Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống?

18/04/2014 15:00 GMT+7

Chuyện gì đã xảy ra đối với các nhà làm game xứ sở hoa anh đào? Phải chăng ngành công nghiệp game Nhật Bản đã "hoàn thành sứ mệnh" của mình và đã đến lúc trò chơi Âu Mỹ bắt đầu "vùng dậy"?

Nhật Bản là nơi sản sinh ra những tựa game hấp dẫn đầy sức sáng tạo mà không ít trong số đó còn sống mãi cùng thời gian như Final fantasy, Mario, Mega man… Nhưng đó là chuyện của hơn 10 năm về trước khi hệ máy PS2 vẫn đang rất hưng thịnh. Còn hiện tại, những tựa game đỉnh cao trên console như Final fantasy, Resident evil đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là các kiệt tác Âu Mỹ Call of duty, Grand theft auto,The elder scroll, Mass effect, v.v. Chuyện gì đã xảy ra đối với các nhà làm game xứ sở hoa anh đào? Phải chăng ngành công nghiệp game Nhật Bản đã "hoàn thành sứ mệnh" của mình và đã đến lúc trò chơi Âu Mỹ bắt đầu "vùng dậy"?

Nhà thiết kế game nổi tiếng, người đã sáng tạo ra các dòng game như Mega man hay Dead rising, ông Keiji Inafune trong một cuộc phỏng vấn đã nói: "Game Nhật Bản đến hồi kết rồi. Ngành công nghiệp game của chúng tôi đã chết".

Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống

Ngành game Nhật đang chững lại (Ảnh: multiplayerblog)

Ông nói rằng ngành công nghiệp game chính thống của Nhật Bản tựa như một cây đại thụ đang bắt đầu héo tàn. Nó vẫn sống, vẫn chưa sụp đổ hoàn toàn nhưng thực tế nó chỉ là đang tạm thời gắng gượng "đứng thẳng". Đó là những lời cuối cùng của Keiji Inafune trước khi ông quyết định rời khỏi hãng Capcom và thành lập studio cho riêng mình mang tên Comcept vào năm 2010.

Trong khi đó, thị trường trò chơi mới nổi như Ấn Độ đang phát triển với tốc độ cao, hứa hẹn sẽ hình thành một quy mô lớn hơn trong tương lai.

Nguyên nhân 1: Thiết kế phần cứng không hợp lý

Nhà phát triển game James Mielke nói rằng nguyên nhân xuống dốc của ngành công nghiệp game Nhật Bản rất phức tạp, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất có thể là do phần cứng. Ví dụ như công ty Sega, mặc dù đã từng đưa ra máy chơi game có cấu hình mạnh nhất, nhưng do đặc thù của cấu trúc phần cứng dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất nên không nhận được sự ủng hộ rộng rãi các nhà sản xuất game.

Khi so sánh các máy chơi game cùng thời của Nhật Bản thì có thể thấy rằng PS2, PS3 của Sony đều có  kiến trúc rối rắm bên trong khiến giới "thợ game" trong nước hoạt động kém năng suất. Nhưng đó cũng là lý do một số game như Final Fantasy trở thành game độc quyền, trở thành trò chơi trên nền tảng PS/Xbox.

Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống

Playstation 3 và Xbox 360 (Ảnh: Flatpanelshd)

Đó cũng là lý do Microsoft tung ra Xbox với kết cấu thích hợp với máy PC. Các nhà sản xuất game phương Tây đang rất quen thuộc với kết cấu này nên họ có thể dễ dàng phát triển trò chơi trên cả nền tảng PC và Xbox. Vào thời điểm Xbox ra đời, các nhà làm game Nhật chẳng ai thèm ngó ngàng tới môi trường làm việc thân thiện của Xbox và PC.

Nguyên nhân 2: Sự thay đổi của các loại hình game truyền thống và sự nổi dậy của các nhà phát triển Indie

Chúng ta không thể bỏ qua sự suy giảm về sức mua của các game thủ Nhật Bản. Họ sẵn sàng mua máy giá rẻ như Nintendo DS và Wii hơn và dẫn đến tình trạng ế ẩm của các kiệt tác truyền thống.

Ở khía cạnh trò chơi, các game thủ Nhật Bản thích các loại game RPG hơn, chẳng hạn như series game Dragon quest, về cơ bản là loại hình "Nhật Bản độc quyền". Nhưng thị trường game thế giới đang trải qua những thay đổi to lớn và các loại game FPS (First Person Shooter), hành động, sandbox (thế giới mở, giống như Grand theft auto) đã dần dần trở thành trào lưu chủ yếu, không ngừng tạo nên những doanh số bán hàng kỷ lục. Trái lại doanh số bán hàng của loại hình game RPG như Final fantasy đang ngày càng suy giảm, còn những game RPG truyền thống Nhật Bản chi phí thấp hiển nhiên càng không có thị trường.

Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống

Devil May Cry (Ảnh: Edge-online)

 Trong vài năm trở lại đây, những “nhà lãnh đạo” của ngành công nghiệp game Nhật như Square Enix, Capcom đang có xu hướng Tây hóa sản phẩm với hy vọng thu hút càng nhiều người chơi càng tốt. Nhưng có thể họ đã sai lầm khi làm như vậy vì các game như Devil may cry, Resident evil… đã khiến nhiều game thủ cảm thấy không hứng thú vì không còn giữ được nét lôi cuốn đầy ma thuật như xưa. Cái chất "Nhật" rất khó để diễn tả nằm trong những tựa game này dường như đã chẳng còn.

Ngược lại các nhà sản xuất game Âu Mỹ như Ubisoft, EA, Activision lại đang không ngừng nỗ lực để tạo ra một thương hiệu game đẳng cấp thế giới. Các game Call of duty, Assassin's creed,... của họ đang dần dần thôn tính thị trường game Nhật Bản.

Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống

Assasin's Creed (Ảnh: Assasincreedfan)

Ông Shuhei Yoshida, chủ tịch Sony Worldwide Studios, bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng các nhà phát hành và phát triển Nhật Bản nên hiểu rằng, thay vì cố gắng bắt chước những gì được cho là hấp dẫn ở các nền văn hóa khác, họ nên tập trung vào những gì mà mình làm tốt nhất từ xưa đến nay."

Bên cạnh đó, chúng ta không thể bỏ qua các nhà phát triển game Indie. Xbox Indie Games với nội dung game phong phú, chi phí thấp, hình thức mới lạ độc đáo, giá cả rẻ đang được rất nhiều người tiêu dùng hoan nghênh.

Mặc dù PS4 mới nhất của Sony cũng khuyến khích các nhà phát triển game độc lập tham gia nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội làm người đi đầu. Các hình thức tải online là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vì game thủ Nhật Bản thường thích các game đơn lẻ (không nối mạng) hơn, họ hiếm khi sử dụng dịch vụ trò chơi trên Internet mà thích đi đến Akihabara để mua các bộ cài đặt. Thói quen mua sắm này gây ra nhiều khó khăn cho các trò chơi độc lập trong thị trường Nhật Bản.

Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống

Indie đang trở thành một xu thế mới (Ảnh: diygamer)

Nguyên nhân 3: Sự ra đi của các nhà phát triển game nổi tiếng

Đa số mọi người đều biết rằng, Nhật Bản là một quốc gia cực kỳ truyền thống trong một vài phương diện. Ví dụ như trong hệ thống doanh nghiệp, họ thường làm các hợp đồng suốt đời hoặc dài hạn nên đã gây ra khó khăn nhất định cho việc sáng tạo đổi mới. Điều này khiến cho ngày càng nhiều nhà phát triển game nổi tiếng quyết định rời bỏ công ty để chọn điểm dừng chân khác, chẳng hạn như Keiji Inafune, Hironobu Sakaguchi (Final fantasy), Shinji Mikami (Resident evil), Tomonobu Itagaki (Ninja gaiden), v.v. và đối tác mới thường là Microsoft chứ không phải các nhà sản xuất Nhật Bản. 

Những nhà phát triển game độc ​​lập có thể tùy theo sức sáng tạo để phát triển ra các trò chơi mới của riêng mình. Hơn nữa do không bị giới hạn như khi còn ở các công ty lớn và không bị ràng buộc bởi hợp đồng đã ký với các nhà phát hành, họ đã có nhiều thời gian và không gian hơn để có thể nghiên cứu phát triển và ra mắt nhiều trò chơi sáng tạo.

Vì đâu ngành game Nhật Bản đi xuống

Keiji Inafune đã rời bỏ Capcom để lập hãng game riêng Comcept (Ảnh: Game Informer)

Rõ ràng, sau khi phát triển đến một giai đoạn nhất định thì môi trường của ngành công nghiệp game Nhật Bản đã không còn phù hợp với các nhà phát triển nổi tiếng vì họ mong muốn một không gian sáng tạo độc lập hơn, tự do hơn.

Những thay đổi trong ngành công nghiệp game Nhật Bản

Tất nhiên, chúng tôi tin rằng "anh cả" game Nhật Bản đã nhận thức được không ít điều trong vấn đề này. Vì khi dòng máy PS4 mới nhất của Sony với kiến trúc đơn giản được tung ra thị trường, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều thay đổi, chẳng hạn như nền tảng PSN nổi bật đã lôi kéo các nhà phát triển game độc ​​lập tham gia. Những điều này đều là nhắm vào sự thay đổi trên thị trường Âu Mỹ, thậm chí thị trường thế giới vì PS4 không còn là máy chơi game độc quyền Nhật Bản, mục tiêu của nó là toàn thế giới. Đây có thể là một dấu hiệu tốt, có thể tác động tích cực đối với toàn bộ ngành công nghiệp game Nhật Bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.