Gần 30.000 ca mắc sốt xuất huyết

13/09/2015 05:33 GMT+7

Hôm qua (12.9), đại diện Bộ Y tế cho biết cả nước hiện đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 50/63 tỉnh, thành. Bệnh thường gặp ở trẻ em. Đáng lưu ý, đã ghi nhận các ca bệnh diễn biến nặng và 18 ca tử vong ghi nhận tại 10 tỉnh, thành.

Hôm qua (12.9), đại diện Bộ Y tế cho biết cả nước hiện đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 50/63 tỉnh, thành. Bệnh thường gặp ở trẻ em. Đáng lưu ý, đã ghi nhận các ca bệnh diễn biến nặng và 18 ca tử vong ghi nhận tại 10 tỉnh, thành.

Gần 30.000 ca  mắc sốt xuất huyếtHành lang Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 rất đông bệnh nhi (ảnh chụp sáng 12.9)  - Ảnh: Lương Ngọc
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, TP yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch SXH. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về giám sát, xử lý ổ dịch, cung cấp thông tin đầy đủ về phòng chống dịch; Bộ GD-ĐT chịu  trách nhiệm chỉ đạo các sở GD-ĐT huy động giáo viên học sinh, sinh viên các trường tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy tại gia đình và cộng đồng.  
  L.C
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý người dân khi có biểu hiện nghi ngờ SXH cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi điều trị, tuyệt đối không tự truyền dịch, điều trị tại nhà; nghiêm cấm nhân viên y tế tiêm, truyền tại nhà, tại các cơ sở không đủ điều kiện. Truyền dịch có thể gây sốc, nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ngoài ra, việc dùng thuốc với bệnh nhân SXH cần được chỉ định đúng, việc tự ý mua thuốc điều trị có thể làm bệnh trở nặng, gây tai biến nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong. Bộ Y tế lo ngại dịch SXH còn gia tăng do đỉnh dịch vào tháng 10 - 11 hằng năm và năm nay là thời điểm của chu kỳ dịch bùng phát (dịch SXH có chu kỳ bùng phát 4 - 5 năm/lần).
* Những ngày qua, các bệnh viện (BV) nhi tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải lượng lớn bệnh nhi nhập viện do SXH. Trong ngày 12.9 tại Khoa SXH BV Nhi đồng 2 điều trị nội trú cho 100 ca SXH, trong đó có đến 20 ca nặng đang phải truyền dịch, bệnh nhi nhỏ nhất chỉ mới mười mấy tháng tuổi. BV Nhi đồng 1 cũng cho hay lượng bệnh nhi nhập viện vì SXH tăng cao. Với chỉ tiêu 90 giường bệnh, song khoa SXH tại BV này phải điều trị cho 176 bệnh nhi.
Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng 12.9 tại khoa SXH của 2 BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, nhiều bệnh nhi và thân nhân phải nằm cùng 1 giường, thậm chí nằm ngoài hành lang vì quá tải. Tại BV Nhi đồng 1, PV vừa bước vào khoa SXH thì thấy dọc hành lang trước cửa phòng bệnh là những manh chiếu được trải tạm để nằm của nhiều gia đình đang chăm sóc con bị bệnh. Anh Mạnh (đang nuôi con bị bệnh SXH) cho biết mỗi giường có đến 2 - 3 bệnh nhi, chưa kể phụ huynh chen chúc nằm co ro để chăm sóc. Vợ chồng anh thấy chật quá nên cho con nằm hẳn dưới đất từ khi nhập viện.
Tương tự, tại Khoa SXH của BV Nhi đồng 2, vì quá tải bệnh nhân SXH nên nhiều bệnh nhi khi nhập viện được ghi cho số phòng để tiện theo dõi việc thăm khám và lấy thuốc rồi ra nằm ngoài… hành lang. “Nhập viện từ ngày 10.9 là nhân viên y tế đưa cho tôi chiếc ghế bố để cho cháu ra hành lang đặt nằm điều trị. Ai cũng vậy, vô sau thì nằm ngoài chứ giường đông
2 - 3 bé nằm rất chật”, chị Sương (30 tuổi, ngụ Bình Dương) chia sẻ.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tính đến hết tuần thứ 36 (tuần đầu của tháng 9.2015), TP.HCM có 8.157 ca SXH nhập viện, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Xét về diễn tiến, số ca bệnh SXH trong 4 tuần qua tăng rất nhanh. Riêng tuần 36, toàn thành phố đã có 416 trường hợp SXH nhập viện.
Bên cạnh đó, theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng trong tuần thứ 36 (tuần đầu tháng 9.2015) đã tăng 32% so với các ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Tính đến hết tuần thứ 36, TP.HCM có trên 4.500 ca mắc bệnh tay chân miệng, trung bình khoảng 100 - 150 ca nhập viện/tuần; riêng tuần thứ 36 số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng là hơn 190 ca.
Mỗi năm có 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do bệnh tiêu chảy
Đó là báo cáo tại hội thảo chuyên đề về bệnh lý tiêu hóa diễn ra hôm qua 12.9 tại TP.HCM, với sự tham dự của 1.400 bác sĩ trong và ngoài nước. Theo GS-TS Nguyễn Gia Khánh, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa VN, mỗi năm trên thế giới có 1,5 tỉ người mắc bệnh tiêu chảy, khiến khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy, trong đó có 2 nguyên nhân chính là do vi khuẩn (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng...) và do lạm dụng việc sử dụng thuốc kháng sinh. Hai tác nhân này phá vỡ, làm mất sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột, gây ra bệnh.
Thanh Tùng

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.