Ubisoft Thượng Hải: “vịt bầu” hóa “thiên nga”

16/02/2014 08:30 GMT+7

Từ một studio nhỏ chuyên chuyển thể các tựa game sang nền tảng khác, chi nhánh hãng Ubisoft tại Thượng Hải đã vươn mình trở thành một tên tuổi lớn phát triển nhiều dòng game ăn khách.

Ubisoft Thượng Hải:

Corinne Le Roy, Giám đốc điều hành Ubisoft Thượng Hải. (Ảnh: Games in Asia)

Mọi việc bắt đầu khi Corinne Le Roy nhận được lời mời từ CEO của Ubisoft, Yves Guillemot, đến làm việc cho chi nhánh Ubisoft tại Trung Quốc. Vốn là một cựu... y tá từng làm việc tại nhiều bệnh viện cũng như các tổ chức từ thiện, Le Roy có dịp kinh qua nhiều nơi trên thế giới và có kinh nghiệm quản lý các nhóm làm việc ở nhiều nội dung. Guillemot cảm thấy Le Roy chính là người mình cần cho chi nhánh bởi bề dày kinh nghiệm làm việc với nhiều tác phong khác nhau của bà.

Phải mất một thời gian khá lâu Le Roy mới nhận lời mời của Guillemot, bởi theo bà chia sẻ: “Tôi thích đọc sách và xem phim, nhưng chưa từng chơi game bởi thời của tôi nó vẫn còn là một khái niệm xa xỉ. Tuy vậy, tôi rất có hứng thú với những điều mới mẻ có tầm ảnh hưởng đến xu thế của toàn cầu, và công nghiệp game là một khái niệm rộng lớn và rất thu hút”.

Chuyến đi dự kiến kéo dài 1 năm để cho Le Roy thời gian quan sát xem Trung Quốc liệu có phải là môi trường lý tưởng để đặt một studio của Ubisoft hay không. Nhưng qua việc tiếp xúc với những con người trẻ trung và nhiệt huyết tại nơi đây, Le Roy đã hoàn toàn bị chinh phục và quyết định ở lại. Chi nhánh Ubisoft Thượng Hải được thành lập tháng 12.1996 và bắt đầu tuyển dụng nhân viên thiết kế vào tháng 5.1997. Studio chính thức mở cửa tháng 7.1997.

17 năm - một chặng đường

Khởi nghiệp, công việc chính của Ubisoft Thượng Hải chỉ là chuyển thể (port) game từ hệ này sang hệ khác. Những game như Rainbow six bắt đầu được chi nhánh này xuất xưởng. Tình hình này kéo dài mãi đến năm 2003, khi xưởng hoàn thành việc chuyển thể game Tom Clancy’s splinter cell cho Xbox, GameCube và PS2. Ngay năm sau, Ubisoft Thượng Hải được trao toàn quyền phát triển game Splinter cell: Pandora tomorrow. Có thể nói, đôi cánh của Ubisoft Thượng Hải giờ đây mới được tự do tung bay.

Ubisoft Thượng Hải: “vịt bầu” hóa “thiên nga”

 Splinter cell: Pandora tomorrow, game tự phát triển đầu tiên của Ubisoft Thượng Hải. (Ảnh: Gamerfitnation)

Hiện tại, Ubisoft Thượng Hải có hơn 40 tựa game quốc tế dưới quyền kiểm soát, chưa kể kha khá các game được phát triển riêng cho thị trường nội địa Trung Quốc. Hãng có bản quyền phát hành của dòng game Tom Clancy’s Endwar cũng như tựa game kinh dị - sinh tồn I am alive. Hãng đã tự thân phát triển Splinter cell: Pandora tomorrow và Splinter cell: Blacklists, cũng như Trials fusion, Trials frontierTrials evolution.

Chưa hết, hãng còn đóng góp một phần không nhỏ trong dự án lớn sắp ra mắt, The crew. Cũng không thể không nhắc đến 2 game online miễn phí nổi tiếng: Football city stars, hiện chỉ đang giới hạn người chơi ở Châu Á, và Endwar online sắp ra mắt. Ubisoft Thượng Hải đã đi được một quãng đường rất dài kể từ khi Le Roy có mặt năm 1996.

Ubisoft Thượng Hải hiện có 367 nhân viên, đến từ 14 quốc gia khác nhau. Tuy vậy, 90% nhân viên của hãng đều là người địa phương, và bản thân điều này cũng có những khó khăn nhất định.

(Ảnh: Games in Asia)

Le Roy cho biết phần lớn những trở ngại trong việc phát triển thị phần chính là việc thiếu hụt nhân lực. Mặc dù Trung Quốc là nước lớn với nguồn nhân lực dồi dào và tâm huyết, nhưng rõ ràng trình độ ban đầu của họ khá thấp, đặc biệt khi đụng tới những công cụ quan trọng như 3Ds Max. Tuy nhiên, Le Roy cũng cho biết rằng đa số nhân viên địa phương đều làm việc rất chăm chỉ, phản ánh phần nào về quá trình học tập cực nhọc tại các trường đại học Trung Quốc. Họ làm việc rất hăng say để cạnh tranh với nhau trong mọi lĩnh vực. Ngày nay, đội ngũ Ubisoft Thượng Hải đã có kỹ năng cao và đặc biệt là có khả năng ứng biến hết sức linh hoạt.

Năm 1997, các nhân viên Ubisoft Thượng Hải vẫn còn đang trong giai đoạn huấn luyện để làm việc theo quy trình quản lý dự án. Đến 2002, năm cột mốc khi có hơn 2 triệu cư dân ngoại quốc sống ở Thượng Hải, studio đã có thể tham gia phác thảo và phát triển thành công phần đầu tiên của dòng game Splinter cell.

Năm 2008, tựa game Tom Clancy’s Endwar của hãng đã được bình chọn là tựa game chiến thuật hay nhất tại triển lãm E3 trong năm. Le Roy cho rằng đây là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử phát triển của Ubisoft Thượng Hải: “Chúng tôi đã vô cùng tự hào, và đến bây giờ vẫn còn tự hào. Chúng tôi nhận ra bạn có thể tìm thấy tài năng ở bất cứ nơi đâu. Đây là một sự hồi đáp thích đáng cho những ai cho rằng người Trung Quốc không có khả năng sáng tạo, và cũng cho thấy sức mạnh của một đội ngũ kết hợp các thành viên từ nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau”.

Lấn sân sang mảng game online

Ubisoft Thượng Hải cũng chịu trách nhiệm phát hành Football city stars, tựa game online miễn phí chỉ dành cho khu vực Châu Á. Hiện game vẫn đang hoạt động tại Trung Quốc và Thái Lan, và việc này cũng đánh dấu cho khả năng Ubisoft Thượng Hải có thể lấn sân sang lĩnh vực game online.

(Ảnh: Games in Asia)

Vị trí studio tọa lạc thật sự rất đắc địa cho việc phát triển game online miễn phí, bởi công nghệ được dùng trong các game PC miễn phí rất khác biệt với console. Hãng sẽ phải chú ý đến tốc độ làm việc của các máy chủ cũng như độ trễ của đường truyền, hay những vấn đề về bảo mật. Le Roy cho biết: “Console được hỗ trợ bởi máy chủ của chính các công ty mẹ, trong khi PC là một môi trường mở và bạn sẽ phải tự xây dựng nên hệ thống máy chủ của riêng mình”.

Điều may mắn của Ubisoft Thượng Hải chính là nhờ vào đặc tính của ngành công nghiệp game Trung Quốc, những nhân viên kĩ thuật đã có thừa kinh nghiệm làm việc với máy chủ - máy con cũng như kho nền tảng dữ liệu. Mặc dù Le Roy cảm thấy người Trung Quốc còn yếu về mảng thiết kế game, nhưng họ lại đi đầu về mảng game online miễn phí (F2P - Free to Play).

Ghost recon online (Ảnh: Ubisoft)

Người ta hẳn sẽ ngạc nhiên, khi sở hữu khá nhiều ưu thế trong mảng game PC miễn phí, tại sao Ubisoft Thượng Hải lại không được giao thực hiện dự án Ghost recon online. Le Roy trả lời về vấn đề này: “Chúng tôi đã quá bận rộn. Không ai có thể ôm đồm nhiều thứ cùng lúc được. Vì vậy vinh dự đó nên dành cho chi nhánh Ubisoft Singapore, bởi vì họ có khả năng làm tốt hơn chúng tôi”. Vấn đề nhân sự của Ubisoft Thượng Hải không phải là điều mới, bởi lẽ hãng luôn lâm vào tình trạng thiếu thốn nhân viên thiết kế game, mặc dù đã có những nền tảng công nghệ cao cũng như các họa sĩ tài giỏi.

Những bất cập và thiếu sót

Về mảng thiết kế game, Le Roy cho rằng các nhân viên vẫn cần được đào tạo chuyên sâu hơn nữa. Tại Trung Quốc, rất khó tìm được những chuyên viên thiết kế lối chơi và màn chơi để đào tạo, mặc dù kinh nghiệm của Ubisoft Thượng Hải trong mảng game bắn súng góc nhìn thứ nhất và thứ ba đã giúp cộng đồng thiết kế game tại đây phát triển rất mạnh. Nhưng vẫn còn nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến việc này, ngoại trừ vấn đề trình độ đào tạo tụt hậu như đã nói. Có thể vì những tựa game của Ubisoft vốn dựa trên ý tưởng và quan điểm của phương Tây, nên việc thiếu đi sự trao đổi và tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tại Ubisoft Thượng Hải.

Far cry 3. (Ảnh: Ubisoft)

Thế nhưng Le Roy lại cô cho rằng đây là điều có ích cho các sản phẩm. Game Splinter cell: Double agent có Trung Quốc là một trong các màn chơi chính, trong khi Far cry 3, một game do hãng đồng phát triển, cũng sử dụng nhiều địa hình tại Châu Á. Các chỉ đạo nghệ thuật ở Ubisoft Thượng Hải đều là những nhân tài hiếm gặp, đặc biệt là khi thao tác với những phong cách nghệ thuật đậm chất Trung Quốc truyền thống. Le Roy cho rằng nếu bàn về nghệ thuật, thì Trung Quốc sở hữu một lịch sử nghệ thuật có bề dày đáng nể so với phương Tây non trẻ.

Tất nhiên đôi khi vẫn sẽ phát sinh nhiều vấn đề khi chỉ sử dụng những họa sĩ đậm tư tưởng phương Đông. Có lần các họa sĩ ỡ Thượng Hải đã nhầm lẫn thiết kế về nội thất của một chiếc xe lửa tại Pháp, vì họ chưa bao giờ có dịp thấy qua nó. Tuy nhiên, với Internet phổ biến như ngày nay, cũng như việc các nhân viên có dịp đi nước ngoài thường xuyên hơn, tình trạng này đã được khắc phục. Thậm chí một số họa sĩ của Ubisoft Thượng Hải còn sang Ý tu nghiệp hoặc mời các chuyên gia về studio để giúp hoàn thiện game. Một ví dụ cụ thể: studio đã làm việc với các chuyên viên địa chất ở California để có thể giả định chính xác khung cảnh hậu tận thế tại đây trong game I am alive.

Văn phòng Ubisoft Thượng Hải. (Ảnh: Games in Asia)

Ngoài vấn đề tư tưởng nghệ thuật, vẫn còn đó những nghi vấn đề việc một xưởng game tại Trung Quốc sẽ xử lý như thế nào về việc quốc gia này hoàn toàn không có "văn hóa game console". Đáp lại, Le Roy chi mỉm cười và nói rằng: “Người dân tại đây đều là game thủ. Đúng thật là ở đây ít người chơi console, nhưng chỉ cần mọi người đồng lòng và có đam mê, không gì là không thể”.

Một sức sống mới, một phương châm mới

Ubisoft Thượng Hải đã trải qua nhiều thay đổi lớn từ ngày thành lập. Ngành công nghiệp game hiện đang chuyển sang những xu thế mới, và hãng đã sớm nắm bắt được trào lưu này khi bắt tay phát triển 3 tựa game di động sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Trong tương lai gần, hãng sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng game di động với tỉ lệ 70% cho game chính thống và 30% cho game di động/game online miễn phí. Le Roy nhấn mạnh: “Game di động và game online miễn phí chính là chìa khóa vàng để kết nối thế giới và mang mọi người lại gần nhau hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.