Theo dự báo của Tổ chức lương nông thế giới (FAO), Campuchia sẽ xuất khẩu khoảng 1,35 triệu tấn gạo trong năm 2018, tăng 5% so với năm 2017, nhưng chỉ có khoảng 750.000 tấn trong số này đi qua con đường chính thức, Phnom Penh Post cho hay hôm nay 29.3.
Lượng gạo xuất khẩu còn lại sẽ đi qua con đường buôn lậu, tức sang nước láng giếng trước khi đến nước thứ ba, tờ báo dẫn nguồn từ nhà kinh tế Shirley Mustafa trong báo cáo của FAO, dựa trên số liệu được ghi nhận hồi năm ngoái với hơn 630.000 tấn gạo của Campuchia đã đi theo con đường này.
Buôn lậu gạo là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Campuchia. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia, ông Hean Vanhan cho rằng bất kỳ hành động nào nhằm ngăn chặn "đường đi bất hợp pháp của gạo Campuchia" cũng có thể làm tổn hại đến người nông dân trồng lúa của nước này.
“Vào mùa thu hoạch, các nhà xay xát thường không có khả năng mua hết lúa từ nông dân, vì vậy gạo của chúng ta phải đem ra biên giới bán cho các nhà buôn”, ông Hean phát biểu. Theo ông, vấn đề buôn lậu tồn tại là do hạn chế tài chính và khả năng trữ gạo của các doanh nghiệp thu mua và xay xát gạo trong nước dù chính phủ đã cố gắng khắc phục.
Chính phủ Campuchia cung cấp 30 triệu USD cho các dự án xây dựng 3 nhà máy chế biến và trữ gạo, nhưng công suất của 3 nhà máy này chỉ đáp ứng được khoảng 300.000 tấn, trong khi Campuchia đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. Để có 1 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, trong nước phải có khả năng chế biến 2 triệu tấn lúa, theo ông Hun Lak, Phó chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia.
Bình luận (0)