Công lao của Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn từng được phản ánh trong bộ phim truyền hình nhiều tập do Đài truyền hình KBS phát sóng cuối năm 2002. Bộ phim cho biết, Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn là hậu duệ của vương triều Lý ở VN.
Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý ở Bắc Ninh, nơi những người con thuộc dòng họ Lý ở Hàn Quốc tìm về bái yết - Ảnh: T.L |
Dòng họ Lý Tinh Thiện
76 năm trước khi Lý Long Tường sang Cao Ly, từ năm 1150 gia tộc Kiến Hải vương Lý Dương Côn, đô đốc thủy quân, cùng các thuộc hạ đã lên thuyền vượt biển.
Giáo sư sử học Hàn Quốc Phiến Hoằng Cơ (Pyun Hong-kee) đã công bố công trình nghiên cứu của mình về dòng họ Lý gốc Việt thứ hai, được gọi là dòng họ Lý Tinh Thiện, hậu duệ của Lý Dương Côn.
Lý Dương Côn là hoàng tử con nuôi của vua Lý Nhân Tông. Khi vua Lý Thần Tông băng hà, triều thần muốn đưa Lý Dương Côn lên làm vua. Tuy nhiên, Cảm Thánh thái hậu Lê thị và Kiểm hiệu Thái phó Đỗ Anh Vũ đã tiêu diệt hết các đối thủ, đưa thái tử mới 3 tuổi lên ngôi. Kiến Hải vương Lý Dương Côn và gia quyến, thuộc hạ phải lên thuyền vượt biển sang Cao Ly, định cư tại Tinh Thiện. Cái tên Lý Tinh Thiện là ghép họ Lý với địa danh Tinh Thiện nơi gia tộc sinh sống.
Theo “Tinh Thiện Lý thị tộc phả” lưu tại Thư viện quốc gia Hàn Quốc, hậu duệ đời thứ 6 của Lý Dương Côn là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Cao Ly: tướng quân Lý Nghĩa Mẫn nổi lên dưới triều vua Minh Tông và sau này giữ chức tể tướng suốt 14 năm (1183 - 1196).
Nhân vật kiệt hiệt trong lịch sử Cao Ly
Nhà văn Trần Đại Sỹ trong bài viết Đi tìm con cháu thuyền nhân 849 năm trước: Nguyên tổ hai dòng họ Lý tại Đại Hàn có viết rằng sau khi qua CHDCND Triều Tiên và nghe câu chuyện dòng họ Lý ở đó, ông đã qua Hàn Quốc để tìm hiểu thêm.
Họ Lý Hoa Sơn phần lớn ở CHDCND Triều Tiên. Dòng họ này tại Hàn Quốc không quá 1.000 hộ nhưng rất thành công trên nhiều lãnh vực. Đến Hàn Quốc, ông Trần Đại Sỹ gặp GS Lý Gia Trung. GS Lý Gia Trung cho biết tổ tiên của ông là người VN, thuộc dòng dõi Kiến Hải vương Lý Dương Côn.
Vua Lý Nhân Tông không có hoàng nam nên đã nhận con của các thân vương trong hoàng tộc làm con nuôi, trong đó có con của Thành Quảng hầu là Lý Dương Côn. Khi vua Lý Thần Tông băng hà, Thái tử Thiên Tộ mới lên 3 tuổi nối ngôi. Thái phó Đỗ Anh Vũ nhiếp chính đã khuynh đảo triều đình, lập mưu giết hết các tông tộc của các thân vương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám Cương mục chép: Năm 1150, vua Lý Anh Tông nghe theo lời Đỗ Anh Vũ, hạ chiếu giáng Trí Minh vương làm tước hầu, các Hỏa đầu gồm 8 người bị đem chém ở chợ tây... Cùng thời gian đó, Kiến Hải vương Lý Dương Côn đem gia tộc xuống thuyền chạy qua Cao Ly để bảo toàn tính mạng.
Theo tài liệu còn lưu lại của dòng họ Lý Tinh Thiện, nhiều hậu duệ của Lý Dương Côn làm quan lớn trong triều đình. Hậu duệ đời thứ 2 là Lý Lan làm đến chức Kim tử Quan lộc đại phu Lễ Nhi phán thư. Hậu duệ đời thứ 3 là Lý Mậu Trinh làm chức Khuông Tĩnh đại phu Chính đường văn học. Đặc biệt, hậu duệ đời thứ 6 Lý Nghĩa Mẫn được phong Đại tướng quân, Tây Bắc bộ binh mã sứ. Lý Nghĩa Mẫn trở thành nhân vật kiệt hiệt trong lịch sử Cao Ly.
Dưới triều vua Nghị Tông (1146 - 1170), Lý Nghĩa Mẫn được nhà vua rất sủng ái.
Năm 1170 tướng Trịnh Trọng Phu lật vua Nghị Tông lập vua Minh Tông (1170 - 1179). Ngay lập tức Trịnh Trọng Phu bị các võ phái, võ tướng nổi lên chống đối. Lý Nghĩa Mẫn là người phụ tá đắc lực cho Trịnh Trọng Phu, đem quân dẹp các cuộc nổi dậy. Thắng lợi, ông được thăng chức Trung lang tướng, rồi dần dần thăng Tướng quân, Đại tướng quân, Thượng tướng quân, cuối cùng là Tây Bắc bộ binh mã sứ - đứng đầu toàn bộ quân đội của quốc gia.
Năm 1179, một võ quan khác là Khánh Đại Thăng làm cuộc chính biến, giết chết Trịnh Trọng Phu, lên nắm quyền. Bấy giờ Lý Nghĩa Mẫn giữ chức Hình bộ Thượng thư, vì ông thuộc phe Trịnh Trọng Phu nên bị nghi ngờ, chèn ép. Lý Nghĩa Mẫn cáo quan về hưu.
Sau khi Khánh Đại Thăng chết, vua Minh Tông mời Lý Nghĩa Mẫn vào triều và ban chức Tư không, Tả bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự tức Tể tướng trong 14 năm.
Năm 1196, Thôi Chung Hiếu, một võ tướng làm cuộc đảo chính, giết Lý Nghĩa Mẫn. Ba con ông là Lý Chính Thuần, Lý Chí Vinh, Lý Chí Quang đều là tướng cầm quân cũng bị giết chết. Chỉ có người con gái của ông là Lý Hiền Bật được tha. May mắn là người anh họ của Lý Nghĩa Mẫn và các con không bị giết nên hậu duệ còn tới ngày nay, trong đó có đại diện là GS Lý Gia Trung giảng dạy ở Đại học Seoul.
Năm 2009, ông Lý Man Su, Chủ tịch Ủy ban trù bị thành lập Ban lãnh đạo dòng họ Lý Tinh Thiện; ông Lý Châng Kil, Chi hội trưởng Chi hội Seoul của dòng họ Lý Tinh Thiện và Lý Chul Sik đã tới Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh bái yết đền Đô, kính cáo với tiên tổ họ Lý.
|
Bình luận (0)