Giá điện, xăng cùng tăng: Bỏ bữa sáng, ăn chay... 1.001 cách 'thắt lưng buộc bụng'

Anh Lê
Anh Lê
09/05/2019 12:12 GMT+7

Giá điện, giá xăng tăng khiến người lao động nghèo vất vả tiết kiệm triệt để, sinh viên tìm đủ mọi cách mới mong ‘sống sót', thậm chí bỏ bữa sáng, ăn chay để đỡ tiền.

Uống ly nước cũng phải đắn đo

Chị Nguyễn Ngọc Hoa (29 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) chia sẻ, ở quê thiếu thốn hai vợ chồng chị gửi con nhỏ cho ông bà nội rồi dắt díu nhau lên thành phố làm ăn. Chị Hoa đang làm tiếp thị cho một công ty sữa còn chồng chị thì chạy xe ôm công nghệ. Từ ngày điện tăng rồi đến xăng tăng, hai vợ chồng chị làm ăn ngày càng khó khăn hơn.

“Bình thường tôi đổ 30 ngàn tiền xăng đi được khoảng hai ngày nhưng từ khi xăng tăng, tối đi về thấy kim xăng cán vạch đỏ lại phải đổ. Chồng tôi chạy xe ôm lại càng thiệt hại hơn, trước kia trừ xăng cộ đi lại một ngày chạy cật lực cũng được 400 ngàn đồng, giờ chỉ còn khoảng 300 đến 350 ngàn. Lương hai vợ chồng tôi gộp lại một tháng cũng chỉ được hơn 10 triệu, gửi về quê cho ông bà nuôi hai đứa nhỏ ăn học hết 4 triệu rồi, tiền trọ 1 triệu rưỡi, điện nước, ăn uống,... nghĩ mà đau đầu”, chị Hoa thở dài.

Sinh viên chọn ăn cơm chay 10 ngàn vì có thể tiết kiệm được gần một nửa tiền ăn ANH LÊ

Chị Hoa cũng cho hay, thu nhập sụt giảm nên vợ chồng chị quyết tâm lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu tối đa, từ điện, ăn uống… Dù giá cả tăng lên nhưng chị vẫn giữ tiền sinh hoạt một tuần là 300 ngàn. Buổi tối chị chỉ bật bóng đèn lớn lúc ăn cơm, còn ăn xong là chuyển qua một bóng đèn chữ U nhỏ, tầm 10 giờ đi ngủ là tắt hết.

Thậm chí muốn mua ly nước mát khi trời nắng chị Hoa cũng phải đắn đo: "Có nhiều hôm trưa nắng khát nước, chạy dọc đường thấy người ta bán nước cam quá trời, đắn đo mãi rồi tôi cũng không mua, đành uống trà đá miễn phí. Hôm sau rút kinh nghiệm tôi mang theo chai nước từ nhà đi luôn”.

Cũng như chị Hoa, chị Đỗ Thị Hiền (ngụ Q.9, TP.HCM) rất sót ruột vì bản thân bầu bì và nuôi con nhỏ bị bệnh nên không làm ra tiền, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào lương công nhân của chồng.

“Chồng tôi là công nhân công trình, còn tôi thì đã nghỉ việc 4 năm nay để nuôi con bị bệnh. Bây giờ cái gì cũng tăng, đọc tin tức thấy điện rồi xăng tăng mà choáng, tuần rồi tiền khám bệnh cho con cũng tăng từ 60 ngàn lên 80 ngàn/lần, chưa kể tiền thuốc, rau cỏ ngoài chợ đã thấy tăng mỗi thứ 1, 2 ngàn rồi”, chị Hiền phàn nàn.

Trong thời tiết nóng bức, người lao động nghèo phải mang nước từ nhà đi hoặc uống trà đá miễn phí để tiết kiệm ANH LÊ

Bởi vậy, dù bầu sắp sinh nhưng chị Hiền cũng cố gắng tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó. “Nhà có sắm máy giặt nhưng tôi vẫn giặt tay, ăn sáng thì giờ cốt sao cho no bụng được rồi, nhiều bữa nhà tôi rang cơm nguội lên ăn với đồ ăn từ hôm qua hâm lại. Thời gian trước, thi thoảng cuối tuần gia đình ra ngoài ăn hay ông chồng tôi đi nhậu mà giờ cũng bỏ luôn. Còn thằng con lâu lâu bố nó chở đi hóng gió ngoài công viên chứ không vào siêu thị nữa, sợ nó đòi cái này cái kia, mua thì tốn, không mua thì tội con”, chị Hiền chia sẻ.

Những cách tiết kiệm... bá đạo

Không chỉ lao động nghèo, sinh viên cũng đau đầu không kém khi phải dè dặt chi tiêu số tiền cố định mà ba mẹ gửi chỉ cố mong sao cuối tháng không phải ăn mì tôm trừ bữa.

Bạn Nguyễn Thị Minh Anh (sinh viên năm 2, ĐH KHXH&NV TP.HCM) bộc bạch: “Hàng tháng mình nhận “lương cứng” từ ba mẹ là 2 triệu đồng và có đi làm thêm ở quán cà phê buổi tối được thêm 700.000 đồng/tháng nữa. Phòng trọ mình ở Bình Thạnh, giá thuê là 3,7 triệu, 5 người ở, vị chi mỗi người khoảng gần 750 ngàn tiền phòng trọ, thêm tiền điện, nước, gửi xe,… mỗi tháng cũng tốn cả triệu rồi. Số tiền còn lại chi cho tiền ăn uống, đi lại, sách vở,.. Mà một phần cơm ở trên thành phố đâu có rẻ, tô hủ tiếu có vài miếng thịt với cọng hành đã 20 ngàn rồi”.

Tiền tiêu đã eo hẹp, sinh viên còn nghẹt thở hơn khi đâu đâu cái gì cũng thấy tăng giá. “Tháng trước tiền điện phòng mình đã tăng từ 266 ngàn lên 378 ngàn. Đau lòng hơn, quán bún bò mình hay ăn vừa qua lễ cũng tăng thêm 3 ngàn/tô. Giờ xăng tăng mỗi lần đi học dưới Thủ Đức dâu dám đi xe máy, mà xe buýt cũng lại vừa tăng 1 ngàn/vé”, Minh Anh ngao ngán.

Tình cảnh của Minh Anh cũng là hoàn cảnh chung của đa số sinh viên, đối tượng chưa có thu nhập. Để đối phó với thời kì “bão giá” này nhiều kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" đã được đưa ra.

“Bây giờ phòng mình đang thắt chặt chi tiêu, người nào đi chợ phải tính toán để phần ăn mỗi người chỉ từ 15 ngàn trở xuống thôi. Cuối tuần ai về nhà có gì dùng được là khuân lên hết, từ gạo, trứng, rau củ,… Còn riêng mình hầu như không tốn tiền ăn sáng, ngày nào đi học thì dậy sớm đi xuống đến Thủ Đức cũng đã đến giờ học, ngày nào nghỉ thì ngủ đến trưa luôn, ăn trưa là được”, Minh Anh cho hay.

P.T.D (sinh viên năm nhât, trường ĐH Tự Nhiên TP.HCM) còn có nhiều cách tiết kiệm độc đáo hơn. D cho biết, do gia đình khó khăn nên không nhận trợ cấp từ gia đình mà chi phí sinh hoạt nhờ vào số tiền học bổng 1 triệu đồng/tháng, cùng với đó D còn làm gia sư mỗi tháng cũng được khoảng 1 triệu đồng.

“Mình ở ký túc xá nên tiền phòng khá là rẻ, khoảng tầm 130 ngàn/tháng cộng thêm tiền điện nước mỗi tháng khoảng 70 ngàn nữa, số tiền còn lại dành cho việc ăn uống, đi lại…nhưng bạn sẽ không biết tiền sẽ hết lúc nào đâu. Vậy nên lúc nào mình cũng phải thủ sẵn mì tôm, bình thường thì ăn sáng nhưng đến cuối tháng thì ăn trưa, ăn tối cũng được hết”, T.D chia sẻ.

Đăc biệt cô bạn này còn có nhiều cách tiết kiệm “bá đạo” đúng chất sinh viên khi phải đối mặt với thời kỳ tăng giá. “Tháng này điện tăng, xăng tăng, hủ tiếu tăng mình chuyển qua ăn cơm chay 10 ngàn thay vì cơm tấm hay hủ tiếu 17, 20 ngàn, nước thì có thể tiện lấy ở trên trường đủ uống. Ngán quá thì mình nấu cơm trộm vì kí túc xá cấm, nhưng ăn ngoài ngán mà còn mắc nữa. Chỉ cần một cái nồi cơm điện thôi tụi mình có thể nấu cơm xong múc ra tô, sau đó rán trứng, kho thịt, nấu canh…gì cũng được hết. Bình siêu tốc cũng không chỉ dùng để nấu nước, nó còn có thể luộc trứng, rau, nói chung là các món luộc", T.D hài hước nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.