Gần 50% đơn thư khiếu tố do Quốc hội chuyển đã trôi vào ‘hư vô’

07/11/2017 15:53 GMT+7

Quốc hội đã chuyển 7.121 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng chỉ nhận được 3.591 văn bản trả lời, đạt tỉ lệ 50,43%.

Tại phiên họp chiều 7.11, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.
Theo báo cáo, trong thời gian từ 8.2016 đến tháng 8.2017, Quốc hội nhận được 42.855 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 167 đơn so với cùng kỳ), trong đó có 28.023 đơn trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung,…(chiếm 65,39%). Sau khi nghiên cứu xem xét, đã có 7.121 đơn đủ điều kiện xử lý được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ nhận được 3.591/7.121 văn bản trả lời, tỷ lệ chỉ đạt 50.43%.
Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc thông báo kết quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đến các đại biểu dân cử, cơ quan dân cử đối với đơn thư do đại biểu hoặc cơ quan này chuyển đến còn chưa được quan tâm đúng mức.
Mặt khác, tỉ lệ số vụ việc khiếu nại tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng qua rà soát, địa phương và Đoàn giám sát đều thống nhất có căn cứ để xem xét lại là 27,3% (30/110 vụ việc) cho thấy chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vẫn còn nhiều bất cập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua phân loại cho thấy đơn thư thuộc lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại tập trung chủ yếu vào các vấn đề về đất đai (chiếm khoảng 60 - 65% tổng số đơn thư), đặc biệt là việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, người dân chưa đồng tình với khung giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở còn để kéo dài; về giải quyết chính sách đối với người có công còn chậm...
Đối tượng bị khiếu nại, tố cáo là cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, ngân sách và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nội dung kiến nghị, phản ánh chủ yếu về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách, pháp luật về đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp; về biện pháp chống tham nhũng, lãng phí; về sửa đổi bổ sung một số chính sách pháp luật liên quan đến thuế, phí, lệ phí.
Đơn thư thuộc lĩnh vực tư pháp có nội dung tập trung chủ yếu liên quan đến việc kêu oan, bỏ lọt tội phạm, đề nghị xem xét giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; về tố cáo chủ yếu liên quan tới tố giác tội phạm về tham nhũng, về trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên... có tiêu cực, thiếu trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.