ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam:

Gặp chủ nhân tấm HCV đầu tiên của Việt Nam tại Á vận hội

Minh Tân
Minh Tân
12/09/2023 05:23 GMT+7

Bị hoãn một năm vì ảnh hưởng của Covid-19, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) sắp khởi tranh tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23.9 - 8.10. Nhân sự kiện này, Báo Thanh Niên xin đăng tải loạt bài về bức tranh toàn cảnh ASIAD 19 cũng như dấu ấn vui buồn của thể thao VN tại sân chơi lớn nhất châu lục.

Lần đầu tiên cùng thể thao VN góp mặt ở ASIAD năm 1958, tay vợt Lê Văn Tiết cùng các đồng đội đã gây chấn động khi đoạt 2 HCV, gồm HCV đồng đội và HCV đôi nam. Một trong những chủ nhân của thành tích chói sáng ấy, năm nay đã 84 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in kỷ niệm tuyệt vời trong sự nghiệp của mình.

Gặp chủ nhân tấm HCV đầu tiên của Việt Nam tại Á vận hội  - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tiết và tấm HCV Á vận hội 1958 cùng chiếc cúp vô địch Pháp mở rộng

MINH TÂN

KỲ QUAN CỦA BÓNG BÀN THẾ GIỚI

Nghe tin nhà cựu vô địch bóng bàn ASIAD Lê Văn Tiết ngã phải nhập viện điều trị 3 ngày, chúng tôi liền ghé thăm tay vợt từng được báo chí quốc tế gọi là kỳ quan của bóng bàn thế giới. Đôi chân yếu vì tuổi tác nhưng ông Lê Văn Tiết vẫn rất minh mẫn khi hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của bóng bàn VN.

Chúng tôi hỏi ông, trận đấu nào làm ông nhớ nhất trong sự nghiệp của mình, VĐV lẫy lừng một thời trả lời ngay: "Đó chính là trận thắng nhà đương kim vô địch thế giới người Nhật Bản Toshiaki Tanaka tại Á vận hội năm 1958 để cùng đội tuyển VN đoạt chức vô địch đồng đội".

Gặp chủ nhân tấm HCV đầu tiên của Việt Nam tại Á vận hội - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Tiết thời trẻ

Gặp chủ nhân tấm HCV đầu tiên của Việt Nam tại Á vận hội - Ảnh 3.

Quá khứ vàng son của bóng bàn Việt Nam

Đó là tấm HCV rất bất ngờ vì đội tuyển bóng bàn Nhật Bản thời điểm đó đang thống trị làng bóng bàn thế giới. Trước trận đấu, giới chuyên môn đều cho rằng HCV khó thoát khỏi tay đội chủ nhà. Bởi tại giải vô địch bóng bàn thế giới 1957 diễn ra ở Thụy Điển, đội Nhật Bản đã đánh bại đội VN với Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Huỳnh Văn Ngọc cũng trong đội hình dự ASIAD với tỷ số 5-3.

Chính vì thế, Liên đoàn Bóng bàn Nhật Bản lúc đó rất tự tin khi mời Hoàng thái tử Nhật Bản đến xem và để trao huy chương cho đội thắng trận. Tuy nhiên, tối 27.5.1958 tại Tokyo, Lê Văn Tiết cùng với 2 đồng đội là Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được tạo ra cơn "địa chấn" khi đánh bại đội chủ nhà với tỷ số 5-3. Trong đó, ông Tiết để lại dấu ấn lớn bằng chiến thắng trước tay vợt vô địch thế giới Toshiaki Tanaka với tỷ số 2-0 (21/19, 21/18). Sau đó, ông cũng thắng luôn Sunoda 2-0 (21/6, 21/11).

ASIAD 1958 được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 24.5 - 1.6 với 1.820 VĐV. Đoàn VN tham dự 4 môn, với thành tích: bóng bàn (HCV đồng đội, HCV đôi nam của Mai Văn Hòa - Trần Cảnh Được, HCĐ đôi nam của Lê Văn Tiết - Trần Văn Liễu); xe đạp (HCĐ đồng đội của Lê Văn Trọng, Ngô Thành Liêm, Trần Văn Nay, Trần Văn Nên); quần vợt (HCĐ đôi nam của Võ Văn Bảy - Võ Văn Thành) và bóng đá nam (vào đến tứ kết).

Sau trận đấu, tờ Nhật báo Đông Kinh (Nhật Bản) viết: "Trong lịch sử thể thao Nhật Bản, có 2 biến cố làm chúng ta đau lòng nhất là việc để đoàn VN đoạt HCV bóng bàn đồng đội nam ngay tại ASIAD lần 3 (Tokyo, năm 1958) và võ sĩ người Hà Lan Auton Geenik đoạt chức vô địch judo thế giới". Với những chiến tích này, ông Tiết đã được giới báo chí quốc tế lúc bấy giờ gọi là "kỳ quan bóng bàn thế giới". Bởi ông là một trong những người khai sinh ra lối đánh phản công độc nhất vô nhị. Ông từng đánh bại nhiều tay vợt hàng đầu thế giới trong thập niên 1950 như nhà vô địch châu Á 1952 Tiết Thủy Sơ, vô địch đơn nam ASIAD 1958 Lý Quốc Định, các nhà vô địch thế giới Bergmann (VĐV này vô địch năm 1948 và 1950), Johnny Leach (vô địch năm 1949 và 1951), Tanaka (vô địch năm 1955 và 1957), Ogimura (vô địch năm 1954 và 1956)…

Một năm sau khi đoạt HCV ASIAD, ông Lê Văn Tiết còn đoạt được tấm HCĐ giải vô địch bóng bàn quốc tế tại Dortmund (Đức). Nhưng chức vô địch đơn nam giải bóng bàn Pháp mở rộng (giải đấu nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ) mới là thành tích đáng nể và ông trở thành người VN đầu tiên đánh bại tay vợt số 1 thời điểm đó là Teruo Murakami (vô địch Nhật Bản) trong trận chung kết (ông Tiết lúc ấy vừa tròn 20 tuổi). Đây thật sự là một trận đấu không thể nào quên trong sự nghiệp của ông Lê Văn Tiết. Bởi sau khi bị dẫn trước hai ván đầu tiên, ông đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để thắng lại với tỷ số 3-2. Ngoài hai chức vô địch đáng nhớ trên, ông còn cùng đồng đội ba lần đoạt HCV SEAP Games (tiền thân của SEA Games) vào những năm 1961, 1965 và 1967.

Thể thao Việt Nam kỳ vọng gì ở ASIAD 19 sắp tới?

MONG BÓNG BÀN SỚM TRỞ LẠI THỜI VÀNG SON

Ông Lê Văn Tiết bắt đầu chơi bóng bàn năm 8 tuổi và nhanh chóng tạo ra tên tuổi ở đấu trường thế giới. Sau khi giã từ sự nghiệp, ông vẫn không thể rời xa được môn bóng bàn khi lần lượt huấn luyện đội Tân Bình rồi đội Công an TP.HCM. Các học trò của ông đã đoạt giải cao ở trong nước như tuyển thủ Lý Minh Triết, Lý Minh Tân, Lê Ngọc Phương Lan… Khoảng thời gian sau đó, ông Lê Văn Tiết vẫn cặm cụi đến các CLB để truyền đạt những gì mình có được, nhằm giúp bóng bàn VN lấy lại tên tuổi sau thời gian tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Ông Lê Văn Tiết tâm sự: "Bây giờ, các em có điều kiện tập luyện và thi đấu tốt hơn thời chúng tôi rất nhiều. Nhưng sau những ngày vang bóng, bóng bàn VN đã đứng lại quá lâu. Giành lại những thành tích đó là rất khó, nhưng không lẽ lại chịu bó tay. Tôi chỉ mong sao lãnh đạo của ngành thể thao có sự quan tâm, đầu tư tốt và có những HLV tâm huyết để bóng bàn nước ta có thể trở lại thời kỳ vàng son. Điều quan trọng là các em nên tự tin và phải có những "vũ khí" khác biệt để có thể gây bất ngờ cho các đối thủ". 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.