Gặp người được Bác Hồ đặt tên

31/08/2007 21:55 GMT+7

Trong số 4 người được Bác Hồ đặt tên (Cần, Kiệm, Liêm, Chính) năm xưa nay chỉ còn ông Kiệm, hiện đang sống ở một vùng quê bên bờ sông Lam (tỉnh Hà Tĩnh). Bên ấm trà xanh dưới mái nhà đơn sơ, những câu chuyện ngày xưa tràn về... Ông Kiệm tên thật là Lê Sinh, năm nay đã gần 90 tuổi (sinh năm 1920), sức khỏe giảm sút rất nhiều nhưng tinh thần thì còn khá minh mẫn.

Nhiều người ở nơi ông sống (xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) không tin rằng, ngay tại làng quê mình lại có người vinh dự được Bác đặt tên. Ông Kiệm, theo lời kể của người dân địa phương, là một người giản dị, nhân hậu, hòa đồng cùng làng xóm và thường được gọi là ông Nhã.

Giống như cái tên của mình, ông Kiệm rất "kiệm" lời. Nhưng những câu chuyện chúng tôi gợi lại như kéo cả một thời hạnh phúc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trở về. Ông kể: "Chuyện tôi được Bác đặt tên hồi ở ATK (An toàn khu) năm xưa chắc chẳng còn mấy ai biết. Tôi là người may mắn đặc biệt... Chúng tôi là những người được chọn đợt cuối vào làm việc và bảo vệ Bác ở vòng trong cùng ATK. Trước đó còn nhiều anh em nữa, không biết bây giờ ai còn ai mất?".

Vốn là một công nhân làm nghề mộc nhưng sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, năm 1948 ông Lê Sinh được kết nạp Đảng. Tới năm 1949, khi tham gia xây dựng căn cứ địa ở Việt Bắc, ông được lựa chọn đi làm nhiệm vụ đặc biệt: bảo vệ Bác Hồ. Ông Lê Sinh hồi tưởng: "Lúc đó, tôi không tin nổi là mình lại được gặp Bác ngay giữa vùng núi rừng trùng điệp của Tây Bắc xa xôi. Lần đầu tiên gặp Bác tôi mừng phát khóc và rất hồi hộp. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng qua đi vì Bác hỏi thăm từng người rất ân cần và gần gũi. Vì thế, chúng tôi ai cũng mạnh dạn trả lời những câu hỏi của Bác. Và điều làm tôi sung sướng cho tận hôm nay chính là việc được Người đặt tên mới cho phù hợp với nhiệm vụ lúc đó". Ông nhớ lại: "Hôm đó, trong số 4 người mới chúng tôi, chỉ có 3 người vào gặp Bác. Còn một anh nữa bị ốm, không vào được. Sau khi phân tích cho chúng tôi biết về phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, những yêu cầu trong hoạt động cách mạng cũng như tính bí mật, Bác đã đặt tên mới cho 4 chúng tôi là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Từ ngày đó, tôi có tên là Kiệm".  

"Cần, Kiệm, Liêm, Chính" là những đức tính được xem như khẩu hiệu sống, là lời dạy được truyền thụ cho bao thế hệ nối tiếp con đường cách mạng mà Bác Hồ đã dày công vun đắp. Còn đối với những người như ông Lê Sinh, đó là một niềm vinh hạnh lớn và nói theo cách của ông là: phải đặc biệt may mắn mới có được niềm hạnh phúc đó. "Suốt thời gian gắn với cái tên Bác Hồ đặt, ông có thấy điều gì ứng với cuộc đời mình không?", chúng tôi hỏi. "Có chứ. Không biết lúc đó Bác có chọn người để trao tên không nhưng quả thực nếu tôi mà không phát huy đức tính kiệm của mình thì không biết cuộc đời sẽ đi về đâu. Các anh cứ hỏi bà nhà tôi thì rõ", ông Lê Sinh xúc động. 

Cuộc đời của ông, theo lời kể của cụ bà, trầy trật lắm. Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng giao, hòa bình ông trở về quê, bươn chải rất nhiều công việc khác nhau để lo cho cuộc sống gia đình. Có những lúc hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đã có người muốn lôi kéo ông vào những phi vụ buôn bán bất hợp pháp, và đã có lúc ông định gật đầu. Nhưng rồi, đêm nằm nhớ lời Bác dạy, ông lại tỉnh ra. "May mà những lúc đó tôi đã cứng rắn vượt qua cám dỗ. Nếu không giờ chẳng dám nhận mình là người được Bác Hồ đặt tên", ông Lê Sinh bảo vậy. Tự hào và trải nghiệm suốt một đời từ phục vụ cách mạng cho đến về quê xây dựng gia đình, ông thấy lời Bác dạy thật đơn giản - chỉ có một từ Kiệm - ai cũng có thể nhớ và rất thực tế. Ông Lê Sinh bộc bạch: "Sau ngần ấy năm, tôi thấy chỉ làm theo một đức tính của Bác sao mà khó. Nhưng thực hiện được đến đâu nó hữu ích đến đó. Tôi vẫn thường nói điều này với cháu con mình".   


Ông Lê Sinh và vợ

Dù thời gian được làm việc bên cạnh Bác chỉ khoảng 3 năm (1949 - 1952) nhưng trong tâm khảm của "chú Kiệm", quãng thời gian đó thực sự thiêng liêng. Và những câu chuyện rất đời thường của Bác Hồ mà "chú Kiệm" được chứng kiến đã trở thành những lời dạy cho con cháu. Có điều, câu chuyện đáng tự hào đó dường như chỉ có vợ và con cháu "chú Kiệm" biết, bởi "có kể thì chắc gì người ta đã tin, không khéo, lại mắc tội ngộ nhận nữa thì nguy". Hiện ông Sinh chỉ có tấm giấy chứng nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhất do Hội đồng Chính phủ cấp năm 1961, ngoài ra không còn giấy tờ gì để chứng minh việc ông được Bác Hồ đặt tên năm xưa.         

Để kiểm chứng những thông tin ông Sinh kể về việc ông được Bác Hồ đặt tên, trong quá trình đi xác minh thông tin, chúng tôi được Văn phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu đến gặp ông Tạ Quang Chiến - cũng là một trong những người được Bác đặt tên đợt đầu ở ATK (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến). Ông Tạ Quang Chiến tên thật là Nguyễn Hữu Văn. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở Hà Nội, ông Chiến xác nhận ông Lê Sinh chính là "chú Kiệm" do Bác đặt tên. Ông còn cho chúng tôi xem bức ảnh chụp có mặt ông Kiệm tại ATK mà ông còn giữ đựơc. Và cũng theo ông Chiến, những thông tin mà ông Sinh kể với chúng tôi là có thật. "Tôi cũng mong sao có điều kiện để gặp lại ông ấy một lần. Vì trong số các anh em được làm việc bên cạnh Người ở ATK giờ chỉ còn tôi và ông ấy", ông Chiến bảo vậy.

Huyền Anh -  Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.