Sony đại chiến Nintendo (kỳ 1): PSP vs DS

28/01/2014 19:00 GMT+7

Lịch sử của làng game vốn không thiếu những trận chiến “kinh điển” trên các mặt trận, nhưng dai dẳng và ầm ỉ nhất có lẽ là cuộc đua những chiếc máy cầm tay handheld giữa 2 đối thủ truyền kiếp Nintendo và Sony.

Vốn đã là kẻ “tử thù” không đội chung… nón của nhau từ năm 2007 với sự cạnh tranh khốc liệt của Nintendo DS và PSP, rồi kéo dài đến tận 2012 với các thiết bị tối tân hơn: Nintendo 3DS và PS Vita. Tuy cả 2 lần người chiến thắng đều là Nintendo, nhưng cũng không thể phủ nhận Sony đã khiến Nintendo phải rất chật vật mới có thể thành kẻ chiến thắng. Hãy cùng Thanh Niên Game điểm qua những tiêu điểm của "cuộc chiến" này nhé.

Nintendo DS vs. PlayStation Portable

Ai cũng biết Nintendo có lịch sử làm game lẫn thiết bị chơi game có bề dày hơn hẳn Sony. Người Việt Nam, nhất là thế hệ 8x hẳn sẽ không lạ lẫm gì với những chiếc máy điện tử cắm băng NES, rồi máy đĩa mềm SNES, rồi Nintendo 64, GameCube, Wii… Riêng với máy game cầm tay, ngoài những chiếc máy “xếp gạch” brickgame "hàng Tàu" thì chẳng ai đủ sức cạnh tranh với Nintendo với chiếc máy Gameboy huyền thoại.

Tuy vậy, có một điểm cố hữu của Nintendo mà ai cũng phải thừa nhận: hãng không mặn mà với đồ họa của game và chọn phương châm “chú trọng lối chơi và ý tưởng”.

Trái lại, Sony tuy non trẻ hơn, nhưng vẫn là “tay tổ” của ngành công nghiệp điện tử. Do đó, không ngạc nhiên khi bước vào làng game, việc đầu tiên Sony làm là chọn ngay cho mình một phong cách hiện đại và sành điệu, bất cứ sản phẩm gì cũng phải thuộc hàng đầu, kể cả… giá tiền.

Tuy vậy, mặt trận DS và PSP đã làm đảo lộn mọi trật tự và logic, khi doanh số và lượng fan của chiếc máy chơi game 2 màn hình DS lại bỏ xa siêu phẩm giải trí của Sony. Có một điều gì đó khó hiểu ở đây, khi mà xét về cả thiết kế lẫn đồ họa thì PSP xứng đáng cho DS “ngửi khói”. Vậy, điều gì đã làm nên chiến thắng đầy kỳ tích này của Nintendo?

So sánh số lượng các thiết bị chơi game bán ra của Sony và Nintendo trong khoảng thời gian 2007 - 2008.

Đáp án chính là sự sáng tạo. Nintendo chưa bao giờ khiến người chơi ngừng trầm trồ thán phục trước những ý tưởng mới mẻ và thân thiện của mình. Ở thời điểm ra mắt, DS thật sự đã gợi lên nhiều nghi vấn: máy chơi game làm gì cần đến 2 màn hình? Tại sao lại là thiết kế… nắp gập? Đồ họa… xấu thế, chẳng hơn Gameboy Advance là bao? Và có lẽ cũng chẳng ai ngờ, chính nhờ những thứ tưởng chừng như khó hiểu đấy, lại khiến Nintendo giành chiến thắng vẻ vang trước Sony, một đối thủ sở hữu sức mạnh công nghệ rất cao.

Chiếc máy PSP được tạo ra với tâm niệm trở thành một máy PlayStation 2 di động, vì vậy hiển nhiên nó sở hữu các phím điều khiển không khác gì một máy console, và đồ họa chỉ kém PS2 một chút. Tuy vậy, điều này đã gợi lên một câu hỏi… còn khó trả lời hơn so với Nintendo: “Nó có gì khác PS2 và tại sao tôi phải mua nó?

Doanh số bán của các máy chơi game Sony, Microsoft và Nitendo trong tháng 2.2009 tại thị trường Nhật.

Ở Việt Nam, người ta sở hữu PSP nhiều hơn hẳn DS, do quan niệm game DS chỉ dành cho... con nít. Thật khó hiểu là ở thị trường thế giới, định kiến này gần như bị đảo lộn 180 độ. Những game đỉnh cao của PSP như God of war, Call of duty… lại có đối tượng chơi đông nhất ở độ tuổi… dưới 16. Trong khi những game “màu mè hoa lá hẹ, xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó mừng” của Nintendo như Mario, Pokemon, The legend of Zelda… lại thu hút nhiều game thủ trưởng thành.

Trước tiên có lẽ phải xét đến chiếc máy DS. Với thiết kế 2 màn hình, trong đó có 1 màn hình cảm ứng. Chính động thái tưởng chừng rất đơn giản này đã khơi gợi nên một kỷ nguyên mới: chơi game bằng cảm ứng. Trước khi DS ra đời, màn hình cảm ứng đã có mặt từ lâu, nhưng không ai có thể phủ nhận việc Nintendo đưa công nghệ này vào DS đã trở thành nền tảng cho các thiết bị về sau như smartphone, thậm chí là cả đối thủ Sony với sản phẩm PlayStation Vita.

Với 2 màn hình, lượng thông tin hiển thị trong game sẽ đầy đủ và dễ nhìn hơn. Chẳng hạn, với 1 màn hình như PSP, người chơi sẽ phải tạm ngưng trận đấu chỉ để vào Menu xem chỉ số nhân vật. Trong khi với DS, chỉ số sẽ hiển thị trên 1 màn hình trong khi người chơi thao tác trên màn hình còn lại. Màn hình cảm ứng cũng cho phép các nhà làm game mặc sức tưởng tượng nhiều kiểu chơi phong phú hơn.

Người Nhật vốn rất chuộng thiết kế nắp gập, điều này có thể thấy rõ qua xu hướng sử dụng điện thoại di động tại đây. DS cũng vậy, và chính thiết kế này đã cho thấy Nintendo suy nghĩ sâu xa đến cỡ nào. Khi chơi, bung máy ra thì không gian điều khiển và màn hình sẽ rộng rãi hơn, thao tác thoải mái hơn. Khi cần mang đi, chỉ cần đóng máy lại và DS trở thành một chiếc hộp gọn nhẹ có thể đút túi, vừa bảo vệ tốt màn hình và các nút bấm. Với PSP, nếu bạn không bỏ thêm tiền ra mua một cái túi đựng thì đừng hỏi tại sao chiếc máy sang trọng cùng màn hình 16 triệu màu của nó trầy xước tan nát.

Sony đã từng nỗ lực “thí nghiệm” phiên bản PSP Go và phản hồi của fan cũng đủ trả lời cho độ “thọt” của chiếc máy này. Thiết kế có nhiều điểm bất hợp lý (như bỏ luôn ổ đĩa UMD của PSP) và đặc biệt là màn hình lại nhỏ đi khí phiên bản Go bị các fan quay lưng.

Một lý do khác khiến Nintendo giành phần thắng, chính là thị phần khách hàng. Nếu PSP nhắm vào phân khúc cao cấp, công nghệ cao, kiểu “cầm phải sang, nhìn phải đã, nghe phải phê, mua phải mắc", thì DS lại chú trọng đến một thị phần “bình dân” hơn, nhưng rộng hơn nhiều: Everyone (mọi người). Tuy rằng đồ họa game DS thật sự "không có cửa" với PSP, nhưng chính cách chơi và số đầu game khổng lồ đủ mọi chủng loại đã làm hài lòng rất nhiều đối tượng, từ trẻ em tiểu học cho đến các cụ già.

Nếu các bạn nam thích thử thách và chiến thuật, đã có Zelda hoặc Fire emblem. Game thủ nữ có thể trổ tài bếp núc, thêu thùa với dòng game Mama (Cooking mama, Crafting mama…), nuôi chó nuôi mèo (Nintendogs), chăm sóc nông trại, hẹn hò (Harvest moon, Rune factory). Với hướng kinh doanh thông minh và không kén khách hàng, Nintendo đã tạo dựng một cộng đồng quy mô cực kỳ khủng khiếp.

Phân chia thị phần game trên các nền tảng di động và máy chơi game cầm tay tại thị trường Mỹ

Có thể thấy, đồ họa không hẳn là yếu tố quyết định nên sự thành công của một tựa game hay một hệ máy. Hãy thử nhìn lại những game làm mê say hàng trăm triệu người chơi qua các thời đại như Mario, Pokemon, Plants vs. zombies, Angry birds… để thấy rõ điều này. Rõ ràng, cách chơi sáng tạo nhưng dễ nắm bắt, khiến người ta không nhàm chán, mới là điều cốt lõi để khiến một thế hệ game thành công.

(Đón xem tiếp phần 2: 3DS đối đầu PS Vita)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.