Giá điện tối thiểu, bật quạt, xem ti vi cũng không đủ?

06/05/2019 15:16 GMT+7

Theo Bộ Công thương, giá điện phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân nhưng thực tế không phải như vậy.

Giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt hiện đang được chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng từ 0-50 kwh, từ 51-100 kwh, từ 101-200 kwh, từ 201-300 kwh, từ 301-400 kwh và từ 401 kwh trở lên. Thực tế, “tìm đến đỏ mắt” cũng không ra hộ gia đình nghèo nào mỗi tháng đang tiêu thụ điện năng dưới 100 kWh.

Phân 2 bậc 1 và 2 là vô nghĩa

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn An (P.Thuận Lộc, TP.Huế) cho biết, gia đình ông chỉ có 2 ông bà già, không máy lạnh, quạt ban ngày chỉ sử dụng 1 chiếc không thường xuyên, ti vi chỉ xem thời sự, máy giặt 3 ngày mới dùng một lần, xem xong thời sự buổi tối là đi ngủ… nhưng chưa có tháng nào chỉ số điện kế của gia đình dưới 150 kWh. “Nói về tiết kiệm chắc ông bà già tui thuộc diện quá tiết kiệm, nóng quá cũng chưa dám bật quạt vì ở đây thoáng mát, nhờ gió trời là chính, nhưng tháng nào cũng đóng trên 300.000 tiền điện”, ông An cho biết.
Anh Bùi Anh Tuấn thuê căn hộ rộng 43 m2 tại P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM kể cụ thể, gia đình anh chỉ 2 vợ chồng son, chưa con cái, cả hai đi làm từ sáng đến tối mới về. Trong nhà anh có 1 máy lạnh, 1 tủ lạnh, một máy giặt và 1 bếp điện đơn. Điện tháng 3 do có đi du lịch 1 tuần, chỉ tiêu tốn hết 208 kWh, số tiền thanh toán là 393.208 đồng. Trước đó, tháng 2 tiêu thụ hết 262 kWh với số tiền 542.122 đồng. "Hồi còn độc thân, không có cả máy lạnh, tôi vẫn chưa bao giờ có mức sử dụng điện dưới 200 kWh trong 1 tháng. Cách phân bậc 1 và 2 của EVN là vô nghĩa bởi tối thiểu cũng đã từ 150 kWh mỗi tháng rồi. Không biết ngành điện dựa vào đâu chia chẻ nhỏ ra như vậy”, anh Tuấn nhận xét.
Theo khảo sát của chúng tôi, mức tiêu thụ điện năng với các gia đình trung bình phổ biến là bậc 3 và 4. Đây cũng là 2 bậc có tỷ lệ chênh lệch giá cao nhất. Giá điện sinh hoạt từ bậc 3 lên bậc 4 tăng gần 26%. Không chỉ hiếm có hộ sử dụng điện ở 2 bậc thấp nhất, nhiều ý kiến cho rằng, cách tính giá điện theo lũy tiến gây “thiệt đơn thiệt kép” cho người dân.
Anh Trần Tuấn (Đồng Nai) thông tin, đại gia đình của anh gồm 3 gia đình nhỏ, sống chung trong một căn nhà của ba mẹ, chung một hộ khẩu. Mỗi tháng trung bình tiêu thụ hết 600 kWh điện, tương đương mức trả 1.637.000 đồng. Trong khi đó, nếu có điều kiện ở riêng, tách hộ ra thành 3 hộ 3 sổ hộ khẩu khác nhau, mỗi gia đình trung bình 200 kWh chỉ đóng 408.000 đồng. Tổng cộng cả 3 nhà chỉ trả 1.224.000 đồng, thấp hơn mức phải trả khi ở chung là 413.000 đồng/tháng. “Tôi nghĩ EVN nên tính giá điện theo định mức như giá nước, mỗi nhân khẩu được hưởng tối thiểu bao nhiêu kWh điện, vượt định mức mới tính lũy tiến lên. Bởi thực tế do chúng tôi hộ nghèo, không có điều kiện ra riêng, nên đang trả tiền điện theo giá người giàu”, anh Tuấn phân tích.

Hàn Quốc, Lào giảm giá điện khi trời nắng nóng

Chia bậc thu đã không hợp lý, thời điểm tăng giá điện của Việt Nam cũng khác nhiều quốc gia khác. Trong khi ngành điện “chọn” đúng thời điểm nắng nóng gay gắt để tăng giá điện bình quân, tính thêm bậc lũy kế khiến hóa đơn điện trở thành nỗi ám ảnh của người dân, thì tại nhiều quốc gia khác, các biện pháp hỗ trợ giảm giá điện mùa nắng nóng đã được áp dụng.
Theo The Korea Times, trong hai tháng 7 và 8 của mùa nắng nóng năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu công ty điện lực nhà nước phải điều chỉnh giá điện để giảm gánh nặng tiền điện cho các hộ gia đình.
Cụ thể, mùa hè 2018, xứ sở kim chi đã phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ trung bình khoảng 40 độ C, tương tự như đợt nắng nóng kéo dài tại nước ta những ngày qua. Mặc dù vậy, nhiều hộ gia đình thu nhập thấp vẫn phải kiềm chế sử dụng điện vì lo sợ cái gọi là “quả bom hóa đơn tiền điện”. Trước tình hình trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo phải điều chỉnh hệ thống giá điện lũy tiến cho hộ gia đình trong tháng 7 và tháng 8, đồng thời mở rộng phạm vi giảm giá chi phí điện cho các hộ gia đình thu nhập thấp và các cơ sở phúc lợi xã hội.
Ngay sau chỉ đạo của Tổng thống Moon, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cùng Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã thực hiện giảm giá điện lũy tiến cho người dân và họ thực hiện áp dụng hồi tố ngay hóa đơn tiền điện tháng 7, mặc dù khi đó chỉ còn một tuần là công ty điện gửi hóa đơn điện tháng 7 cho người dân.
Theo đó, bình thường Công ty KEPCO áp dụng biểu giá điện lũy tiến ba mức cho điện dân dụng. Đơn giá cho người sử dụng dưới 200 kWh/tháng là 93,3 won/1 kWh (khoảng 1.870 đồng); Giá điện tăng lên 187,9 won/1 kWh (khoảng 3.767 đồng) cho mức sử dụng 201 - 400 kWh và tăng lên 280,6 won/1 kWh (khoảng 5.625 đồng) cho mức sử dụng trên 400 kW. Với biện pháp hỗ trợ tạm thời trong đợt nắng nóng, trần của mức 1 tăng lên 300 kWh và trần của mức 2 tăng lên 500 kWh. Ước tính điều chỉnh này đã tiết kiệm cho người dân khoảng 276,1 tỉ won (245,2 triệu USD), tương đương khoảng 20% tổng chi phí năng lượng cho mùa hè cao điểm.
Tương tự, trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng khắc nghiệt, tại cuộc họp thường kỳ hằng tháng vừa qua, chính phủ Lào đã nhất trí về phương án xem xét lại kết cấu giá đơn vị điện nhằm giảm giá điện. Dự kiến kết cấu giá đơn vị điện mới, cho ra mức giá hợp lý hơn sẽ có hiệu lực tới năm 2025.
Nhiều chuyên gia nhận định nắng nóng cũng được coi là thiên tai như bão tố, lũ lụt. Khi trời nắng nóng, người dân buộc phải sử dụng thêm các thiết bị làm mát. Đây là nhu cầu tối thiểu duy trì cuộc sống chứ không phải lãng phí. Thế nên khi xảy ra thiên tai, Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ người dân giảm tiền điện chứ không phải tính theo bậc tăng lũy kế, khiến tiền điện đội lên gấp đôi, gấp 3 như hiện nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.