Đánh giá (game Việt) - Sweet madness

18/04/2014 19:00 GMT+7

Thời này, cứ game nào vừa thể loại giải đố vừa dính tới “đồ ngọt” là người ta lại nghĩ ngay đến Candy crush saga. Nhưng đôi khi, mới nhìn lướt qua nó giống y như vậy, nhưng thực chất lại rất khác.

  • Phát triển: Guava7
  • Phát hành: Tháng 3.2014
  • Nền tảng: Android, iOS (click vào link để tải về)

Cách đây vài tháng, khi Sweet madness mới chỉ có cái tên game và một số hình ảnh trên Internet, kèm theo dòng thông báo “Coming soon”, người viết đã có dịp tiếp xúc với anh chàng trưởng nhóm phát triển dự án này.

Đánh giá (game Việt) - Sweet madness

Khi đó, vừa muốn hỏi han về Sweet madness cho chuỗi bài đánh giá - giới thiệu game Việt trên Thanh Niên Game, lại trùng hợp ngay lúc King vừa đăng ký độc quyền thành công từ “candy” cho các game trên mạng xã hội, người viết đã bông đùa rằng: “Làm game kẹo không sợ King kiện sao?”. Thế là nhận ngay một tràng lên gân từ anh chàng này, rằng dự án mà anh đang làm chả liên quan xơ múi gì đến game nào khác cả.

Bẵng đi một thời gian, không tin tức gì từ đợt "cà khịa" đó, cuối cùng thì Sweet madness cũng đã ra lò, âm thầm xuất hiện trên các chợ ứng dụng cho Android và iOS. Và người viết nhận ra câu đùa liên quan đến King và Candy crush saga của mình khi trước có bị bật lại cũng... đúng.

Cùng lấy chủ đề về những viên kẹo nhiều màu sắc, cùng những gam màu tươi sáng, cùng thể loại giải đố, nhưng lối chơi của Sweet madness lại hoàn toàn khác.

Đánh giá (game Việt) - Sweet madness Đánh giá (game Việt) - Sweet madness

 Trong Sweet madness, người chơi sẽ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất tuy đơn giản nhưng lắm lúc lại trở nên cực khó: Trong thời gian 20 giây, phải vẽ một đường nối các viên kẹo cùng màu với nhau, sao cho kết nối được nhiều viên kẹo nhất có thể. Và chỉ khi tìm ra được đường nối dài nhất người chơi mới có thể qua màn, bằng không sẽ mất một mạng và tiếp tục chơi lại màn đó (cho đến khi nào qua mới thôi).

Các đường nối này có thể là đường thẳng, hoặc đường chéo giữa 2 viên kẹo khác hàng - khác cột nhau. Vì vậy, đôi khi trong “một nùi” các viên kẹo cùng nằm kế nhau, nhìn qua tưởng dễ nhưng thực chất việc vẽ được đường nối dài nhất, ngoằn nghoèo và chằng chịt, lại không hề đơn giản.

Khi khởi động màn chơi, người chơi sẽ có mặc định 2 mạng, tương đương với 2 lần sai và thử lại trong game. Nếu muốn có nhiều hơn 2 mạng, người chơi sẽ phải mua thêm bằng tiền trong game. Việc thủ sẵn nhiều mạng trước khi vào trận sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn để chơi lên các màn cao - đồng nghĩa với việc được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng.

Đánh giá (game Việt) - Sweet madness Đánh giá (game Việt) - Sweet madness

Không có các combo đẹp mắt để đập kẹo, không tính các loại điểm trong game, thứ duy nhất để phân định bảng xếp hạng người chơi chính là tổng số màn (level) mà họ vượt qua được. Được cung cấp trên cả 2 nền tảng iOS và Android, Sweet madness có tính năng tương tác trên mạng xã hội khi cho phép người dùng đăng nhập Facebook hoặc Twitter để so kè trên bảng xếp hạng (xếp hạng trong danh sách bạn và xếp hạng toàn thế giới), kiếm thêm tiền nhờ các tác vụ chia sẻ thành tích, rủ thêm bạn cùng chơi.

Sweet madness có 2 chế độ chơi: Endless và Tournament. Trong chế độ Endless, người chơi có thể chơi thoải mái để đạt được thành tích tốt nhất. Chế độ Tournament được tổ chức theo từng tuần, dành cho người chơi đã đạt level 40 trở lên, với bảng xếp hạng riêng và các phần thưởng là tiền trong game.

Đánh giá (game Việt) - Sweet madness Đánh giá (game Việt) - Sweet madness

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.