Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4)

08/04/2015 14:45 GMT+7

Cùng đến với phần 4 của loạt bài viết phân tích các lá bài mới trong phiên bản Blackrock Mountain.

  • Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 1), (Phần 2), (Phần 3)

Cuối cùng thì toàn bộ các lá bài của phiên bản Hearthstone: Blackrock Mountain đã được hé lộ, bao gồm hàng loạt những khả năng mới, chỉ số “khủng” và tất nhiên là vô số khả năng kết hợp chiêu thức đầy hứa hẹn. Tiếp nối các phần trước, mời bạn đọc cùng Thanh Niên Game “chỉ mặt đọc tên” cũng như phân tích kĩ lưỡng điểm mạnh và điểm yếu của từng lá bài trong phần này.

 15. Drakonid Crusher

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4)

Một quân bài mang đến khá nhiều những ý kiến trái chiều, liệu rằng đây là một quân bài tốt hay nó cuối cùng cũng sẽ chỉ là một mục tiêu khác của Big Game Hunter? Với cái giá triệu hồi khá cao là sáu mana, vấn đề của quân bài này có lẽ không hoàn toàn nằm ở Big Game Hunter mà là ở việc tất cả những gì nó đem lại là chỉ số.

Bạn tốn quá nhiều mana để triệu hồi một quân bài và rồi nó biến mất khỏi bàn đấu bởi một lá Sap hay Execute đơn giản mà không để lại một tác động gì lên trận đấu. Không phải ngẫu nhiên mà những lá bài trên sáu mana phổ biến hiện nay hoặc là sẽ phải có hiệu quả ngay tắp lự, hoặc là sẽ phải để lại gì đó khi nó rời bàn đấu, có thể kể đến như Sylvanas, Ancient of Lore, Ragnaros, Doctor Boom,v.v.

Tất nhiên, việc Drakonid Crusher dễ dàng trở thành mục tiêu của Big Game Hunter cũng trở thành một yếu điểm, nhưng nếu xây dựng một bộ bài hợp lý, ta hoàn toàn có thể biến nó thành một ưu điểm. Một mồi nhử cho gã thợ săn máu lạnh chỉ với sáu mana là một điều khá cần thiết trong những bộ bài nặng về cuối game, như Control Warrior với những Dr. Boom, Alexstrasza hay Ragnaros chẳng hạn. Hơn thế nữa, Drakonid Crusher cũng có tương tác khá tốt với Alexstrasza bởi vậy việc nó xuất hiện trong bộ Control Warrior là hoàn toàn hợp lý.

Với những bộ bài mang tính chất hung hãn hơn ở đầu game, Drakonid Crusher cũng là một sự lựa chọn khả dĩ. Khác với quân Core Rager đã được phân tích trước đây trong phần ba, Drakonid Crusher không ép bạn phải xây dựng một bộ bài xoay xung quanh nó. Việc rút máu của tướng địch theo thời gian của trận đấu là một điều hoàn toàn tự nhiên mà bất kì bộ bài nào cũng đều hướng đến, do vậy nội tại của Drakonid Crusher sẽ dễ dàng thích nghi được.

Mặt khác, việc đây là một quân bài thuộc chủng Dragon với mana tầm trung cũng là một lợi thế để có thể đưa nó vào bộ bài, bổ sung thêm cho các quân bài cùng loại.

Mặc dù vẫn còn nhiều nghi ngờ, nhưng hi vọng rằng lá bài này có thể tìm được chỗ đứng của riêng mình trong phiên bản mới, ít nhất là trong arena, bởi chỉ số 9/9 dễ dàng được kích hoạt sẽ khiến nó trở thành một con quái vật thực sự.

  16. Volcanic Drake

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4) Volcanic Drake có cùng cơ chế giảm giá mana để sử dụng như lá phép Dragon’s Breath, một quân bài mới mà game thủ không quá “mặn mà”. Tuy nhiên chú rồng dung nham này đang tạo nên một sức nóng khó có thể cưỡng lại, đúng như tên gọi của nó. Thứ nhất, nó là một quân bài thuộc chủng tộc Dragon, và việc ra được những quân quái vật mạnh với giá thấp là một lợi thế cực kì lớn! (Lớp nhân vật Malfurion - Druid là ví dụ điển hình). Đặc biệt là khi bạn đang dẫn trước, việc ra Volcanic Drake sau một vài pha đổi quái sẽ tạo nên hiệu ứng “cầu tuyết” rất lớn bóp nghẹt đối phương.

Thứ hai, Volcanic Drake rất phù hợp với chiến thuật hiện hành và cả tương lai khi phiên bản mới ra mắt. Hàng loạt những quân bài tạo ra những quân quái nhỏ để bạn có thể trao đổi đang rất phổ biến như Muster for Battle, Imp-losion hay sắp tới đây là Dragon Egg, Imp Gang Boss tạo tiền đề để Volcanic Drake có thể được sử dụng rộng rãi.

Với chỉ số 6/4, mặc dù Volcanic Drake khá yếu ớt và dễ bị tiêu diệt bởi Swipe, Truesilver Champion, Death’s Bite, nó tránh được Big Game Hunter nên đối phương không có cách nào để tiêu diệt nó và đảo ngược nhịp độ trận đấu dễ dàng (tempo swing).

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, Volcanic Drake có thể được kết hợp với những lá phép dọn dẹp bàn đấu khủng như Consecration, Flamestrike hay các combo như Pyromancer/Equality, Auchenai/Circle để đảo ngược lại lợi thế về bàn đấu. Thử tưởng tượng đối phương đang có năm quái vật trên bàn đấu, bạn ra Wild Pyromancer và Equality tiêu diệt toàn bộ, sau đó bạn có hai chú rồng miễn phí 6/4 và  ra thêm Loatheb: chỉ với một lượt ra bài, trận đấu đã nằm trong tay bạn hoàn toàn!

Trong arena, đây hoàn toàn là một lá bài tốt có thể sử dụng bởi việc trao đổi quái trong arena là như “cơm bữa”.

 17. Nefarian

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4) Nếu như bạn đã từng chơi qua World of Warcraft, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên được trận đấu với trùm cuối của Blackrock Moutain, con rồng Nefarian đầy ma thuật và quỷ quyệt đã làm nản lòng biết bao nhiêu anh hùng muốn chinh phục nó bởi khả năng “dĩ độc trị độc” của mình; Phép hồi máu của những “bác sĩ” Priest thì bị biến thành gây sát thương, các sát thủ Rogue lẩn khuất thì bị dịch chuyển ra trước mặt con rồng khổng lồ này hay các Druid trâu bò ở dạng gấu bị hóa sang dạng mèo.

Đội ngũ thiết kế game Hearthstone đã làm rất tốt việc truyền tải tinh thần này vào lá bài Nefarian khi cho nó một khả năng đặc biệt: đánh cắp hai lá bài phép từ class của đối thủ. Một ý tưởng thú vị nhưng liệu có thực sự hiệu quả?

Giống như những lá bài rồng Legendary khác, Nefarian mất đến chín mana để triệu hồi, đồng nghĩa với việc đó là điều duy nhất bạn có thể làm trong một lượt. Trong Hearthstone cũng như các trò chơi thẻ bài nói chung, nếu bạn mất cả một lượt đi chỉ để sử dụng một lá bài, tốt hơn hết là nó nên giúp bạn giành chiến thắng. Ở lượt 9, một quân quái với chỉ số 8/8 là không đủ để chống chọi lại với hàng tá các lá bài phép và tất nhiên là cả gã thợ săn Big Game Hunter.

Mặt khác, khả năng của Nefarian lại quá hên xui, chỉ phù hợp với các bộ bài giải trí chứ không đủ ổn định để có thể sử dụng trong các bộ bài dùng ở các giải đấu. Nefarian tỏ ra kém cạnh với người họ hàng Ysera của mình khi mà những lá bài nhận được từ khả năng của Ysera là tương đối tốt và ổn định hơn, cũng như chỉ số 4/12 là cứng cáp hơn hẳn. Chưa kể, thậm chí cả Ysera còn tỏ ra quá chậm chạp và không được ưu ái sử dụng nhiều trong chiến thuật hiện nay, việc Nefarian xuất hiện rộng rãi là vô cùng khó xảy ra.

Trong arena, Nefarian là một quân bài ở mức trung bình, tất nhiên là trừ lúc bạn có những pha “hack bài” thần thánh như rút được Flamestrike của Mage chẳng hạn.

  18. Chromaggus

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4) Tiếp bước vào chuỗi những con rồng “huyền thoại” là chú “long khuyển” với tám mana chứ không phải chín như đồng loại của mình. Chromaggus mang dáng dấp của Kel’ThuZad, một lá bài với chỉ số cứng cáp 6/8 đủ để sống sót khỏi những lá bài phép như Fireball và cũng tránh được gã thợ săn Big Game Hunter. Cả hai đều có thể sản sinh “giá trị” cực lớn qua từng lượt đấu mà nó sống sót, bởi vậy đối phương sẽ phải nghĩ cách tiêu diệt ngay lập tức chứ không thể phớt lờ nó được.

Tuy nhiên, “giá trị” mà hai quân bài này tạo ra có một sự khác biệt rất lớn. Kel’Thuzad tỏa sáng trong các bộ bài với nhiều quái vật, để có thể sử dụng nó hiệu quả, bạn phải có một bàn đấu nhiều quái vật rồi sau đó trao đổi quái và hồi sinh tất cả với tên “triệu hồi xác sống” này hoặc ít nhất là phải sử dụng nó bên cạnh một quân có Taunt. Chromaggus thì lại khác, nó có thể hoạt động độc lập hiệu quả hơn, bởi kể cả khi bạn chả có gì khác để sử dụng, bạn vẫn được hưởng lợi từ những lần bốc bài mỗi lượt.

Hơn thế nữa, nếu bạn có thể kết hợp nó với những lá bốc bài như Power Word: Shield, Wrath hay thậm chí là lá Excess Mana (có được khi sử dụng Wild Growth vào lượt 10), Chromaggus thực sự là một quân bài đáng gờm.

Mặt khác, việc có thêm một bản sao nữa của một quân bài sẽ làm mạnh thêm chiến thuật và lối chơi của bạn cùng lúc với việc làm rối loạn chiến thuật của địch thủ. Thử hình dung xem “nỗi kinh hoàng” khi bạn đang thở phào nhẹ nhõm với 10 máu còn lại sau khi tiêu diệt được tên Orc hung hãn Grommash Hellscream để rồi lượt sau người anh em song sinh của hắn lại xuất hiện để kết liễu bạn, hay phải đối đầu với một Shaman cầm 3 Hex trên tay!

Tuy nhiên, nói gì thì nói, Chromaggus chỉ hiệu quả trong một bối cảnh mà các bộ bài Control phổ biến, còn trong tình cảnh “người người, nhà nhà” Face Hunter như hiện nay, việc bỏ ra tám mana chỉ để bốc bài tạo lợi thế khó có thể hiệu quả.

Với hàng loạt những sự thay đổi lớn với các lá bài giảm mana sử dụng như Emperor Thaurissan, Dragon Consort, chúng ta hãy cùng chờ xem chiến thuật hiện hành liệu có biến chuyển theo hướng chậm hơn. Có như vậy những lá bài như Chromaggus mới có thể tìm được đất diễn.

Trong Arena, tám mana cho một quân 6/8 là tạm ổn, và có thêm bài trong arena không bao là giờ thừa cả.

  19. Emperor Thaurissan

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4)

Vị vua của người lùn đã xuất hiện để thống trị Hearthstone!

Không quá phóng đại khi cho rằng Emperor Thaurissan là quân bài tốt nhất của phiên bản mới, và thậm chí là tốt nhất của Hearthstone từ trước đến nay. Chỉ số yếu 5/5 với một quân bài sáu mana chẳng nhằm nhò gì so với khả năng khủng khiếp mà nó mang lại: giảm giá mana của tất cả những quân bài trên tay đi 1 mỗi cuối lượt.

Không cần bàn đến việc để vị vua này sống qua lượt sau, lúc đó có lẽ trận đấu đã kết thúc bở ngay lượt mà bạn triệu hồi hắn, giá trị mà bạn nhận được đã thật sự khổng lồ.

Giả sử bạn có 6 lá bài trên tay, mỗi lá giảm đi một mana đồng nghĩa với việc bạn có thêm 6 mana để ra bài, tương đương 3 Innervate? Với Druid, ra Emperor Thaurissan ở lượt 6 và bạn có thể combo Force of Nature + Savage Roar ở lượt 7.

Với Rogue, sử dụng Conceal cho Emperor Thaurissan sống sót sang lượt sau và rồi Preparation + Sprint và thậm chí là Master Disguise cho tên vua này “trường sinh bất tử” thật sự là một cơn ác mộng với đối phương.

Còn vô vàn những cách kết hợp bá đạo cho quân bài này mà chắc chắn sẽ được thử nghiệm khi nó được ra mắt, và chỉ cần một hai người thành công, chiến thuật trong Hearthstone sẽ thay đổi hoàn toàn.

Điều đáng lo ngại đó là hiện tại có quá ít những lá bài ngăn cản đối phương sử dụng combo bài phép, ngoại trừ Loatheb và Counter Spell ra, và với những lá bài như Emperor Thaurissan, liệu người chơi có cách nào để hóa giải những combo phép ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới?

Blizzard cần nhanh chóng đưa ra lời giải đáp bởi sự cân bằng trong một game thẻ bài như Hearthstone là vô cùng cần thiết. Dù sao đi nữa, sẽ không có gì thú vị ở việc gương mắt ngồi nhìn đối phương rút cạn 30 máu của bạn trong một turn với Malygos và một tá bài phép trên tay, một viễn cảnh không còn quá xa vời với sự xuất hiện của Emperor Thaurissan.

  20. Fireguard Destroyer

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4)

Nhìn thoáng qua, quân bài này có thể bị lầm tưởng là một quân bài mang nặng yếu tố “hên xui”, nhưng sự thật  hoàn toàn không phải  vậy. Một quân bốn mana với Overload (1) có thể coi có giá trị tương đương với một quân năm mana. Và với chỉ số thấp nhất của mình là 4/6, Fireguard Destroyer cũng đã bằng với một quân năm mana mạnh, có thể kể đến như Druid of the Claw.

Nói cách khác, về mặt chỉ số, lá bài này xui lắm cũng huề vốn chứ không thể lỗ. Tuy nhiên, điểm lợi hại của lá bài này chính là việc bạn có thể ra nó trước một lượt, và ở lượt 4, dám cá chắc không một quân quái vật nào có thể đánh lại nó.

Quân bài này thực sự là một sự bổ sung lực lượng mạnh mẽ cho Shaman trong thời điểm mà class này đang yếu dần đi qua những bản cập nhật gần đây với những quân bài mới không khả dụng. Quân quái bốn mana gần đây nhất được trang bị cho Shaman trong bản cập nhật GvG là Dunemaul Shaman đã không đáp ứng được sự kì vọng của game thủ bởi chỉ số 5/4 quá mong manh để có thể bù đắp cho hiệu ứng Overload, đấy là còn chưa kể tới đặc tính đánh trượt “ngu si” của loài Ogre.

Sự cứng cáp của Fireguard Destroyer là hoàn toàn bù lại được một mana bị mất ở lượt sau, hơn thế nữa việc có thể ra quân này sau Unbound Elemental ở lượt 3 mang đến tia hy vọng hồi sinh cho bộ bài Overload Shaman. Nhất là thêm với sự ra mắt của Lava Shock, chúng ta hãy cùng chờ xem liệu tên Shaman chuyên “đóng cọc” và “nợ” mana này có thể trỗi dậy như một thế lực ở phiên bản tới!

Trong Arena, đây là một lá bài cực kì “bá đạo” với chỉ số khủng. Bạn dễ dàng trao đổi nó lấy hai quái cùng mana hoặc thấp hơn của đối phương, còn gì tuyệt vời hơn nữa?

  21. Revenge

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4)

Theo nhiều game thủ chuyên nghiệp nhận định, đây dường như là lá bài yếu nhất của bản cập nhật mới này. Một quân bài có khả năng tương tự Whirlwind nhưng tốn thêm một mana để sử dụng? Nghe đã thấy không có gì hấp dẫn.

Kể cả khi bạn có tận dụng được nó ở 12 máu hoặc thấp hơn, bạn cũng sẽ tự gây hại cho quân của mình: ba sát thương vào Acolyte of Pain, Raging Worgen hay Grim Patron chẳng đem lại cho bạn lợi lộc gì hết nếu bạn muốn sử dụng quân bài này vào những bộ bài tự gây sát thương cho quái mình.

Mặt khác, một Control Warrior với lượng giáp lớn khó có thể bị rút máu xuống thấp để bạn sử dụng lá bài này. Phải chăng Blizzard muốn mở lối đi mới nào đó cho Warrior hay đơn thuần chỉ muốn gia tăng khả năng “hành xác” của class này? Đột nhiên trong đầu tôi hiện lên khả năng về một bộ bài … Spell Control Warrior!

Chúng ta đều biết class Warrior có hàng đống những phép cũng như vũ khí tiêu diệt quái vật và dọn bàn đấu vô cùng hiệu quả và Revenge hoàn toàn có thể bổ sung vào như một cứu cánh khi bạn gần hết máu. Tuy nhiên đó chỉ là trên lí thuyết, thực tế thì đây vẫn là một quân bài khá yếu và khó có thể sử dụng hiệu quả. Một lá bài có điều kiện sử dụng tương tự là Mortal Strike thậm chí còn có vẻ giá trị hơn Revenge mà còn phải ngậm ngùi “biệt tăm biệt tích” thì không hiểu lá bài này sẽ đi đâu về đâu.

Trong arena, Whirlwind là một quân bài ở dạng trung bình yếu, bởi vậy có lẽ Revenge ở dạng “tồi tệ”.

  22. Gang Up

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4) Trong bản cập nhật lần này, Blizzard mang đến một quân bài vô cùng thú vị cho người hâm mộ class Rogue. Gang Up là một lá bài phép mang một khả năng khá đặc biệt,”nhân bản” một quân quái vật bất kì trên bàn đấu vào trong tập bài của bạn. Với khả năng độc đáo như vậy, không quá ngạc nhiên khi bao nhiêu viễn cảnh thú vị đã được vẽ ra trong đầu các game thủ. Nào là sử dụng lên Malorne để tạo nên một đội quân “xác sống” không bao giờ chết hay là nhân bản Ragnaros rồi sử dụng Faceless Manipulator để tràn ngập bàn đấu với Ragnaros cuối cùng là sử dụng Majordomo Executus để biến nốt tướng của mình thành Ragnaros. Khá là hài hước và thú vị phải không nào?

Tuy nhiên nếu xét về tính hiệu quả mà nói, Gang Up còn mang khá nhiều điều bất cập. Việc mất tới ba mana trong một lượt chỉ để cho 3 cơ hội bốc được một lá quái vật trong tập bài là quá nhiều, nhất là khi nó không mang lại một lợi thế cụ thể về bàn đấu hay bài trên tay. Trong bối cảnh mà nhịp độ trận đấu diễn ra chóng mặt như hiện nay, việc “lãng phí” mana như vậy dễ dẫn đến việc bị tụt lùi lại phía sau và khó có thể bắt kịp lại đối thủ.

Nói như vậy không có nghĩa rằng đây là một lá bài vô dụng, người chơi hoàn toàn có thể cấp số nhân những quân có khả năng bốc bài như Bloodmage Thalnos hay Azure Drake vốn đang rất thịnh hành trong các bộ bài Rogue để làm tăng tốc độ cho bộ bài cũng như tăng sát thương phép dọn dẹp bàn đấu của đối thủ. Hơn thế nữa, việc có thêm những lá như Blade Flurry hay Tinker’s Sharpsword Oil cũng làm tăng thêm khả năng kết liệu đối phương. Thậm chí, Mill Rogue có thể thực sự trở nên khả dụng khi bạn có thể Gang Up quân Coldlight Oracle để đốt bài của kẻ địch. Nhìn chung, những quân bài mới mang khả năng độc đáo như Gang Up rất khó để đánh giá trên giấy mà cần phải thử nghiệm trong thực chiến mới có thể đưa ra nhận xét chính xác. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng đây sẽ là một lá bài cực tệ trong arena vì đó không phải là nơi mà bạn có thể để bị tụt lại phía sau quá nhiều.

  23. Quick Shot

 Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 4)

Như chúng tôi đã nói ở phần trước trong bài phân tích về Core Rager, chính xác là Blizzard đang muốn mở ra một thời kì “đen tối” và tiêu cực hơn nữa cho class Hunter, một thời kì mà tất cả những gì bạn làm là cố gắng ném hết bài trên tay xuống bàn đấu.

Một quân bài hai mana gây ba sát thương là khá cơ bản so với các class khác cùng với khả nặng bốc bài, vốn là khá thiếu với những bộ bài như Face Hunter chẳng hạn. Việc tiêu diệt được một quân taunt của kẻ địch với lá bài này và thậm chí còn không mất lợi thế về bài là cực kì hữu ích. Thậm chí nó có thể đóng vai trò như một Kill Command mana thấp để kết liễu đối phương.

Tần suất mà bạn “ngậm ngùi” cay đắng khi bị một tên Face Hunter may mắn bốc được một quân kết thúc mạng sống của bạn còn tăng lên gấp bội với lá bài này. Và trong khi bực bội, rất nhiều lời trách móc có thể được hướng đến thiết kế bài của Blizzard, tuy nhiên vấn đề thực sự có lẽ là nằm ở khả năng đặc biệt của class Hunter vốn quá khó để thiết kế một lối chơi mang thiên hướng Control.

Trong Arena, đây là một lá bài khá tốt, tăng thêm khả năng kiểm soát bàn đấu ở đầu trận cho Hunter, vốn là một class không được đánh giá cao trong Arena.

Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn và hẹn gặp lại các bạn trong phần 5 - cũng là phần cuối của loạt series phân tích các lá bài sắp ra mắt!

  • Hearthstone: Điểm mặt những lá bài sắp ra mắt trong phiên bản Blackrock Mountain (Phần 1), (Phần 2), (Phần 3)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.