Sau 2 ngày làm việc, chiều qua Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã bế mạc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư phát động thi đua giai đoạn 2016 – 2020 - Ảnh: TTXVN |
Thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào 5 nội dung: Đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực phát triển; Tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước; Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và chính quyền các cấp; Hướng các phong trào vào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương, quan tâm đến các tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
|
Càng nhiều thách thức, càng đẩy mạnh phong trào thi đua
Trong bài phát biểu khai mạc đại hội trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ có bước phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện, sức cạnh tranh tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nhân lên. Bên cạnh đó, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng an ninh được tăng cường, độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang đối mặt không ít với những khó khăn thách thức, càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thủ tướng bày tỏ: “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong giai đoạn 2011 - 2015 và đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020”.
Tăng cường khen đột xuất…
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng.
Theo Tổng bí thư, những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất.
Bên cạnh những mặt làm tốt, Tổng bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, như phong trào chưa sâu rộng, chưa toàn diện, đồng đều, còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Tổng bí thư cho rằng: “Công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện cá nhân và việc nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều. Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc rút kinh nghiệm và có những biện pháp tích cực khắc phục những hạn chế khuyết điểm này”.
Tổng bí thư yêu cầu phong trào thi đua yêu nước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày, lấy công tác thi đua là tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý. Cùng với các phong trào thi đua thường xuyên, cần gắn với phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức tổ chức, tránh sự nhàm chán tẻ nhạt.
Tổng bí thư nhấn mạnh: “Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm kết quả thi đua khen thưởng. Đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua, phát triển và nhân rộng các điển hình tiên tiến để các điển hình có sức lan tỏa lớn trong xã hội”.
Tham dự đại hội có 1.800 đại biểu là những điển hình tiên tiến đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc. Đến dự còn có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ.
|
Bài học thành công cần học tập
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011 - 2015), Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư Nguyễn Thị Doan đã điểm lại những kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xuất hiện nhiều mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt hàng tỉ đồng/ha/năm. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 5,9%/năm. Phong trào thi đua của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hội liên hiệp thanh niên, hội sinh viên đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tuổi trẻ nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên thanh niên như “Thanh niên tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”...
“Các điển hình tiên tiến, dù ở những lĩnh vực và cương vị khác nhau, nhưng đều nêu cao tinh thần bền bỉ, năng động, sáng tạo, tìm tòi và thực hiện thành công những sáng kiến, đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống hiếu học, cần cù sáng tạo, tự lực tự cường của dân tộc là nền tảng quý báu để nuôi dưỡng và phát huy sự nỗ lực, tinh thần phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn để đi đến thành công. Đó là bài học thành công của các điển hình tiên tiến mà chúng ta cần học tập”, bà Doan đúc kết.
|
Bình luận (0)