chấp nhận hơn.

Cảm nhận về Overwatch của một game thủ gà mờ FPS

Người chơi mới có thể làm quen nhanh chóng

Các trò chơi thuộc thể loại FPS thường khá kén người chơi do đòi hỏi kĩ năng đầu vào khá cao. Blizzard Entertainment đã khiến Overwatch trở nên dễ dàng hơn với người chơi mới khi giảm độ giật của súng và làm headshot hitbox lớn hơn khiến người chơi có thể "dễ bắn, dễ trúng thưởng".

Cảm nhận về Overwatch của một game thủ gà mờ FPS

Nhiều nhân vật, lối chơi đa dạng

Ở thời điểm hiện tại, Overwatch có 21 tướng và được chia thành chia thành bốn nhóm chính tấn công, phòng thủ, đỡ đòn và hỗ trợ. Mặc dù được xếp chung vào một nhóm nhưng mỗi tướng trong Overwatch lại có một lối chơi riêng biệt và không tướng nào giống tướng nào. Có thể lấy ví dụ như Bastion và Widowmaker đều là tướng phòng thủ nhưng lối chơi lại có sự khác biệt khá lớn, với Widowmaker là "one hit, one kill" còn với Bastion là "so đạn xem ai nhiều hơn".

Cảm nhận về Overwatch của một game thủ gà mờ FPS

Không chỉ vậy, các tướng trong Overwatch còn có sự khắc chế lẫn nhau để tạo nên tính cân bằng trong trò chơi. Chẳng hạn Bastion rất "bá đạo" khi ở dạng súng máy nhờ có nhiều đạn và có kĩ năng hồi phục. Tuy vậy, "vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn", khi ở dạng súng máy, Bastion sẽ lộ ra điểm yếu ở đầu, lúc này, nếu ăn một phát đạn của Widowmaker từ xa hoặc Tracer blink tới headshot thì chắc chắn là "banh xác". Hay cũng có thể là "ăn nguyên cả băng đạn vào mồm" khi bắn vào Genji đang sử dụng Deflect (Shift).

Cảm nhận về Overwatch của một game thủ gà mờ FPS

Overwatch cũng khá đa dạng về chế độ chơi và bản đồ. Ở thời điểm hiện tại, Overwatch có 4 chế độ chơi là Tấn công, Hộ tống, Kiểm soát và Tấn công/Hộ tống. Tương ứng với mỗi chế độ chơi là 3 bản đồ khác nhau. Điểm đặc biệt của các bản đồ trong Overwatch là chúng được lấy cảm hứng từ các địa điểm nổi tiếng trên thế giới. Chẳng hạn Hanamura làm nổi bật kiến trúc cổ điển của Nhật Bản với hoa đào hay Route 66 lại mang đặc trưng của miền viễn Tây nước Mỹ. Không chỉ vậy, mỗi bản đồ trong Overwatch lại có một bản nhạc nền đặc trưng riêng khiến người chơi cảm thấy hứng thú.

Dễ chơi nhưng khó để trở thành cao thủ

Là phiên bản kết hợp hoàn hảo giữa hai thể loại FPS và MOBA (đấu trường trực tuyến), để giành chiến thắng trong Overwatch, bạn không những cần phải có kĩ năng cá nhân giỏi mà cần phải có một chiến thuật hợp lý nữa. Đặc biệt, chiêu cuối của các tướng trong Overwatch nhìn thì có vẻ sử dụng nhưng để sử dụng mà đạt hiệu quả tối đa thì rất khó.

[mecloud]fSXRVHxcvq[/mecloud]

Có thể lấy ví dụ như chiêu cuối của Tracer, sau khi ném bom xong mà bạn không sử dụng Recall (E) để lùi lại hay Blink (Shift) để kiếm chỗ nấp thì bạn rất có thể "ngọc đá cùng tan" với đối thủ hoặc "chết mà không hiểu vì sao mình chết". Hay như chiêu cuối của D.Va, nhiều người chơi Overwatch có kĩ năng cao có thể ném robot bay qua tường và rơi xuống địa điểm mà đối thủ đang tụ tập. Đôi khi, chỉ cần một pha sử dụng chiêu cuối chuẩn xác là bạn hoàn toàn có thể "lộn cái bàn" thành công khi trận đấu đang bước vào những giây bù giờ cuối cùng.

Tạm kết

>> Xem phiên bản Overwatch lồng tiếng Việt "siêu bựa"

Có thể gọi Overwatch là "siêu phẩm" cũng không ngoa, bởi trò chơi này là sự kết tinh giữa kinh nghiệm phát triển làm game lâu năm của Blizzard Entertainment và sự thất bại của Project Titan. Không chỉ vậy, Overwatch còn đứng trước cơ hội trở thành một bộ môn thể thao điện tử hàng đầu thế giới với lối chơi là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai thể loại FPS và MOBA. Nếu bạn đang muốn trải nghiệm một game online mới thì Overwatch là một lựa chọn không thể tuyệt vời hơn trước một rừng "game rác" từ Trung Quốc đang tràn ngập làng game Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.