Gặp giá trị Việt ở Ucraina: "Thuyền trưởng"

26/10/2007 08:55 GMT+7

Những ông chủ của Technocom hôm nay không ai nghĩ mình sẽ được nhiều người coi là "thuyền trưởng". Suốt 14 năm qua, họ đã lăn lộn và vượt qua quá nhiều gian khó như một "huyền thoại" khi "dạt" từ Mátxcơva đến Kharcov".

Câu hỏi cần được trả lời

Là nhà báo, tôi luôn đặt ra những câu hỏi và đi tìm câu trả lời trước những sự kiện, vấn đề. Toà nhà tháp đôi Vincom sừng sững giữa trung tâm Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 600 tỉ đồng và rồi những hoạt động kinh doanh sôi động với khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại Vinpearl ở Nha Trang nổi tiếng cả nước... đã và đang được nhiều người nhắc đến như một hiện tượng mới trong kinh doanh của Việt kiều.

Nghe dư luận về Tập đoàn Technocom của Việt kiều ở Ucraina là chủ của những công trình này, nhưng không hiểu họ là ai, độ tin cậy ra sao, tiền của họ có "sạch" không? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Người đại diện của Technocom ở Việt Nam mà tôi tiếp xúc là ông Lê Khắc Hiệp (Chủ tịch HĐQT Vincom) - một người được đào tạo đến nơi đến chốn, thừa nhẫn nại nhưng cũng không thiếu sự quyết liệt, dám vượt rào nếu rào đó ngăn cản sự phát triển, sẵn sàng tranh luận tay đôi, mong muốn thể hiện một sự minh bạch trong nhiều việc! Thế nhưng vẫn chưa đủ.

Và chuyến đi Ucraina vừa qua của tôi là những bước tiếp theo của việc tiếp cận một sự thật, dù chưa phải đã là toàn diện.

Sau khoảng 10 giờ bay từ Hà Nội đến Mátxcơva, theo lịch trình, Tập đoàn Technocom thuê một chuyên cơ của Ucraina đón chúng tôi bay thẳng về Kharcov vì ở đó không có tuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, do những trục trặc mang tính quan hệ quốc tế mà chúng tôi phải chờ máy bay về Kharcov (thuộc Ucraina) tại sân bay Domodedovo hơn 20 tiếng đồng hồ. Nhưng cuối cùng, mọi chuyện cũng suôn sẻ nhờ mối quan hệ của những lãnh đạo người Việt ở Technocom.

Chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Kharcov. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước việc toàn bộ lãnh đạo Technocom ra tận chân cầu thang máy bay đón chúng tôi với sự nể trọng và thân thiện của nhân viên an ninh sân bay người Ucraina. Và càng ngạc nhiên nữa là khi việc làm thủ tục nhập cảnh vào Kharcov của chúng tôi lại chóng vánh đến như vậy. Lý do rất giản dị: Chúng tôi là khách của Technocom, khách của Hội Người Việt ở Kharcov!


Technocom xây chùa Việt đáp ứng tự do tín ngưỡng của bà con

Ai là "thuyền trưởng" ?

Trong buổi tiệc mừng sinh nhật Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Technocom - tròn... 39 tuổi, trên chiếc bàn trung tâm có mô hình một chiếc thuyền gỗ nhỏ với 3 cánh buồm căng gió. Chiếc thuyền đang trong tư thế lao về phía trước. Trên thân chiếc thuyền gỗ đó có dòng chữ "Chúc mừng sinh nhật thuyền trưởng". Một lời chúc giản dị, nhưng dưới tầng sâu ngôn ngữ đó là cả một triết lý của những người Việt đã lăn lộn, phải đối mặt với những thử thách vượt trên cả sự tưởng tượng qua 14 năm qua ở tập đoàn này.

Người Việt làm việc trong tập đoàn đã coi Phạm Nhật Vượng là "thuyền trưởng" của mình. Một con thuyền ra giữa đại dương sóng to gió lớn, nếu không có sự chỉ huy của người thuyền trưởng tài giỏi, có bản lĩnh thì con tàu sẽ gặp nguy hiểm. Tôi chia sẻ với Vượng điều này, anh bảo: "Mọi người quý mến tôi nên chúc vậy thôi"...

Những ông chủ của Technocom hôm nay không ai nghĩ mình sẽ được nhiều người coi là "thuyền trưởng". Suốt 14 năm qua, họ đã lăn lộn và vượt qua quá nhiều gian khó như một "huyền thoại" khi "dạt" từ Mátxcơva đến Kharcov. Khi còn thuộc Liên bang Xôviết, Ucraina được "phân quyền" làm công nghiệp nặng và sản xuất vũ khí.

Khi Liên Xô tan rã, mất thị trường, cơ chế quan liêu bao cấp trì trệ đã làm cho Ucraina rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc y như thời chiến tranh. Nhà máy đóng cửa, để hoang, công nhân không việc làm, không thu nhập. Phạm Nhật Vượng (quê gốc Hà Tĩnh), Phạm Khắc Tuấn và Nguyễn Thuỷ Hà, Lê Viết Lam... vốn là những học sinh của các trường THPT nổi tiếng trong nước sang học đại học ở Nga vào năm 1988 - 1989.

Khi tốt nghiệp đại học cũng là lúc họ phải đối mặt với một tương lai màu xám nơi xứ người. Cả nhóm bạn cũng đã chui lủi buôn bán ở các chợ người Việt tại Nga, nhưng không trụ nổi. Sinh viên chân yếu tay mềm, thiếu thực tế nên không chịu nổi cảnh chụp giật, thậm chí loại nhau bằng súng đạn để tồn tại ở nơi đang là đỉnh cao bỗng trở thành hỗn mang.

Có những lúc các bạn đã phải đối diện với nguy hiểm đến tính mạng tưởng không thể nào thoát được. Thế là một cuộc "phiêu lưu" được thực hiện với cả nhóm vốn có đầu óc kinh doanh lành mạnh mà thiếu chất xã hội đen.

Nói một cách hình ảnh, họ tiến về miền đất mới Kharcov như những dân cư Châu u vượt biển sang Mỹ cách đây hai trăm năm. Nói to tát hơn là chỉ có những con người có đầu óc và sáng tạo đến mức liều lĩnh cùng lòng kiên trì mới có thể trụ lại và dựng sự nghiệp trên mảnh đất hoang sơ.

Ban đầu Vượng và bạn bè dùng chút tiền tích cóp được trong những ngày chạy chợ ở Nga và vay của các bậc đàn anh để đầu tư buôn bán ở Kharcov kiếm mấy đồng còm, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Lúc đó Ucraina thiếu ăn trầm trọng.

Vậy là, các anh tìm ra đường đi mới, đó là phục vụ nhu cầu ăn... no của dân sở tại bằng cách làm mì ăn liền. Nhà máy Mivina (mì Việt Nam) ra đời. Những gói mì ăn liền rẻ tiền theo công nghệ Việt Nam đã giúp nhiều người dân Ucraina vượt qua những tháng năm đói kém. Tiền lãi thu được, các bạn mua đất mà trên đó là các nhà máy công nghiệp nặng đang bỏ hoang, gỉ sét...

Từ chỗ chỉ có một nhà máy mì, họ tiến đến đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất thức ăn nhanh khép kín từ sản suất gia vị, hương vị, bao bì đóng gói... với công nghệ hiện đại, sử dụng cả mấy ngàn công nhân người Ucraina.

Giữa những khu nhà máy công nghiệp nặng hoang tàn mọc lên những khu nhà xưởng, văn phòng hiện đại đầy sức sống... Technocom không chỉ bán sản phẩm ở thị trường Ucraina mà còn mở ra ở 15 quốc gia khác. Sau 13 năm gây dựng thương hiệu, năm 2006, tạp chí Gvardia uy tín hàng đầu của Ucraina đã bình chọn giá trị thương hiệu Mivina vào khoảng... 1 tỉ USD!

Khi Technocom đã tương đối vững, họ đã cùng những người Việt sinh sống và làm ăn ở Kharcov liên kết lại với nhau thông qua tổ chức Hội Những người Việt, Hội Doanh nghiệp người Việt tại Kharcov và toàn Ucraina. Với Technocom là nòng cốt, những người Việt tại Kharcov làm chủ và xây thêm nhiều khu trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, thể thao, du lịch, kinh doanh bất động sản, các toà nhà hiện đại... từ vài triệu đến vài chục triệu USD: Trung tâm thương mại Barabasova lớn nhất Ucraina (60ha); Trung tâm thương mại Aver City rộng 81.000m2; siêu thị Sun City Plaza 1; siêu thị và văn phòng cho thuê Sun City Plaza 2 rộng 20.000m2; nhà hàng Thăng Long; khu làng Thời đại...

Vị trí của Technocom và những doanh nghiệp người Việt ở Kharcov "đẹp dần lên trong mắt" người dân bản địa và chính quyền Ucraina. Vậy nên chính quyền dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp người Việt phát triển.

Đi trước và thường vượt lên trước nên Technocom được các doanh nghiệp của người Việt tại Ucraina coi là cánh chim đầu đàn. Nhiều người Việt có vốn đều làm chủ một doanh nghiệp, nhưng họ góp vốn vào Technocom để cùng kinh doanh với niềm tin tưởng vào nhau. Phạm Nhật Vượng - người đứng đầu Technocom - được mọi người tin cậy bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam toàn Ucraina.

Ở nơi đất khách, để làm được như những người Technocom thật chẳng dễ dàng gì. Cuộc sống hiện đại có những nguyên tắc mới của nó không giống những gì chúng ta đã thấy, mà nó thiên biến. Thời cơ xẹt qua như ánh chớp, chẳng chờ bất cứ ai. Đối với Phạm Nhật Vượng và bạn bè của anh, dường như trí thông minh và phiêu lưu là chưa đủ, mà tôi nghĩ rằng còn có cả những yếu tố may mắn. Cãi lại điều này chắc không dễ.


Gần 4.000 công nhân người Ucraina làm việc trong các nhà máy của Technocom

Theo Tô Phán - Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.