Vụ GCafe: Công ty tin học Hòa Bình 'phản pháo' bằng một giấy chứng nhận kỳ lạ

13/08/2015 10:01 GMT+7

Một ngày sau buổi họp báo “không thể tin nổi”, đơn vị bị Shunwang dọa khởi kiện là Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình đã bác bỏ những luận điểm của đối phương bằng một thông cáo báo chí… kỳ lạ không kém.

Ngày 12.8 vừa qua, trong buổi họp báo được tổ chức vô cùng gấp gáp và bí ẩn, Công ty TNHH Kỹ thuật Shunwang (Trung Quốc) đã khẳng định GCafe là sản phẩm mà Garena Singapore, thông qua công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình tại Việt Nam, đang sử dụng trái phép tại Việt Nam ở khoảng 26.000 phòng máy.

Cụ thể, phía Shunwang cho rằng GCafe thực chất là iCafe Mavin, một sản phẩm chủ lực do công ty phát triển vào năm 2006. Sản phẩm này được Shunwang trao quyền sử dụng cho Garena Singapore, đã hết hạn vào ngày 28.2.2015.

Vụ tranh chấp Gcafe: người bị tố cáo giải trình bằng thông cáo 'kỳ lạ'

Shunwang khai mào vụ lùm xùm bằng một buổi họp báo kỳ lạ, ở rất nhiều khía cạnh

Trên cơ sở đó, Shunwang đã trình ra các bằng chứng sở hữu iCafe Mavin tại buổi họp báo, đồng thời cho biết sẽ khởi kiện Công ty Tin học Hòa Bình (đối tác mật thiết của VED) với sự can thiệp của cơ quan chức năng, về việc vi pham bản quyền. Tuy nhiên trong khuôn khổ ngắn ngủi “kỷ lục” của buổi họp báo, Shunwang không hề cung cấp thêm thông tin về vụ thưa kiện này, kèm theo hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải. Đầu mối thông tin duy nhất mà Shunwang để lại chính là… email của một luật sư đại diện tại Việt Nam.

Sáng sớm nay (13.8), đại diện Công ty Tin học Hòa Bình đã chính thức có thông cáo báo chí trả lời vụ việc, trong đó đề cập đã được gửi thông báo nội dung đòi khởi kiện từ đại diện truyền thông của Shunwang, lúc 21 giờ 30 tối hôm qua. Công ty này cũng nhanh chóng đưa ra những tuyên bố đanh thép về quyền sở hữu GCafe.

Cụ thể, đơn vị này khẳng định GCafe Professional (GCafe) là do tự mình phát triển và sở hữu, theo giấy chứng nhận đăng ký tác quyền số 1486/2011/QTG được cấp ngày 3.6.2011.

Tuy nhiên, khi đưa ra bằng chứng cụ thể thì phía Hòa Bình lại khiến mọi người thêm phần hoang mang do đã kiểm duyệt chính giấy chứng nhận của mình, đặc biệt là phần rất quan trọng về tác giả.

Vụ tranh chấp Gcafe: người bị tố cáo giải trình bằng thông cáo 'kỳ lạ'

Tấm giấy chứng nhận bị che mờ "không thể tin nổi" do phía Hòa Bình đưa ra

Rất có thể lý do kiểm duyệt này là vì có một số nội dung thuộc về thông tin cá nhân, tuy nhiên, với một bằng chứng "bôi bôi xóa xóa" như trên, lý lẽ mà Hòa Bình đưa ra đã kém đi phần thuyết phục. Công ty Hòa Bình cũng khẳng định, họ sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề.

Thanh Niên Game đã vào trang web Cục bản quyền tác giả và tra cứu thử, thì đúng là sản phẩm Chương trình máy tính GCafe Professional đã được đăng ký, với tác giả là ông M.T.B., được cấp ngày 3.6.2011.

Câu chuyện lùm xùm quanh hệ thống quản lý phong máy lớn nhất Việt Nam này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục, khi cả người thưa kiện lẫn người bị kiện đều… bí ẩn theo cách “không thể tin nổi”.

Sự kiện "Giới thiệu chủ sở hữu GCafe"

Ngày 10.8, các đơn vị truyền thông ngành game bất ngờ nhận được thư mời họp báo với nội dung “Giới thiệu chủ sở hữu phần mềm GCafe”, đồng thời khởi kiện Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình (đối tác thân thiết của Garena) và 26.000 đại lý sử dụng GCafe trái phép.

Vụ tranh chấp Gcafe: người bị tố cáo giải trình bằng thông cáo 'kỳ lạ'

Tờ giấy mời làm dậy sóng của đơn vị tổ chức

Đáng chú ý, không hề có một thông tin nào về đơn vị khởi kiện hay người “chủ sở hữu” làm xôn xao ngành game Việt này.

Buổi chiều cùng ngày hôm đó, bằng các sử dụng tính năng lưu cache của Facebook, nhiều người đã truy được tên miền http://gcafe.zing.vn, dấy lên mối nghi ngờ đơn bị khởi kiện chính là VNG. Tất nhiên, giả thuyết này lập tức nhận được vô vàn nghi vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.