Một số doanh nghiệp game bắt đầu được cấp giấy phép cung cấp game G1

24/06/2015 11:05 GMT+7

Theo thông tin Thanh Niên Game nhận được, một số nhà phát hành như VTC, VNG, Gosu... đã chính thức có giấy phép cung cấp game G1. Đây được xem là nhóm nhà phát hành đầu tiên có được giấy phép sau 4 tháng Thông tư 24 có hiệu lực.

Kể từ khi Thông tư 24/2014/TT-BTTTT về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng ra đời và có hiệu lực từ ngày 12.2.2015, các nhà phát hành game trong nước đã bắt đầu chuẩn bị thủ tục xin cấp giấy phép cung cấp game G1.

Tuy nhiên, việc cấp phép này không dễ cho các doanh nghiệp, khi họ sẽ phải tiến hành làm rất nhiều thủ tục trong khi hiện tại vòng đời của các game online khá ngắn. Để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ  trò chơi điện tử, doanh nghiệp nộp 01 (một) bộ hồ sơ gốc đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 theo Mẫu số 2. 

Trước khi chính thức cung cấp dịch vụ 10 ngày làm việc, doanh nghiệp phải gửi thông báo cụ thể về thời gian chính thức cung cấp dịch vụ tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động và nơi doanh nghiệp có hệ thống thiết bị cung cấp dịch; thông báo tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong trò chơi điện tử. Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy biên nhận cho doanh nghiệp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.

Sau khi đã có giấy phép cung cấp trò chơi điện tử, doanh nghiệp lại phải tiếp tục đề nghị cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản cho mỗi trò chơi (có thể hiểu là giấy phép cho từng game cụ thể). Và quy trình này lại phải mất thêm 20 ngày làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông mới có văn bản trả lời.

Thông tin thêm

  • G1 là game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.
  • G2 là game chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ.
  • G3 là game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không tương tác với máy chủ.
  • G4 là game được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau lẫn với máy chủ.

Thông thường, để một sản phẩm game ra mắt trên thị trường, sau khi đàm phán, kỳ kèo nâng giá để tranh giành với các công ty đối thủ trong nước, các nhà phát hành phải mất ít nhất 3 tháng để chuẩn bị các khâu như dịch thuật, truyền thông, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị các cổng thanh toán... Nay, với thủ tục cấp giấy phép kéo dài, các nhà phát hành có thể sẽ nâng thời gian chuẩn bị đưa một game mới về Việt Nam lên đến 6 tháng, nếu hồ sơ hợp lệ.

Do đó, thông tin các nhà phát hành game đã chính thức có giấy phép cung cấp trò chơi điện tử như một làn gió mát lành thổi bay cơn nóng đang tồn tại trong làng game Việt suốt nửa năm qua. Tuy vẫn còn nhiều trở ngại trong quá trình xin giấy phép nhưng việc các nhà phát hành trong nước thực hiện đúng chủ trương của Bộ Thông tin Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho thấy trách nhiệm của các doanh nghiệp với nhà nước và cộng đồng, cụ thể là các game thủ. Từ đó, những hệ lụy trước nay như mất tiền do chơi nhầm game lậu, bị các nhà phát hành lậu lừa nạp thẻ... sẽ không còn tồn tại. Làng game Việt lại trở về thời hoàng kim của mình như cách đây 9 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.