Tưởng tượng viễn cảnh khi TQ trở thành ông vua ngành game

08/09/2014 09:00 GMT+7

Thời kỳ đầu của ngành game người ta nhắc tên Mỹ, những năm 80s bá chủ là người Nhật, vài năm sau người Mỹ tìm lại vị thế, để rồi giờ đây ta được chứng kiến một thế lực mới - người Trung Quốc.

Không thể phủ nhận sự phát triển của ngành công nghiệp game tại Trung Quốc thời gian vừa qua. Theo những nhà phân tích, châu Á sẽ dẫn đầu ngành game thế giới vào năm 2017, và đóng góp không nhỏ vào sự bùng nổ này không ai khác chính là người Trung Quốc. Dưới đây là 7 điều được dự đoán sẽ xảy ra nếu Trung Quốc trở thành ông vua mới của ngành công nghiệp game thế giới:

1. Game có tính cạnh tranh là "vua", game cốt truyện sẽ thành 'thị trường ngách"

Người Trung Quốc đơn giản bị "nghiện" những trò chơi mang tính cạnh tranh. Counter strike hay bất cứ game MOBA nào cũng có thể tiêu tốn hàng trăm giờ đồng hồ của họ, hoặc nhìn vào cái "đặc quyền" được khoe mẽ khi bạn đứng đầu máy chủ của một game MMO nào đó, rõ ràng là game thủ Trung Quốc là những chiến binh thực sự.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Chúng ta vẫn thường thấy đây đó những game thủ chơi game mà chả cần biết quái gì đến cốt truyện, những người thường chẳng thèm đọc chỉ dẫn nhiệm vụ mà chỉ biết đi theo mũi tên to đùng trong World of warcraft, hoặc có hàng nghìn giờ chơi LMHT nhưng không biết "Demacia" nghĩa là gì ngoài việc Garen cứ hét đi hét lại cụm từ này. Thế nhưng, dạng game thủ này ở Trung Quốc là... chiến đa số.

Trung Quốc vẫn có những game thủ, dù phải sống dưới giai đoạn 14 năm cấm vận game console, vẫn bằng một cách nào đó tìm đến được những tựa game chơi đơn đỉnh cao. Số lượng game nhập vai của Nhật được dịch bởi fan sang tiếng Trung còn nhiều hơn sang tiếng Anh. Điển hình là game SaGa 3 bản DS phiên bản Trung được làm trước bản tiếng Anh hàng năm trời, hay nổi tiếng hơn là nhóm Shenzhen Nanjing với Final fantasy VII được tái phát hành cho máy... NES.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Như vậy, phân khúc game thủ đam mê các game chơi đơn tập trung mạnh vào cốt truyện không phải là không có, nhưng số lượng của họ quá ít ỏi và sẽ chỉ tập trung vào một 'thị trường ngách", nhường phần lớn thị trường còn lại cho các thể loại game "chỉ có PK, không cần biết nội dung".

 

2. Tam Quốc vươn ra thế giới

Lại một thứ mà người Trung Quốc bị "nghiện", với số lượng trò chơi không đếm xuể, trong đó có cả những game MOBA đình đám, tất cả bắt đầu từ nguồn cảm hứng vô hạn của Tam quốc diễn nghĩa.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Tam quốc diễn nghĩa là một danh tác văn học, mô phỏng lại một thời kỳ chiến tranh loạn lạc trong lịch sử Trung Quốc. Với các game thủ nước ngoài, câu chuyện của Tam quốc giống như sự tổng hoà của cuộc chiến thành Troy, bộ truyện Game of thrones đang làm mưa làm gió, kết hợp với dấu ấn của Robin Hood và... phim của Thành Long. Hàng trăm danh tướng dũng cảm, các nhà chiến lược tinh quái và những lãnh chúa độc tài tạo nên một số lượng nhân vật khổng lồ để những nhà phát triển khai thác. Ví dụ như loạt game Dynasty warriors vẫn thêm vào những nhân vật mới 17 năm sau lần đầu ra mắt.

Nhưng ngoài những người đã xem bộ phim Đại chiến Xích Bích (2009) hay là một fan ruột của Dynasty warriors, thì Tam quốc vẫn còn khá xa lạ với phần đông game thủ Âu Mỹ. Nhưng sự phát triển của ngành game Trung Quốc sẽ sớm thay đổi điều này, sẽ chẳng mấy chốc mà tất cả những game thủ khắp thế giới đều biết Quan Vũ là ai.

 

3. Xuất hiện thể loại game mới: Nhập vai theo phong cách Trung Hoa

Hầu hết các game nhập vai đều có chung một xuất phát điểm: dù là phong cách Nhật Bản hay phương Tây. Đó là sự khởi nguồn từ game cờ bàn (board game) và những game điện tử thời kỳ đầu như Wizardry. Nhưng rồi hai phong cách này nhanh chóng bị tách rời, trong khi game nhập vai phương Tây theo đuổi sự tự do, những tùy biến chi tiết cũng như nền tảng giao diện và lối chơi phù hợp với PC, thì tại Nhật game nhập vai được thiết kế giao diện thiên về máy console, hướng người chơi đến câu chuyện mà tác giả muốn kể thay vì để họ tự viết nên câu chuyện của mình.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Trung Quốc tham gia vào sân chơi nhập vai muộn hơn, khi mà thể loại RPG đã được chia thành 2 trường phát rõ rệt. Game của phương Tây nhanh chóng thịnh hành, đơn giản bởi game thủ TQ dùng PC nhiều hơn. Diablo 2 thực sự là một hiện tượng, và cho đến tận ngày hôm nay vẫn là khuôn mẫu cho vô vàn tựa game. Thể loại game nhập vai trực tuyến (MMORPG) cũng tìm được chỗ đứng vững chắc tại quốc gia này, kéo theo đó là sự thành công của những "cây nhà lá vườn" được làm nhái theo.

Game nhập vai Nhật Bản thời đó chủ yếu được tiếp cận nhờ vào việc hack rom (để chơi game lậu và giả lập). Nhưng Final fantasy là cái tên mà nhiều thế hệ đều biết đến, dù thậm chí họ còn chẳng có một chiếc máy Playstation. Việc bản nhạc nền của Final fantasy VIII được ngôi sao ca nhạc Vương Phi thể hiện (1998) thực sự là một sự chấn động tại Trung Quốc, nhiều người sống ở thời đó đến nay vẫn không thể quên. Và giờ đây khi Final fantasy XIV: A realm Reborn chính thức cập bến TQ năm 2014, người chơi sẽ được tận hưởng dòng game huyền thoại này một cách chính thống.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Khi mà hai thể loại từ hai phương trời khác nhau dần xích lại, trong tương lai gần rất có thể chúng ta sẽ được thấy một sự kết hợp không tưởng; nhập vai theo phong cách Trung Hoa?

 

4. Game thẻ bài ở khắp mọi nơi

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Người ta đã rất nhanh chóng làm quen với sự có mặt của Hearthstone. Tựa game này đã đưa những trò chơi thuộc thể loại thẻ bài ra tầm thế giới, với phong cách cổ điển của Blizzard: dễ làm quen, khó thuần thục. Bị chỉ trích vì yếu tố may mắn ảnh hưởng quá nhiều tới lối chơi, nhưng Hearthstone vẫn tạo được vị thế trên đấu trường thể thao điện tử từ khi được phát hành tới giờ.

Trò chơi thẻ bài chẳng phải điều gì mới mẻ ở Trung Quốc, trên thực tế thì những game thể loại này tràn ngập trên các máy di động. Kết hợp với cơ chế quản lý khá lỏng lẻo về bản quyền, khiến số lượng trò chơi thẻ bài nhiều tới mức khó kiểm soát. Bạn là fan Dota? Đã có ngay Dota legendDota heroes. Nếu bạn ưa thích Liên minh huyền thoại, đừng băn khoăn, có rất nhiều cho bạn chọn lựa, những cái tên đầu bảng là League and legendsLegacy of liberty. 

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Khi mà việc Trung Quốc trở thành "ông lớn làng game" khó có thể làm các nước khác thay đổi cách quản lý tài sản trí tuệ, những game dạng này vẫn có "đất sống" nếu chúng chịu... thay đổi tí chút. Như khi bộ phim hoạt hình Lupin III của Nhật Bản được đưa tới phương Tây, tựa đề của nó đã phải thay đổi để tránh những xung đột với những người nắm giữ.. bản quyền nhân vật tiểu thuyết Arsene Lupin. Vỏ ngoài có thể thay đổi, nhưng nếu lối chơi vẫn giữ được nét hấp dẫn của thể loại thẻ bài (thu thập và cạnh tranh giữa các game thủ) thì thể loại này sẽ có rất nhiều triển vọng bành trướng.

 

5. Assassin's creed của Trung Hoa

Sẽ là một điều gì đó rất tuyệt vời nếu chúng ta được chứng kiến cuộc chiến giữa Hội sát thủ Assassin và Hội hiệp sĩ đền thờ Templar ngay trên mảnh đất Trung Hoa. Hãng Ubisoft sở hữu một studio tại Trung Quốc - Ubisoft Thượng Hải (đã từng phát triển Far cry 3). Sau khi nghệ sĩ Xu Chaoyuan cho ra mắt những tác phầm hoạ hoạ kết hợp Assassin's creed với thời đại Trung Hoa cổ trên trang DeviantArt, nhiều người đã mơ tới một Assassin's creed phiên bản kung-fu.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Tác phẩm Assassin's creed phong cách Trung Hoa của Xu Chaoyuan (Ảnh: DeviantArt)

Nhưng thực tế, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Xét tới những tác động mà yếu tố của điện ảnh Trung Quốc xuất hiện trong các phim "bom tấn" như Pacific rim, Transformers 4, X-men: Days of future past..., vậy chẳng có gì ngăn cản họ làm điều tương tự đối với ngành game.

Những gì chúng ta được thấy trong các game Deus ex: Human revolutionResident evil 6, với những màn chơi tại Trung Quốc, những nhân vật phụ là người Hoa, càng ngày càng có nhiều yếu tố phương Đông được khai thác ngay tại những tựa game phương Tây. 

 

6. Chào tạm biệt những... bộ xương

Những hình ảnh về hài cốt, xác chết (vốn bị cho là ghê rợn) không thực sự bị cấm ở Trung Quốc, nhưng điều này không ngăn được việc các công ty xóa bỏ chúng (hoặc thường xuyên hơn là che bớt đi) để đẩy nhanh quá trình xin giấy phép. Người Trung Quốc duy trì một chuẩn mực về những nội dung phù hợp với công chúng, ít nhất là trên những kênh truyền thông chính thức. Việc kiểm duyệt gắt gao vẫn đang tồn tại song hành cùng ngành game.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Vấn để ở chỗ, nếu hầu hết các game lớn bắt đầu được làm ở Trung Quốc, thì các phiên bản gốc sẽ phải tuân thủ những chuẩn mực kiểm duyệt chặt chẽ để có thể có được giấy phép. Điều đó có nghĩa chỉ có thể thêm vào những nội dung nhạy cảm và "không che" vào những phiên bản quốc tế. Điều này có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu tới nội dung của trò chơi, những hầu như đều sẽ mang tính tiêu cực.

 

7. Sự trở lại của thời kỳ: Dùng sắc đẹp làm mồi câu

Trong hai thập kỷ trở lại đây, người ta biết đến khái niệm "trò chơi sắc đẹp". Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia chịu khá nhiều tai tiếng về việc lạm dụng vấn đề giới tính trong game, nhưng Trung Quốc mới thực sự là "cường quốc" về vấn đề này. 

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Từ một lễ hội thường niên về game, nơi người ta tập trung vào người mẫu nhiều hơn là những trò chơi được quảng bá, cho tới sự thiếu hụt về những game thủ eSports nữ chuyên nghiệp, những điều này chứng tỏ gần như tất cả những gì phụ nữ làm được cho ngành game chỉ là tận dụng sắc đẹp của mình làm "viên kẹo" để thu hút người chơi. Tình trạng này giống với thời kỳ đầu của ngành game tại phương Tây những năm 1980 đến 2000.

Khi mà game thủ giờ đây là một bộ phận không nhỏ của dân số toàn thế giới, người ta vẫn chưa tìm được cách đối xử phù hợp với nữ giới trong lĩnh vực này, kể cả ở châu Á hay phương Tây. Kỷ nguyên thống trị mang tên Trung Quốc có thể là sự kết hợp giữa vấn về giới tính trong game của những năm 90 và ngành công nghiệp "người lớn" của những năm 2010 - một viễn cảnh đáng lo ngại đã từng xảy ra tại phương Tây.

Khi người Trung Quốc trở thành ông vua ngành game

Lướt thử một trang tin game Trung Quốc: chỉ 3 trong số 18 tấm hình tin tức hay game là không có... người đẹp.

Sẽ rất thú vị nếu Trung Quốc mở rộng và đón nhận thị trường cũng như văn hóa game của nước ngoài. Sẽ chẳng xuất hiện quá nhiều sự thay đổi ở cục diện chung của ngành game, bởi lẽ vẫn còn đó những nền móng có sẵn từ phương Tây cũng như Nhật Bản. Không phải ai cũng muốn thấy một ngành công nghiệp bị ảnh hưởng quá nhiều từ người Hoa (đặc biệt trong vấn đề tôn trọng bản quyền và giới tính), nhưng với những giao thoa văn hóa đang diễn ra hàng ngày, một chút hiểu biết về nền lịch sử lâu đời của quốc gia này cũng chẳng hại gì.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.