Việt Nam cần học hỏi láng giềng về cách bảo hộ ngành game ?

16/09/2015 12:07 GMT+7

Ngành game Việt Nam hiện đang rất chật vật trước những vấn nạn như game không phép, game private, thậm chí một số công ty game nước ngoài xâm nhập kinh doanh “núp bóng”. Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này?

Hiện trạng ngành game Việt

Việt Nam cần học hỏi Trung Quốc về cách bảo hộ ngành game ?

Hội thảo Mobile Game Asia tại TP.HCM hồi tháng 7.2015 quy tụ nhiều doanh nghiệp game hàng đầu VN

Thị trường game Việt Nam thời gian gần đây có một số biểu hiện đáng chú ý: thị phần dần dịch chuyển sang game mobile, với hàng trăm game phát hành mỗi năm. Đáng chú ý, bên cạnh những công ty phát hành game chính thống, được cấp giấy phép G1, hiện chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn có một hiện tượng là nhiều công ty nước ngoài du nhập vào, kinh doanh game theo kiểu dịch vụ xuyên biên giới, và dĩ nhiên, rất nhiều sản phẩm game kinh doanh không phép.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng: các doanh nghiệp game làm ăn chân chính vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh, nhà nước thất thu thuế và không thể thi hành các biện pháp quản lý triệt để, game thủ bị ảnh hưởng quyền lợi vì các doanh nghiệp “ngoại lai” này cùng các sản phẩm của họ gần như “không có tóc”, ai xử lý và ngăn cản được họ?

Với tình cảnh này, chúng ta hãy cùng nhìn sang thị trường nước láng giềng, “ông lớn” Trung Quốc, để xem họ xoay sở như thế nào để phát triển ngành công nghiệp game của mình.

Nhìn sang láng giềng

Ai cũng biết, thị trường game Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất toàn cầu, với giá trị khoảng 15 tỉ USD cùng tốc độ tăng trưởng “không thể tin nổi”: 100% hàng năm. Tựa game hàng đầu tại đây, Liên Minh Huyền Thoại, có lượng người chơi hàng ngày khoảng 16 triệu, đem về doanh thu bằng tất cả các thị trường khác cộng lại.

Việt Nam cần học hỏi Trung Quốc về cách bảo hộ ngành game ?

Đến 2018, thị trường game TQ sẽ vươn lên số 1 thế giới (Ảnh: Newzoo)

Hấp dẫn là thế, nhưng các công ty game nước ngoài vẫn hết sức dè dặt khi “tấn công” vào mảnh đất cực kỳ béo bở này. Vì sao?

Trả lời: Vì chính sách quản lý thị trường game tại Trung Quốc cực kỳ nghiêm ngặt và bảo hộ tối đa cho các sản phẩm nội địa (chúng ta sẽ không bàn đến việc chính sách cấm game console suốt 15 năm đã bị dở bỏ, vì dù sao, khó mà tin thị trường game console tại TQ sẽ nhanh chóng lớn mạnh trong tương lai gần).

Theo thống kê của trang App Annie, trong top 100 game di động có doanh thu hàng đầu TQ, chỉ có chừng… 10 game là không phải “made in China”. Đó là chỉ tính riêng kho iOS App Store chính thức của Apple. Tất cả những tên tuổi đình đám như Candy Crush Saga, Clash of Clans hay Game of War, đều vận hành dưới mức mong đợi, nếu so với những thị trường quốc tế khác.

Việt Nam cần học hỏi Trung Quốc về cách bảo hộ ngành game ?

 Trung Quốc là thị trường game mobile số 1 thế giới (Ảnh: Newzoo)

Khi chuyển sang Android, không biết bạn đọc có bất ngờ không, nhưng có một sư thật: kho Google Play hoàn toàn bị cấm tại TQ (chính xác hơn là có thể chạy được bằng cách nào đó, nhưng các ứng dụng và game có thu phí - trả tiền để mua hay cung cấp in-app -purchase - hoàn toàn không hiển thị, do chính Google "thanh lọc"). Toàn bộ game Android tại TQ đều được phân phối thông qua các kho tải nội địa. Và cũng rất khó tìm được một game nước ngoài nào (không crack, không lậu) trong các danh sách này.

Có ý kiến sẽ cho rằng: game nước ngoài không phù hợp với game thủ Trung Quốc, do thiếu sự bản địa hóa (về ngôn ngữ lẫn văn hóa). Thế nhưng vì sao vẫn có game thành công, như Temple Run, như Fruit Ninja? Ngoài ra, còn những game rặt phương Tây khác, như LMHT, như World of Warcraft, như World of Tanks vẫn có chỗ đứng vững chắc tại TQ? Có thể giao diện game cần được thay đổi ít nhiều để phù hợp thị hiếu, nhưng phần trọng tâm (core) của game, nếu đã hấp dẫn thì ở đâu cũng thấy hay mà thôi.

Game ngoại nhập bị quản lý rất chặt

Một trong những rào cản lớn nhất cho game ngoại tại TQ, chính là chính sách bắt buộc các công ty nước ngoài phải có một đối tác nội địa nếu muốn phát hành game. Tuy là có sự miễn trừ: các game iOS trên App Store, do Apple là “bạn hữu” thân thiết của TQ, đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Còn lại thì, nếu bạn muốn phát hành game Android tại đây, bạn cần phải có một đối tác pháp nhân tại Trung Quốc để lo liệu các vấn đề pháp lý và hợp thức hóa kinh doanh. Còn không, cứ thử đưa game lên các store cũng được, nhưng sẽ bị gỡ xuống lúc nào không biết.

Việt Nam cần học hỏi Trung Quốc về cách bảo hộ ngành game ?

Chính thức bị cấm tại Trung Quốc, nên kho Google Play có khá "lẹt đẹt" tại đây (Ảnh: Newzoo)

Rào cản thứ 2 đến từ yếu tố kinh tế. Dù tỷ lệ doanh thu đầu người trên iOS rất cao, nhưng doanh thu các game Android tại TQ lại chiếm phần lớn. Các nghiên cứu cho thấy các kho ứng dụng Android đóng góp đến 55% doanh thu game di động tại TQ. Những kho tải Android lớn nhất thu phí phát hành rất cao, đến 50%. Cứ thử tính, nếu bạn phát hành game Android tại TQ, phải dành 50% doanh thu cho kho ứng dụng, trích 30% trả cho nhà phát triển, thêm 10% cho các chi phí như máy chủ, marketing, vận hành, v.v. Vậy bạn còn lại được bao nhiêu? Rõ ràng là chẳng “thơm” tí nào!

Đó là lý do những ông lớn như Tencent gần như buông xuôi với Candy Crush Saga, Kunlun cũng chỉ “thường thường bậc trung” với Boom Beach, cũng như nhiều game nước ngoài có giấy phép phát hành tại TQ. Những công ty này, họ thà tập trung vào các game do chính mình phát triển, vốn có cơ may đem về lợi nhuận nhiều hơn hẳn so với việc phát hành game của đối tác nước ngoài.

Có người sẽ đặt ra trường hợp: “Nếu tôi không dựa vào các kênh phát hành có sẵn, mà tự tạo nên cổng game của riêng mình để game thủ vào đó tải, thì sao?” Dĩ nhiên là cũng được, nhưng bạn sẽ phải rất chật vật để thu hút lưu lượng người dùng Internet vào cổng game của mình. Tại thị trường Trung Quốc, những ai điều khiển được lưu lượng người dùng khổng lồ, sẽ thống trị tất cả. Và còn ai nữa, nếu không phải là những công ty Internet lớn, được sự hỗ trợ tích cực, cả về chính sách và tài lực, từ chính quyền?

Việt Nam cần học hỏi Trung Quốc về cách bảo hộ ngành game ?

Thị phần các nền tảng chơi game tại TQ (Ảnh: Newzoo)

Đó là chưa nói, game thủ TQ vốn chẳng có thói quen sục sạo lung tung ngoài những kênh quen thuộc với họ. Điều này đồng nghĩa bạn phải tự quảng cáo, với những chi phí marketing, xây dựng thương hiệu cực kỳ lớn.

-----

Dĩ nhiên, so sánh VN và TQ, dù là láng giềng, dù có một số yếu tố văn hóa tương đồng, vẫn còn nhiều khiên cưỡng. Thế nhưng, không vì thế mà chúng ta không thể học hỏi một số điều từ “ông lớn láng giềng”. Ít ra đó là tăng cường sự quản lý của nhà nước trên cơ sở khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp game làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và lấy đạo đức kinh doanh làm kim chỉ nam. Từ đó, các doanh nghiệp game có thể an tâm cung cấp những sản phẩm game chất lượng, thòa mãn được nhu cầu và thị hiếu game thủ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.