Ngày 23.10.1991, tôi và anh Vũ Xuân Hồng, lúc đó là Bí thư T.Ư Đoàn phụ trách đối ngoại được cử sang Campuchia dự đại hội cuối cùng của Đoàn thanh niên Campuchia và Đoàn sẽ chuyển sang mang tên mới là Hội Thanh niên Campuchia để phù hợp với việc Phái bộ chuyển tiếp của LHQ tại Campuchia (UNTAC) quản lý tạm thời trong thời gian chờ Campuchia bầu cử một chính phủ đa đảng.
Khi tiếp chúng tôi, ông Chea Sim, Chủ tịch đảng Nhân dân kiêm Chủ tịch quốc hội Campuchia đã tuyên bố: UNTAC cũng phải tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Campuchia. Tôi viết ngay tin để phát ra nước ngoài có lời tuyên bố đầu tiên của một lãnh đạo hàng đầu Campuchia trong tình hình chuyển tiếp tối quan trọng đó. Tôi và anh Nguyễn Đăng An, thường trú TTXVN tại đây đưa tin này cho TTXVN phát. Sau đó đài Úc, đài tiếng nói Hoa Kỳ và các hãng tin quốc tế đều đưa lại bản tin này.
Thời điểm đó, ông Hun Sen đang có mặt ở Paris để hội đàm và đón quốc vương Sihanouk về nước. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, Campuchia và quần chúng đều đón nhận sự mới mẻ này của cuộc chuyển tiếp chính trị từ Campuchia. Anh Men Kuon, lúc đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Thanh niên Campuchia và sau đó là Chủ tịch Hội Thanh niên Campuchia nói chuyện với chúng tôi trong tâm trạng lo lắng, vì nghĩ rằng đảng Nhân dân của anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn mới đầy biến động như vậy. Tôi nhớ tại đại hội lúc đó, có mặt ông Heng Samrin, bà Thoongvin vợ cố Tổng bí thư Kaysone Phomvihane với tư cách Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lào. Khi đó, bà Thoongvin cũng trao đổi với tôi nhiều điều thú vị dưới mắt nhìn của bà về Việt Nam và Campuchia. Tất nhiên là cả mặt trái lẫn mặt phải của vấn đề.
Tôi viết dông dài về kỷ niệm cũ như vậy, để nói một chuyện mới. Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia chúng tôi sang làm việc với phía Campuchia từ ngày 20.11.2011 vừa rồi được các ông bà Men Sam An - Phó thủ tướng, ông Say Chhum - Phó chủ tịch quốc hội, đại tướng Sao Sokha - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Campuchia tiếp để bàn về bóng đá trẻ hai nước. Và tại đây, chúng tôi lại được gặp ông Thủ tướng Hun Sen, người đã làm đồng thủ tướng và thủ tướng duy nhất của Campuchia trong suốt 20 năm qua. Trong tình hình đa đảng của Campuchia, với vai trò của hoàng gia, của đảng Sam Rainsy như vậy mà ông vẫn trụ vững, thật là một điều đáng kinh ngạc. Tất nhiên đi sâu vào nội tình chính trị Campuchia ta sẽ còn phân tích nhiều khía cạnh khác, cả thể chế lẫn con người. Vấn đề này, tôi sẽ viết ở một dịp khác, khi có điều kiện.
Các nước nhỏ, nghèo, không nên để tâm lý “nước nhỏ” vào trong giới trẻ
|
|
Thủ tướng Hun Sen |
Song, qua hơn một tiếng đồng hồ ông Hun Sen dành tiếp chúng tôi, tôi không quan sát theo kiểu tiếp xã giao thường thấy của một quan chức lãnh đạo cấp cao với khách nước ngoài. Tôi quan sát với tư cách là một nhà báo với một chính khách được trưởng thành vào những thập niên 1980 - 1990, sau khi lật đổ Pol Pot và tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ như trường hợp ông Hun Sen mà tôi biết rất rõ từ năm 1979. Khi ấy, đã nhiều lần tôi đi cùng các lãnh đạo Campuchia, với tư cách là một nhà báo. Tôi biết từ ông Pen Sovan, Keo Chanda, Heng Samrin, Chea Sim, Hun Sen. Biết, quan sát, nhưng không phải là thân thiện và có mối giao hảo đặc biệt như nhiều người khác đến từ Việt Nam làm chuyên gia cho họ.
Tôi xin nói lại trọng tâm của bài viết: Thủ tướng Hun Sen. Ông Vũ Mão gặp lại ông với tư cách mới là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia; nhưng trước đây ông Vũ Mão làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn của Việt Nam gặp lại người đồng sự là ông Hun Sen, lúc đó kiêm luôn Chủ tịch Hội Thanh niên Campuchia. Tôi nghe ông Mão nói là hai ông đã gặp nhau cách đây 33 năm. Ông Hun Sen xác nhận thời điểm ban đầu đó.
|
Ông Mão khen ông Hun Sen rằng, lâu lắm mới được gặp lại, nhưng hôm nay gặp với tư cách mới, ông Hun Sen là Thủ tướng của nước Campuchia. Ông Mão khen tặng Hun Sen là ngôi sao không chỉ của Campuchia mà là của cả châu Á. Lời khen đó, hẳn có ý ngoại giao, mà cũng có ý nghĩa thật của nó. Tôi quan sát kỹ, thấy ông Hun Sen ăn nói nhỏ nhẹ nhưng hào hứng. Không ồn ào ca ngợi thành tích của Campuchia, mặc dù khách là ông Mão nói rất nhiều về việc này.
Hun Sen nói, mấy khía cạnh rất con người thế này: ông chào chúng tôi, ông cho rằng ông rất cảm ơn Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia gồm những con người nổi tiếng và rất nhiều người đã từng gắn bó với Campuchia, giúp đỡ Campuchia lúc hoạn nạn (trong đoàn có cả cựu Đại sứ Việt Nam, có cả chuyên gia tướng lãnh và cán bộ dân sự cao cấp từng ở Campuchia, có cả hòa thượng Thích Thiện Tâm). Ông khẳng định rằng ngày 7.1.1979 là ngày hồi sinh của dân tộc ông, Việt Nam đã giúp đất nước ông ra khỏi họa diệt chủng. Và không ai ngăn cản được ông và những người cầm quyền ở Campuchia hiện nay chọn ngày 7.1 là một trong những ngày lễ lớn của Campuchia.
Ông cảm ơn ông Mão đã khen tặng ông và cho ông là vì sao sáng, rồi ông nói tiếp: nhưng bây giờ những ngôi sao như thế này bắt đầu xuống, do đó phải tạo ra một lớp ngôi sao mới để điều hành đất nước. Chúng ta biết, năm nay ông Hun Sen mới bắt đầu đúng 60 tuổi, ông sinh năm 1952.
Ông ví von về bóng đá và SEA Games 26 đang diễn ra ở Indonesia: cứ mỗi lần Campuchia hoặc một nước nhỏ nào đó thua trên sân bóng đá thì cứ bảo là vì nước ta nhỏ và nghèo nên thua, thế thì nước như Ấn Độ lớn và đông dân như thế có bao giờ lọt vào chung kết World Cup đâu. Trung Quốc cũng khó khăn lắm, họ có hơn 1 tỉ dân mà hình như chỉ có một lần chạm chân vào đó. Tại sao Hàn Quốc nhỏ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nghèo lại vào được World Cup. Cho nên các nước nhỏ, nghèo, không nên để tâm lý “nước nhỏ” vào trong giới trẻ.
Ông nói thêm chuyện vui: Campuchia được xếp gần khoảng 50 huy chương, thì trong đó có 4 huy chương vàng và 7 huy chương bạc về vovinam. Ý ông nói sự giúp nhau giữa các hội, giữa các người dân hai nước nhiều khi lại có hiệu quả hơn, cao hơn ở những quy mô ngoại giao lớn khác. Ông cho rằng, ngoại giao chính thức có khi cãi nhau, bất đồng chí chóe, trong khi ngoại giao nhân dân, cái bắt tay “dưới gầm bàn” lại chia sẻ được nhiều hơn. Trước khi chia tay, tôi nói, trước đây tôi làm Tổng biên tập Báo Thanh Niên, anh em ở Báo Thanh Niên cũng muốn có dịp phỏng vấn ông một bài thật hấp dẫn về vai trò của ông đối với Campuchia trong những thập niên vừa qua. Ông tỏ vẻ gật gù, đồng thuận về ý đó.
Nhắc lại sự giúp đỡ nhau, trong các lĩnh vực văn hóa và thể thao như thành tích vovinam tại SEA Games của Campuchia, ông cho rằng tôi nên bàn với đại tướng Sao Sokha về việc hợp tác giúp đỡ nhau trong bóng đá cũng như môn bóng chuyền để hai nước trở thành nước mạnh về những bộ môn này. Nhất là phải đào tạo từ lớp trẻ.
Hôm tiếp chúng tôi, trong những đáp từ rất ít dính đến chuyện chính trị. Chỉ có khi ông nhắc đến ngày 7.1 và ông cho biết ông thấy “buồn cười” khi xem trên ti vi ông Nuon Chea (Chủ tịch quốc hội của Khmer Đỏ) đổ tội cho Việt Nam trong thời gian Khmer Đỏ cầm quyền đã giết hại hàng triệu người Campuchia.
***
Trở lại việc ông cầm quyền và làm Thủ tướng Campuchia từ 1985 đến nay đã gần 30 năm. Lúc đầu, ông và đảng Nhân dân của ông phải chấp nhận làm đồng thủ tướng với hoàng thân Norodom Ranariddh, sau đó đảng Nhân dân của ông nắm toàn bộ quyền lực, kể cả trong quốc hội, và ông trở thành thủ tướng duy nhất trong một nước Campuchia đa đảng, có rất nhiều đảng nhỏ và các đối thủ đáng gờm bao gồm phái Sam Rainsy và đảng của ông Ranariddh. Hun Sen nói với Harish và Julie Mehta, người đã viết một cuốn sách về ông với tựa đề: Hun Sen, người con của Campuchia, rằng: Tôi muốn xây dựng nền kinh tế của chúng tôi giống như các nhân vật xuất chúng khác ở Đông Nam Á đã làm.
Cho đến nay, Campuchia vẫn là một nước ổn định chính trị trong vùng. Nhìn về đường lối phát triển của họ, như ông Sok Chenda Sophea - bộ trưởng biệt phái của ông Hun Sen, Tổng thư ký Hội đồng phát triển CPC nói chính sách về đầu tư của Campuchia và cho rằng ở đây là dễ dàng và tự do nhất, kể cả cho phép đầu tư trong lĩnh vực truyền thông.
Tôi tin rằng, với dòng chảy như vậy, nước Campuchia của ông Hun Sen sẽ thực hiện được ý muốn là biến Campuchia trở thành một con hổ kinh tế châu Á. Điều đó, theo tôi là rất triển vọng, nhưng những cơ hội để phát triển sẽ tùy thuộc rất nhiều vào lòng tin của người dân Campuchia với người lãnh đạo và đường lối của chính phủ đối với họ trong tương lai. Sự ổn định, nền dân chủ và quyền tự do về kinh tế với việc ngăn chặn nạn tham nhũng có hiệu quả luôn đi cùng với nhau, ở bất cứ quốc gia nào muốn đi đến thịnh vượng và phát triển bền vững.
Trong trường hợp này, tôi hy vọng vào ông Hun Sen.
Nguyễn Công Khế
Bình luận (0)