Đừng vội mua game ngay khi chúng vừa được phát hành

10/09/2014 17:00 GMT+7

Có một nguyên tắc bất di bất dịch trong ngành công nghiệp game, dù là bất cứ loại game nào đi chăng nữa, chúng sẽ trở nên rẻ hơn và tốt hơn trong 6 tháng.

Phiên bản Diablo 3: Ultimate evil edition dành cho Xbox One và PS4 vừa mới được phát hành vào ngày 19.8 vừa qua ở mức giá $60. Với $60, người chơi sẽ sở hữu toàn bộ bản Diablo 3, thêm một tá tính năng, bản expansion Reaper of Souls và giao diện thì được cải tiến hơn rất nhiều so với phiên bản Xbox 360 lẫn PlayStation 3. Có thể nói đây là phiên bản Diablo 3 hay nhất từ trước đến nay.

(Ảnh: Ps3cfwfix)

Phiên bản gốc dành cho PC đã tỏ ra thất thế khi yêu cầu phải kết nối Internet 24/24 để tăng cường tính bảo mật, nhà đấu giá (Auction House) bằng tiền thật gây nhiều tranh cãi và nạn trộm cắp hoành hành khắp nơi. Tất cả những vấn đề trên đã được giải quyết trong phiên bản console, cùng với đó là khả năng kiểm soát trực tiếp nhân vật và chơi gần như một game hành động. Nếu bạn chưa từng chơi Diablo 3 trước đây, rất vui được thông báo rằng phiên bản mới nhất này đã sửa lỗi tất cả những nhược điểm của phiên bản PC, vấn đề trộm cắp được hạn chế, giao diện đẹp mắt và thân thiện với người dùng, cũng như nội dung phần expansion đầy đủ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao mọi người lại không đủ kiên nhẫn để chờ đợi phiên bản tốt nhất của game mà cứ nôn nóng muốn sở hữu sớm nhất để rồi phải thất vọng vì còn quá nhiều lỗi chưa được giải quyết? Bạn không cần phải xấu hổ vì mình đã bỏ lỡ Diablo 3 đến tận bây giờ, chỉ đơn giản bạn là người chơi thông thái khi kiên nhẫn đợi đến phiên bản game tốt nhất, nội dung tuyệt vời nhất để mua về.

Hãy biết chờ đợi

Những người thích mua game sớm sẽ phải trả nhiều tiền nhất để mua về một phiên bản game nhiều lỗi nhất. Họ sẽ cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo khi được hãnh diện là những người chơi phiên bản game đầu tiên, dù đôi khi họ chỉ đơn thuần thích khoe mẽ chứ không hẳn là thích bản thân việc chơi game đó.

Đừng mua games ngay khi chúng vừa được phát hành!

(Ảnh: Playstation)

Ví dụ như game Infamous: Second son, bạn hãy đợi khoảng vài tuần và chỉ phải trả 30 USD để có được những ưu điểm vượt trội (sau khi cập nhật) sau đây: chế độ Photo mode (chụp ảnh trong game) ngay từ những lần chơi đầu tiên; nhịp độ nhanh tự nhiên (fast-pace) của các nhân vật khi di chuyển; hiệu ứng Draw Distance trong game giúp người chơi vừa có tầm nhìn xa, bao quát toàn cảnh, vừa có thể “soi” vào những chi tiết nhỏ trong game một cách dễ dàng; đó là chưa kể đến đồ họa cực bắt mắt với thiết kế ánh sáng bùng nổ, cấu trúc chi tiết và hiệu ứng hạt nổi bật hơn hẳn nhờ vào sức mạnh của máy PlayStation 4. Tóm lại là có nhiều nội dung hơn, nhiều tùy chỉnh hơn, nhiều trải nghiệm tuyệt vời hơn với mức giá chỉ bằng một nửa so với lúc game mới phát hành. 

Có một nguyên tắc bất di bất dịch trong ngành công nghiệp game, dù là bất cứ loại game nào đi chăng nữa, chúng sẽ trở nên rẻ hơn và tốt hơn sau 6 tháng.

Đừng tin vào các chiến dịch quảng cáo rùm beng

Đừng mua games ngay khi chúng vừa được phát hành!

Các nhà sản xuất biết rằng việc bán được sản phẩm với mức giá cao ngay lúc vừa phát hành luôn là một món hời. Do đó họ phải tạo ra những chiến dịch quảng cáo rùm beng, tạo sự khan hiếm và độc quyền giả, khiến những khách hàng khờ khạo cảm thấy phải mua sản phẩm đó ngay lập tức. Cảm giác cấp bách hay cần mua một thứ gì đó để được độc quyền sử dụng ư? Đó chỉ là các chiêu trò marketing mà thôi. Bạn sẽ có được mọi thứ mình muốn, miễn là bạn biết kiên nhẫn.

Các công ty game luôn sẵn lòng tái phát hành những phiên bản game mới với nhiều nội dung hơn, thêm nhiều tính năng, cập nhật phiên bản cho Xbox One và PlayStation 4,v.v. Cạnh tranh trong ngành công nghiệp game rất gay gắt, game nhanh chóng bị sụt giá và những tính năng mới phải được cập nhật liên tục, do đó bạn không thực sự cần thiết phải lo lắng quá mức để mua game ngay từ khi chúng mới lên kệ.

Điều đó không có nghĩa rằng bạn đừng mua bất cứ game nào ngay trong ngày đầu phát hành, có những game thật sự được các game thủ hâm mộ và đã chờ đợi rất lâu. Nhưng cần lưu ý đó vẫn là cách làm tiêu hao túi tiền của bạn nhanh chóng nhất.

Những ý kiến trên chắc chắn sẽ không làm các nhà phát hành game hài lòng. Công việc của họ là tối đa hóa lợi nhuận công ty, nhưng người tiêu dùng chúng ta cũng phải tối đa hóa lợi ích của từng đồng tiền mình kiếm được, vì vậy chúng ta chỉ cần làm một việc rất đơn giản: đó là chờ đợi đến thời điểm thích hợp.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Ben Kuchera, nhà báo game thuộc trang tin Polygon

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.