Vụ ‘Gamer là lũ không có tương lai’: Liều thuốc thử 'đắng' của cộng đồng game

25/03/2016 15:30 GMT+7

Cộng đồng game thủ những ngày qua dậy sóng vì phát ngôn “Gamer là lũ không có tương lai” – đến từ một cô gái thất vọng vì người bạn trai mê game, vụ việc tưởng như chẳng có gì đáng nói, nhưng lại bất ngờ trở thành một “liều thuốc thử” lột trần rất nhiều khía cạnh đáng bàn của cộng đồng game.

Vì sao sự việc lại trở nên đáng quan tâm?

[mecloud]iQh6kJgatU[/mecloud]

Talkshow của PewPew

Ngày 22.3 vừa qua, một thành viên có nickname “fine” đã đăng tải trên trang cộng đồng Spiderum những tâm sự cá nhân của mình về sự thờ ơ của bạn trai – người mà cô ta mô tả là game thủ “ham chơi”. Cũng theo như những chia sẻ này, người yêu của fine được định hình như một nhân vật “xem trọng game hơn tất cả”, thậm chí còn quan trọng hơn gia đình và đặc biệt là người yêu của anh ấy – tức fine.

tam thu

Cuối bài viết, thành viên fine chốt hạ: “Tôi sẵn sàng tranh luận để bảo vệ quan điểm này, nếu các bạn thật sự đủ tầm”, mở màn cho hàng loạt những tranh luận không hồi kết, diễn ra ở Spiderum lẫn hàng loạt những trang mạng xã hội khác.

Sự việc lên đến đỉnh điểm, khi PewPew – caster nổi tiếng nhất của cộng đồng Dota 2 Việt Nam – tổ chức buổi talkshow cùng fine (lúc này đã hé lộ tên thật là Mai).

Cả hai có cuộc đối thoại dài gần 1 giờ đồng hồ, lúc cao điểm lên đến 10.000 người theo dõi, chủ yếu xoay quanh chủ đề “gamer là lũ không có tương lai”. Mai vẫn bảo vệ quan điểm như đã từng chia sẻ trên Spiderum, trong khi đó, PewPew trao đổi với tư cách cá nhân nhưng tất nhiên vẫn được nhiều người nhìn nhận như tiếng nói đại diện cho cộng đồng game thủ.

Buổi trò chuyện kết thúc khi Mai đưa ra lời xin lỗi vì những “đụng chạm” vô tình, ảnh hưởng tới lòng tự trọng của nhiều người thuộc cộng đồng game.

PewPew bước ra khỏi cuộc talkshow với vị thế một người chiến thắng.

Buổi trò chuyện này lập tức trở nên “hot” trong cộng đồng game thủ, nhận được nhiều lời chia sẻ và thảo luận đa chiều. Đáng chú ý, vụ việc được anh Dương Vi Khoa – game thủ FPS “đời đầu” nổi tiếng, đồng thời là một tên tuổi lớn của ngành game Việt - bày tỏ sự quan tâm. Trên trang facebook cá nhân của mình, anh Dương Vi Khoa có đoạn viết: “Quan niệm của em ấy đúng mà. VN có bao nhiêu người sống được bằng chơi game thuần túy?... Tóm lại là anh ủng hộ em gái, em chả việc gì phải xin lỗi vì em đã nêu ra quan điểm của cá nhân em”.

Cũng trong bài viết, Dương Vi Khoa thể hiện quan điểm cứng rắn: “Bạn Pew được bao nhiêu người ủng hộ, sao lại đi hơn thua với 1 em gái như thế làm gì.

Tối mai nếu chú có hứng, anh với chú làm talkshow, chú muốn nêu vấn đề gì liên quan đến game anh cũng tiếp hết, để mở mang đầu óc cho các bạn "game thủ" một chút”.

PewPew đã nhanh chóng hồi đáp, ở thời điểm hiện tại, cả PewPew và Dương Vi Khoa đang thu xếp để có được buổi talkshow mà Dương Vi Khoa mong muốn.

Chuyện riêng, chuyện chung và chuyện thường tình

Trở về căn nguyên vấn đề, là câu chuyện của Mai và người yêu mê game của mình. Một câu chuyện riêng.

Cụ thể, đó là những trục trặc của Mai đối với người yêu, những nỗi thất vọng của cô về sự thờ ơ, xem trọng đam mê chơi game của anh chàng này. Và qua lăng kính của Mai, thông qua bạn trai mình – cũng là người Mai cho rằng đại diện cho đại đa số game thủ, game hoàn toàn là một thứ gây hại, đáng để dẹp bỏ đi.

Khoan đã, bạn có thấy câu chuyện này vô cùng quen thuộc không?

Nếu bạn đã từng có người yêu, đây là câu chuyện mà sớm hay muộn gì bạn đều phải đối mặt với cô gái của mình. Hầu hết những người phụ nữ đều nhạy cảm, và tận trong sâu thẳm đều là những con người mỏng manh, cũng chẳng vô tình mà chúng ta luôn gọi một nửa của thế giới là phái yếu.

Trong những mối quan hệ cá nhân, việc cân bằng thời gian, sự quan tâm cho nhau… luôn là yếu tố then chốt. Không đảm bảo được việc này, dĩ nhiên mối quan hệ sẽ có vấn đề, và người trong cuộc hoàn toàn có thể lên tiếng.

Và khi đã “lên tiếng”, Mai biến câu chuyện của mình thành chuyện chung.

Cụ thể, Mai phác họa bức chân dung xấu xí về ngành game, lên án việc chơi game và kêu gọi game thủ hãy trân trọng “tuổi trẻ”, đừng bán hết thời gian cho những trò chơi vô bổ. Dĩ nhiên, bất kỳ ai đã từng hoặc đang đam mê game, đều sẽ thấy có vấn đề trong những phát ngôn của Mai.

Điều đáng nói ở đây, câu chuyện chung này trên thực tế lại là một… câu chuyện thường tình.

Những luận điểm của Mai không phải mới mẻ, mà đã xuất hiện kể từ khi cộng đồng game Việt bắt đầu hình thành và bùng nổ từ những năm 2000. Những cuộc tranh cãi xoay quanh đề tài “tác hại của game” kéo dài từ rất lâu, tốn không biết bao nhiêu giấy mực và “nguyên khí”.

Và cho đến tận thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời thỏa mãn nhất cho câu hỏi này, mà chỉ tạm thỏa hiệp, tự tìm thấy sự thống nhất nhỏ lẻ với nhau hoặc đơn giản là “nhắm mắt cho qua”, vì có quá nhiều ý kiến, từ quá nhiều góc độ. Cũng tương tự như các vấn đề: Đam mê K-Pop có xấu hay không, mê phim Hàn có xấu hay không, mê truyện ngôn tình Trung Quốc có nên hay không…

Trở lại câu chuyện của Mai, việc cô bày tỏ sự bất bình, giận dữ với game, đều là những chuyện vô cùng dễ hiểu. Vì Mai chỉ định nghĩa game, đánh giá cộng đồng game qua chính người bạn trai hời hợt của mình. Chưa kể, những tâm sự này được viết khi Mai đang mất niềm tin vào người yêu, chưa kể những thứ cảm xúc rối bời mà bất kỳ người phái yếu nào trong hoàn cảnh tương tự đều gặp phải.

Quan trọng hơn hết, những người sở hữu quan điểm tiêu cực về game, họ hoàn toàn không quan tâm đến việc game có lợi ích giải trí gì, game đang được công nhận như một môn thể thao hay không, game mang đến thu nhập khủng ra sao… Mà, họ chỉ phán xét mặt lợi/hại của game thông qua các ví dụ nhãn tiền trước mắt, mà trong trường hơp của Mai là anh chàng người yêu vô tâm nọ. Do đó, người duy nhất có thể khiến Mai thay đổi quan điểm một cách thuyết phục, chỉ có anh chàng người yêu mà thôi.

Đó là điều mà chúng ta dễ dàng nhìn nhận ngay khi bắt gặp vụ việc, và cũng là mấu chốt vấn đề.

Thế nhưng, rất nhiều game thủ đã có sự hồi đáp mạnh mẽ, cho rằng câu chuyện này có sự liên quan hệ trọng đến chính mình, cho rằng đã bị động chạm đến lòng tự ái và danh dự bản thân. Sự nóng vội này khiến họ quên đi căn nguyên câu chuyện, quên đi những ranh giới giữa chuyện riêng – chuyện chung – chuyện thường tình.

Và vô tình, câu chuyện của Mai trở thành liều thuốc thử thú vị, tạo ra hàng loạt những chuỗi phản ứng vô đáng suy ngẫm của cộng đồng game thủ Việt.

Những phản ứng từ “liều thuốc thử”

Khi đăng tải những cảm xúc lên án game, đồng thời bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng tranh luận, Mai đã đặt lên bàn hai thanh kiếm, sẵn sàng cho bất kỳ cuộc “đấu” nào. Cô đang giận dữ, thất vọng tột cùng vì người yêu (thể hiện qua ngôn từ mà cô sử dụng) và có những cái nhìn chủ quan về game – ở góc độ cá nhân, từ những quan sát mà cô có được từ người bạn trai.

Với tình huống này, có khá nhiều cách để xử lý hoặc thậm chí… không cần xử lý. Nhưng rất nhiều game thủ đã nhạy cảm đến mức sẵn sàng đưa ra phản ứng tiêu cực, hàng loạt những ý kiến “gạch đá” được đưa ra, không tiếc lời “dìm” Mai. Đó là những người đã bước đến, và nhặt lấy thanh kiếm mà Mai đặt trên bàn.

Trong số này có PewPew – người mà chúng ta cần thừa nhận với nhau, rằng không ai xứng đáng hơn anh chàng này để đại diện cho lớp game thủ trẻ trung, hiện đại.

Tất nhiên, PewPew bình tĩnh và sáng suốt hơn rất nhiều lần những “cái đầu nóng” đang bừng bừng lửa giận vì cho rằng bị “động chạm tự ái”. Bằng chứng là cái cách mà chàng caster lừng danh của Dota 2 liên hệ với Mai, chuẩn bị cho một cuộc talkshow trực tiếp, cũng như cách mà PewPew đặt vấn đề cho buổi thảo luận. Kết quả thì ai cũng đã biết.

Tuy nhiên, cội nguồn lý do của PewPew, cũng hệt như những người “nhặt kiếm” khác: bức xúc, bực bội với quan điểm của Mai, sẵn sàng cho một cuộc phản biện. Đây là phản ứng dễ xảy ra nhất, và cũng… vô dụng nhất.

Sau khi đoạn clip talkshow này được đăng tải, nhiều game thủ đã xem PewPew như một người hùng, nói ra được những tâm tư của chính mình. Họ cho rằng Mai đã sai, và PewPew thì hoàn toàn đúng. Mặc nhiên xem cuộc đối thoại giữa cả hai là một “trận đấu” – điều mà có lẽ chính PewPew cũng không muốn, nhưng lại vô tình lèo lái sự việc theo hướng như thế.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lên tiếng phản đối cách làm này của PewPew, mà nổi bật nhất chính là anh Dương Vi Khoa, như chúng tôi đã đề cập ở trên.

Anh Dương Vi Khoa đồng tình với thái độ của Mai, vì cho rằng Mai đã nhận xét những khía cạnh khá chuẩn xác, đặc biệt là những mặt xấu, những hệ lụy đến từ việc mải mê chơi game – đây là một thực tế không thể chối cãi. Anh cũng nói thêm, Mai không có lý gì phải xin lỗi.

Mọi chuyện có lẽ sẽ không có gì đáng bàn, nếu anh Dương Vi Khoa không cho rằng, PewPew đã “hơn thua” không đáng với Mai – cũng đồng nghĩa với việc, anh Khoa vô tình động đến phần đông cộng đồng game thủ đang hừng hực lửa, đả kích Mai trước đó.

Và thế là, huyền thoại FPS Việt Dương Vi Khoa lại vô tình đặt xuống bàn hai thanh kiếm một lần nữa, sẵn sàng cho một “cuộc đấu” nối dài liên quan tới vụ việc “Gamer là lũ không có tương lai”.

Liều thuốc thử đã nhanh chóng có tác dụng, tạo nên những phản ứng dây chuyền hé lộ hàng loạt những cơn sóng ngầm bên trong cộng đồng game thủ: quan điểm về sự tốt/xấu của game, tư cách của một người được gọi là game thủ, những định kiến trái chiều… và quan trọng hơn hết, nó đang phác họa một cộng đồng game dễ bắt lửa, dễ tạo nên hiệu ứng dây chuyền.

Vậy hàng loạt những động thái này - đến từ đại đa số game thủ lẫn những người đóng vai trò chủ chốt của cộng đồng game, có giúp gì cho việc cải thiện hình ảnh về ngành game ngước nhà, xóa bỏ những định kiến không đáng của nhiều người Việt về game và gamer?

Rõ ràng là không.

Anh Dương Vi Khoa và PewPew đã đúng, những đóng góp của họ đối với cộng đồng game Việt là không phải bàn cãi, và luôn là hai hình mẫu xứng đáng để game thủ phấn đấu nói theo. Những điều họ đang làm xoay quanh vụ việc trên cũng không hề sai, tuy nhiên, lại không phải là những thứ mà cộng đồng game đang cần.

Cũng như Mai, những người đang có định kiến xấu về game – mà rất có thể là chính những người thân của bạn – đang cần thấy những hành động cụ thể. Họ không cần biết game là niềm đam mê ra sao, không cần biết Faker là ai, không cần biết giải thể thao điện tử VCSA là gì, chẳng cần biết các trường đại học áp dụng Minecraft như một bộ môn giảng dạy chính thức như thế nào…

Họ chỉ muốn thấy đứa con học kém vì mê chơi game của mình trở nên tiến bộ, muốn thấy người yêu của mình bớt “lặn mất tăm” để chơi Liên Minh Huyền Thoại, muốn thấy chồng của mình trao đổi về kế hoạch chuyển sang một căn hộ rộng hơn, thay vì mải mê nói đến một cỗ máy chơi game trị giá 30 triệu đồng nào đó.

Đó là sự cân bằng mà bất kỳ một game thủ nào cũng phải duy trì (cũng đòi hỏi nhiều sự khéo léo đấy!), và là cách duy nhất để mọi người có cái nhìn tốt hơn về ngành game.

Và quan trọng hơn hết, nhớ đừng để bạn gái của mình phải bức xúc và đăng đàn lên án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.