Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 13.6, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 7 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 97,3 USD/thùng, giảm 1,99 USD/thùng (giảm 2% so với mức chốt phiên cuối tuần trước).
Mức giá thấp nhất trong phiên này ghi nhận được là 96,13 USD/thùng. Hiện giá dầu thô giao kỳ hạn tại New York cao hơn 32% so với cùng thời điểm năm ngoái.
|
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7 tại London tăng nhẹ 32 cent (tăng 0,3%), chốt phiên ở mức 119,1 USD/thùng. Giá dầu này hiện cao hơn 6,06 USD/thùng so với mức giá trung bình của năm 2010.
Theo phân tích của các chuyên gia, giá dầu thô tại New York giảm mạnh trong phiên đầu tuần này là do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu dầu mỏ của Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 thế giới, đã giảm 4% trong tháng 5 vừa qua, xuống còn 650.000 tấn/ngày, theo số liệu của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) nước này. Cũng theo NDRC, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng nhẹ và cao hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2010.
Tiếp nối Moody’s Investors Service, đến phiên hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu nước Mỹ Standard & Poor’s tuyên bố giảm mức tín nhiệm của Hi Lạp xuống mức CCC. Hai thông tin kể trên đã có tác động mạnh tới giá dầu thô tại New York.
Chênh lệch giá giữa dầu thô Brent tại London và dầu thô WTI tại New York tới hết phiên 13.6 đã tăng lên 21,8 USD/thùng. Sự chênh lệch lớn giữa giá hai loại dầu càng tạo nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với giao dịch dầu thô.
* Trên thị trường chứng khoán thế giới, phiên giao dịch đầu tuần đã ghi nhận sự tăng giảm đan xen của các chỉ số.
Tại Phố Wall (Mỹ), S&P 500 tăng nhẹ 0,07%, chốt phiên ở mức 1.271,83 điểm; Dow Jones Industrial tăng nhẹ 0,01%, chốt phiên ở mức 11.953 điểm.
Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực châu u tăng nhẹ 0,22%; chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,13%, lên thành 5.773,46 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 0,07%, lên thành 3.807,61 điểm; DAX của Đức tăng 0,22%, chốt phiên ở mức 7.085,14 điểm.
Trong khi đó, IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm nhẹ 0,05%; FTSE MIB của Italy giảm 0,18%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,1%; ISEQ của Ireland tăng 0,07%.
Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,5%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,7%, xuống còn 9.448,21 điểm; HSI của Hồng Kông tăng 0,39%, chốt phiên ở mức 22.508,1 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,18% và 0,29%; KOSPI (Hàn Quốc) tăng nhẹ 0,1%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,27%; Straits Times của Singapore giảm 0,63%.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)