Những vụ tranh chấp thương hiệu rùm beng nhất làng game Việt

13/08/2015 09:00 GMT+7

Cùng Thanh Niên Game nhìn lại những vụ tranh chấp thương hiệu từ Audition trong năm 2009, cho đến Gcafe năm 2015.

Việc chuyển nhượng quyền phát hành game không còn là chuyện lạ trong làng game Việt. Trong hầu hết các tình huống đều được sự chấp thuận của các bên liên quan, tuy nhiên cũng không ít trường hợp mang đến tai tiếng không nhỏ và người chịu thiệt luôn là game thủ.

2009: 'nữ hoàng' Audition trong tay 2 'đại gia'

Vào năm 2009, ngay gần thời điểm hợp đồng 3 năm giữa VTC Game và Yedang Online sắp kết thúc thì dậy lên tin đồn VNG đã giành được quyền phát hành Audition. Vụ việc đã nhanh chóng trở thành "tin giật gân số 1" làng game Việt, bởi trước đó chưa từng có tiền lệ một trò chơi nào đang vận hành bỗng nhiên "đổi chủ".

Sự việc sau đó càng trở nên trầm trọng sau khi CEO của VNG là ông Lê Hồng Minh lên tiếng xác nhận về tin đồn này. Sự hoang mang và hỗn loạn phủ kín cộng đồng game thủ Audition khi đó.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 9.2009, ông Lê Hồng Minh tuyên bố VNG rút lui khỏi tranh chấp này và dường như sự kiện cũng không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa VTC Game và Yedang Online sau đó.

2010: Thần Võ - 1 tên 2 chủ

Một năm sau khi sự kiện Audtion kết thúc, vào tháng 5.2010, làng game được chứng kiến vụ việc hi hữu khi FPT Online và VNG đồng loạt công bố sản phẩm mới của mình, điều đáng chú ý là cả 2 sản phẩm đều mang tên "Thần Võ".

Đại diện của VNG cho biết VNG đã đăng ký với cục Sở Hữu Trí Tuệ từ tháng 2.2010 cho tên game Thần Võ, trong khi đó phía FPT Online lại khẳng định tên game Thần Võ đã được họ đăng ký với cục Quản Lý Phát Thanh Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử.

Sau một thời gian ngắn đàm phán, cuối cùng tên game Thần Võ thuộc về FPT Online.

2013: FIFA Online 3 - 'USD thần chưởng'

Tháng 5.2013, trong khi VTC Online đang hài lòng với thành công của FIFA Online 2 thì bất ngờ một cái tên lạ hoắc xuất hiện tuyên bố đã giành được quyền phát hành FIFA Online 3. Lúc đó, nhiều người cho rằng đây chỉ là chiêu trò để gầy dựng tên tuổi của VED (tiền thân là Garena - NPH Liên Minh Huyền Thoại).

Sau 2 tháng tranh chấp, cuối cùng VTC Online phải ngậm ngùi đóng cửa FIFA Online 2. Tại buổi gặp gỡ với giới truyền thông Hà Nội ngày 15.7.2013, ông Phạm Văn Thành, Trưởng dự án FIFA Online 2, chua chát kể lại: “Ban đầu, VTC Online đưa ra con số 7 triệu USD, Tencent và liên minh của họ nâng lên 11 triệu USD. Chúng tôi thể hiện quyết tâm sở hữu FIFA Online 3 với việc đưa ra mức giá lên tới 15 triệu USD. Tuy nhiên, Tencent sau đó đã tạo ra cú chốt khi trả mức giá khủng là 20 triệu đô (tương đương 400 tỉ đồng). Thậm chí, Tencent còn cam kết với EA sẽ phát hành tất cả game mobile của EA trên nền tảng Wechat, đang sở hữu cộng đồng người dùng rất lớn trên thế giới”.

Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà phát hành Việt khi hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng như chuẩn bị tâm lý để đối kháng với khả năng tài chính của các công ty Trung Quốc.

2014: Chuyện tình "Thiên Long" giữa FPT và VNG

Năm 2014, doanh thu của Thiên Long Bát Bộ chỉ còn duy trì ở mức 7-10 tỷ đồng/tháng, giảm mạnh so với mức 20-24 tỷ đồng của năm 2013. Đây có lẽ là nguyên ngân khiến ChangYou bỏ qua tình cảm bao năm để chuyển quyền quền phát hành Thiên Long Bát Bộ sang cho VNG.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi việc chuyển đổi tiến hành, tình hình kinh doanh giảm sút khiến cho FPT Telecom quyết định giải tán bộ phận làm game của FPT Online, kết thúc hành trình một trong Tứ Trụ của làng game Việt.

2015: GCafe - Garena vs Shunwang

Năm 2013, GARENA chính thức chiếm lĩnh top 1 phòng máy từ tay VNG với 36.91% thị phần, tăng trưởng 139.66% so với năm 2012. Gcafe chính thức hất cẵng CSM của VNG, vốn thống trị phòng máy bao lâu nay.

Tuy nhiên, mới đây công ty Hangzhou Shunwang của Trung Quốc tổ chức họp báo tố cáo Garena Singapore sử dụng trái phép phần mềm GCafe. Nếu như các vụ tranh chấp trước đó đều được giải quyết nội bộ thì đây là lần đầu tiên một vụ tranh chấp được diễn ra ngoài sáng với sự góp mặt của các cơ quan báo chí. Mức độ ảnh hưởng của vụ kiện này rộng hơn nhiều người nghĩ rất nhiều, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần phòng máy tại Việt Nam.

Nếu như nghi vấn đơn vị đứng sau vụ kiện này là VNG là đúng, và Shunwang thắng kiện thì thiệt hại đối với Garena khó có thể ước tính được.

Không chỉ riêng ở Việt Nam

World of Warcraft (WoW) có lẽ là cuộc tranh chấp tốn giấy mực nhất trong lịch sử ngành game Trung Quốc. Mua bản quyền phát hành WoW từ Activison Blizzard với thời hạn 4 năm, The9 đã có thời kỳ hoàng kim khi sở hữu hàng loạt tựa game đỉnh thời kỳ đó như MU, Soul of the Ultimate Nation, Granado Espada. Đến tháng 8.2008, sau khi hết hạn hợp đồng, Blizzard đã chuyển quyền phát hành WoW cho NetEase với mức giá "chuyển nhượng" lên đến 565 triệu đô.

Với phi vụ này, ngoài khoản tiền trên Blizzard đút túi khoản lợi nhuận chia sẻ lên đến 140 triệu đô, thay vì 50 triệu đô mỗi năm như khi còn hợp tác với The9.

Bất bình trước hành động của Blizaard, The9 thậm chí còn kiện ngược lại Blizzard với lý do gây ảnh hưởng kinh doanh và kiên quyết không bàn giao lại thông tin người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.