Chiều 27.9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã đạt nhiều kết quả nổi bật, như hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn cận nghèo TP.HCM giai đoạn này...
Với giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đề ra những giải pháp mới, trong đó đặt định hướng tới năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo của cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện hữu trong công tác giảm nghèo tại TP.HCM là chưa bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo (trước đây gọi là Quỹ xóa đói giảm nghèo) và giải quyết việc làm cho năm 2021 và năm 2022. Đây là 2 chương trình tín dụng ưu đãi chủ lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố.
Báo cáo nêu rõ lý do, vì “luật Đầu tư công năm 2019 đã có hiệu lực, có quy định về đối tượng đầu tư công nên việc bố trí bổ sung nguồn vốn cho vay 2 chương trình này năm 2021 và năm 2022 còn các ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng (cụ thể là Sở KH-ĐT và Sở Tài chính) trong công tác tham mưu nguồn vốn, nên UBND chưa trình HĐND TP.HCM bố trí nguồn vốn”.
Hội nghị tổng kết thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021 chiều 27.9 |
xuân khánh |
Về vấn đề này, trong nhiều cuộc làm việc của HĐND TPHCM, nhiều đại biểu đã bức xúc. Đơn cử, tại kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa X diễn ra cuối tháng 12.2021, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú chất vấn lãnh đạo Sở KH-ĐT TP.HCM: “Chương trình giảm nghèo dự kiến thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên trong 2 năm liên tục chưa được bố trí vốn thì liệu có được thực hiện hay không?”, hay ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Đạt: “Nếu chúng ta chậm trễ bố trí nguồn vốn, không có lộ trình rõ ràng thì các đối tượng khi nào mới tiếp cận?”.
Hay gần đây nhất, tháng 6.2022, tại cuộc giám sát của HĐND TP.HCM đối với UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Cao Thanh Bình nhấn mạnh, qua giám sát các địa phương thấy thực trạng rất nhiều hồ sơ của hộ nghèo, hộ cận nghèo chất chồng nhưng không được giải quyết được vì chưa bố trí nguồn vốn.
Trong khi đó, nhu cầu tiếp cận vốn để phát triển kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo là rất lớn. Nếu người dân không tiếp cận kịp thời thì rất dễ rơi vào bẫy tín dụng đen. Ông Bình bức xúc: “Bao nhiêu tỉnh thành làm được, mà mình không làm được?”.
UBND TP.HCM cho biết, để thực hiện hoàn thành mục tiêu Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP.HCM kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp chuyên đề tháng 9.2022, bố trí nguồn vốn ngân sách TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 hơn 5.326 tỉ đồng (cụ thể năm 2021 là 1.088 tỉ đồng, năm 2022 là 1.116 tỉ đồng chưa được ngân sách TP.HCM bổ sung; năm 2023 là 1.096 tỉ đồng năm 2024 là 1.006 tỉ đồng, năm 2025 là 1.020 tỉ đồng) theo Quyết định số 1291/2021 để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TP.HCM thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và người lao động trên địa bàn.
Theo thống kê, đầu giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM có 58.019 hộ nghèo, cận nghèo với 227.743 nhân khẩu (chiếm 2,29% trong tổng số hơn 2,5 triệu hộ dân TP.HCM). Tuy nhiên, kết quả rà soát vào cuối năm 2021, TP.HCM đã giảm chỉ còn 56.226 hộ nghèo, cận nghèo với 220.212 nhân khẩu mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bình luận (0)