Gây dựng thương hiệu 'đặc sản' lợn trà xanh

22/05/2024 08:20 GMT+7

Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên thử nghiệm nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn phối trộn bột trà xanh, hướng đến xây dựng thương hiệu thịt lợn trà xanh đặc sản của Thái Nguyên.

"Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu trà xanh Thái Nguyên" là đề tài khoa học của Trường đại học Nông lâm tỉnh Thái Nguyên, được thử nghiệm từ tháng 12.2023, tại 2 hộ chăn nuôi xóm Đức Hoà (xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên). 

Đàn lợn thí nghiệm có 72 con, gồm 36 con giống lợn trắng và 36 con giống lợn đen bản địa. Mỗi đàn chia thành 4 ô chuồng, gồm 1 chuồng nuôi truyền thống đối chứng, 3 chuồng còn lại có sử dụng thức ăn bổ sung bột trà xanh tỷ lệ 1%, 3% và 5%.

TS Nguyễn Tiết Đạt báo cáo kết quả mô hình nuôi lợn bằng bột trà xanh

TS Nguyễn Tiết Đạt báo cáo kết quả mô hình nuôi lợn bằng bột trà xanh

HOÀNG MINH

Nhận nuôi 36 con lợn trắng, bà Nguyễn Thị Liễu cho biết, sau gần 5 tháng, đàn lợn tăng cân đều. Ở chuồng có bổ sung bột trà xanh, lợn có sức đề kháng tốt hơn, gần như không phải sử dụng thuốc thú y, giảm mùi hôi rất nhiều so với chuồng nuôi truyền thống.

Theo TS Nguyễn Tiến Đạt, Khoa Chăn nuôi, Trường đại học Nông lâm tỉnh Thái Nguyên, thời gian đầu thử nghiệm có ý kiến lo ngại trộn bột trà xanh gây kích thích thần kinh khiến lợn mất ngủ, nhưng thực tế lợn "ngủ ngon lành". Ở chuồng nuôi giống lợn đen, nhóm phát hiện ra những sự khác biệt rõ rệt. Giống lợn đen có bụng xệ nhiều mỡ nhưng ở ô chuồng nuôi cho ăn bột trà xanh, lợn có bụng thon gọn hơn, săn chắc hơn.

Theo Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành công trong nuôi lợn bằng bột trà xanh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã công bố, lá chè xanh có nhiều chất dinh dưỡng: polyphenol, polysacarit, saponin, các vitamin và khoáng chất. Trong đó, chất polyphenol có thể làm giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể (mỡ bụng, mỡ lưng, mỡ phủ tạng) và làm giảm độ dày trung bình của mỡ lưng; giảm sự tích lũy cholesterol gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, người tiêu dùng. Bột lá chè xanh góp phần cải thiện màu sắc thịt lợn, ảnh hưởng đến tỷ lệ axit amin thiết yếu trong cơ của con lợn, tỷ lệ tốt nhất có thể đạt đến 40%.

TS Nguyễn Tiến Đạt cho biết thêm, nguyên liệu làm bột trà xanh là lá chè già sau khi rửa sạch đưa vào sấy khô, đem nghiền thành bột rồi ủ với men vi sinh phối trộn thành thức ăn nuôi lợn.

"Mô hình này được nhân rộng sẽ làm gia tăng giá trị cây chè, góp phần xây dựng thương hiệu thịt lợn trà xanh - một đặc sản mới ở Thái Nguyên", TS Đạt nói.

Trực tiếp kiểm tra mô hình và chủ trì hội nghị lấy kiến các nhà khoa học, các sở, ngành trong tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề nghị nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình chăn nuôi lợn bằng bột trà xanh hoàn chỉnh theo hướng chăn nuôi sạch, xử lý chuồng nuôi không có mùi ảnh hưởng môi trường xung quanh, có thể nuôi ngay trong các khu du lịch sinh thái

Nhóm nghiên cứu nên phối hợp với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phối trộn thức ăn có bổ sung bột trà xanh theo tỷ lệ thích hợp, đóng gói bao bì, đăng ký mã vạch sản phẩm để quản lý chất lượng, cung ứng cho các hộ chăn nuôi. 

Ông Trịnh Việt Hùng cũng giao Sở NN-PTNT, Sở KH-CN Thái Nguyên tiếp quản đề tài này để xây dựng thịt lợn trà xanh trở thành sản phẩm thương mại, thương hiệu đặc sản của Thái Nguyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.