Chiến hạm nổi giữa biển Đông
Lý Sơn không chỉ được biết đến như một “vương quốc” của loại đặc sản nổi tiếng là tỏi, mà hòn đảo ấy đang trầm tích trong lòng nó những điều kỳ diệu về lịch sử và văn hóa của một vùng đất khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi kiêu hùng. Tất cả những gì mà các nhà nghiên cứu phát hiện trên đảo Lý Sơn hôm nay là minh chứng sống động về quá trình mở cõi, chinh phục biển Đông của cha ông ta cách đây 4 thế kỷ. Những ai lần đầu đặt chân lên hòn đảo này đúng vào dịp diễn ra Lễ Khao lề thế lính (16 tháng 3 âm lịch hằng năm) sẽ được gặp một Hoàng Sa bàng bạc trên mỗi lá cây ngọn cỏ, trong mỗi câu hát, điệu hò của người dân nơi đây.
Đối với mỗi người dân Lý Sơn, Hoàng Sa chưa bao giờ lặng gió trong lòng họ. Ngọn lửa yêu nước, yêu Hoàng Sa đã được Đội hùng binh thắp sáng từ hơn 300 năm trước vẫn được con cháu trên “chiến hạm nổi” ấy duy trì cho đến hôm nay.
|
Từ Cù lao Ré…
|
Đi từ cảng Sa Kỳ bằng tàu cao tốc mất khoảng một tiếng là có thể đặt chân lên đảo Lý Sơn. Một hành khách cùng đi nói với chúng tôi rằng, loại tàu khách này mới đưa vào sử dụng được 4-5 năm nay thôi, ngày trước mà đi Lý Sơn chỉ có “tàu chợ”, phải mất 3 giờ mới tới, khách nằm lẫn với đủ các loại thực phẩm mắm muối dầu đèn, có cả âm thanh từ những chú heo, chị gà, anh vịt xấu số ra đảo để hiến tế nữa. Mất có 3 tiếng mà ai cũng rên, chả bù với ông bà mình ngày xưa đi bằng thuyền nan mỏng manh, giương buồm lên đợi gió, ấy thế mà đảo Lý Sơn chẳng lúc nào vắng bóng người. Thế mới biết, khát vọng chinh phục biển Đông luôn là nỗi canh cánh trong lòng người xưa.
Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi), thành viên của nhóm khảo cổ tham gia khai quật di chỉ Suối Chình ở Lý Sơn, cho biết những hiện vật thu được từ đợt khảo cổ cách nay hơn 10 năm đã gửi cho hậu thế nhiều thông điệp thú vị từ ngàn xưa, rằng từng có một thời, Lý Sơn là nơi giao thương giữa các chủ nhân của nhiều nền văn hóa, có cả Đông Sơn xen với Sa Huỳnh; có Champa lẫn với một số nền văn minh ở Đông Nam Á. Các lớp gốm cổ từ những nền văn hóa ấy được xếp chồng lên nhau qua các hố đào thám sát, chứng tỏ chủ nhân của Lý Sơn đã có mặt từ rất sớm và định cư qua rất nhiều thế hệ tại đây.
Cái tên Cù lao Ré có lẽ xuất hiện cùng lúc với con người có mặt trên hòn đảo này. Hòn đảo có nhiều cây ré, đặt “chết” tên luôn, thế thôi. Có người hỏi: Sao không gọi Cù lao Tỏi, hay đảo Tỏi mà là Cù lao Ré? Đơn giản là vì cây tỏi, cây hành, dù được xem là “thương hiệu” của Lý Sơn hiện nay nhưng chúng có mặt sau cây ré mọc hoang. Loài cây vô dụng này đã dần dần nhường chỗ cho nhiều loại cây trồng hữu dụng khác nên bây giờ, cây ré rất khó tìm ở Lý Sơn nhưng cái tên Cù lao Ré thì vẫn “sống” trong lòng mỗi người dân đất đảo.
|
…đến đảo Lý Sơn
Truyền thuyết của người Cor ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) kể rằng, sau cơn rùng mình của tạo hóa từ thuở hồng hoang, một dãy núi từ huyện vùng cao này đã văng ra và trôi dạt trên biển, tạo nên đảo Lý Sơn bây giờ. Thực ra thì đảo Lý Sơn được hình thành từ 5 miệng núi lửa: hòn Thới Lới, hòn Vung, hòn Giếng Tiền, hòn Tai và hòn Sỏi. Có lẽ đây là đảo duy nhất ở Việt Nam vẫn còn nguyên 5 miệng núi lửa khổng lồ. Trong lịch sử tồn tại của mình, Lý Sơn chưa thấy ai lý giải vì sao lại mang tên như thế? Sơn thì là núi, dĩ nhiên rồi, vậy Lý có nghĩa gì? Chịu! Chỉ biết rằng, 5 ngọn núi lửa ấy đã “rùng mình” từ hàng triệu năm trước để làm nên một Lý Sơn xinh đẹp hôm nay. Riêng đảo Bé, một trong hai đảo của Lý Sơn, thì có lẽ được “tách ra” và trôi dạt từ đảo Lớn. Bằng chứng dễ nhận ra nhất là ở đảo Bé không có miệng núi lửa nào, không có nước ngầm, hình như chúng bị “rỗng ruột” thì phải. Mưa được hạt nào xuống đảo là trôi tuột luôn ra biển. Vì vậy, người dân đảo Bé sống hoàn toàn dựa vào nước trời. Mấy trăm năm khai phá đảo Bé nhưng chỉ có 100 nhà còn trụ lại với đảo là vì thế.
Gần 20 năm trước, đảo Lý Sơn là hai xã của huyện Bình Sơn nên tên đầu của hai xã này đều là “Bình”: Bình Vĩnh, Bình Yến - hai cái tên lạ hoắc với gốc gác của Đội hùng binh Hoàng Sa! Cho đến khi Lý Sơn được tách riêng ra thành một huyện độc lập vào năm 1993, hai xã của đảo mang lại tên mà ông bà xưa đã ra đảo khai khẩn đặt tên cho làng: An Vĩnh, An Hải, thêm một xã của đảo Bé mang tên An Bình. An Vĩnh, An Hải là tên của hai làng thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). 13 tộc họ đầu tiên ra khai khẩn Lý Sơn, phần lớn là dân Tịnh Kỳ. Có lẽ để nhắc con cháu sau này luôn nhớ về gốc gác của mình, các bậc tiền bối khai sơn phá thạch Lý Sơn đã mượn tên làng cũ để đặt tên cho làng mới.
Tên làng tên xã có thể thay đổi theo từng giai đoạn nhưng lịch sử khai phá đảo Lý Sơn thì vẫn vẹn nguyên. Chưa dừng lại ở hòn đảo này, những cư dân đầu tiên vùng Sa Kỳ có mặt ở Lý Sơn cũng đã mạnh dạn giong buồm thêm 2 ngày 2 đêm nữa để được đặt dấu chân mình lên một vùng đất khắc nghiệt hơn: Bãi cát vàng có tên là Hoàng Sa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có đề cập đến việc chinh phục Hoàng Sa của người dân vùng Sa Kỳ - Lý Sơn vào thời “đầu bản triều”, tức là từ khi Chúa Nguyễn Hoàng trấn nhậm phương Nam vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Như vậy là, khi cha ông ta chinh phục Hoàng Sa thì Lý Sơn trở thành “chiến hạm nổi”, đóng vai trò là “trạm trung chuyển” trong hành trình xuyên đại dương, vừa là nơi “tiếp sức” lương thảo để ra khơi vừa là nơi cung cấp “nhân sự” gồm những con người can trường và đầy kinh nghiệm biển cả để có thể đương đầu với những bất trắc trong những cuộc hải hành dài ngày trên biển. (còn tiếp)
Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ
Bình luận (0)