Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 diễn ra hôm qua (2.3), Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất một số vấn đề quan trọng như giá xăng dầu, điện dứt khoát phải theo cơ chế thị trường; nhiều tục lệ phản cảm, tiêu cực, thiếu văn minh trong các lễ hội cần được rà soát để loại bỏ…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 2 - Ảnh: TTXVN
|
Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá 2 tháng đầu năm 2015, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng, kinh tế vĩ mô ổn định… Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như cần phân tích rõ tình hình, nguyên nhân và bản chất số lượng doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm. Đặc biệt, số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập…
|
Chưa chốt mức tăng giá điện
Đối với giá điện, tại cuộc họp báo diễn ra chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết giá điện sẽ được điều chỉnh tăng, nhưng mức độ tăng bao nhiêu vẫn còn là một ẩn số. Lẽ ra, theo lãnh đạo này, giá điện đã phải được điều chỉnh trước tết, khi một loạt yếu tố cấu thành nên giá đầu vào đã thay đổi. Cụ thể, tỷ giá đã được điều chỉnh tăng thêm 1%; giá than tăng 22%; giá dầu dù giảm mạnh nhưng tỷ lệ sản lượng điện chạy dầu chỉ chiếm có 0,55% tổng sản lượng điện hiện nay...
Về phương án tăng giá, ông Đỗ Thắng Hải cho biết theo quy định hiện hành, Tập đoàn điện lực (EVN) sẽ đề xuất phương án, nếu mức tăng từ 7% đến dưới 10% thì Bộ Công thương sẽ quyết định, sau đó báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 3 này. Nếu tăng trên 10%, Bộ Công thương sẽ giải trình, xin ý kiến Bộ Tài chính rồi trình lên Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Sớm giảm lãi suất cho vay
|
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết thêm Thủ tướng yêu cầu sắp tới phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ tình trạng sức khỏe của các DN, xem có bao nhiêu DN thành lập mới, bao nhiêu phá sản, giải thể. “Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT đánh giá, phân loại thật rõ DN nào ốm yếu, DN nào phá sản; DN nào cần được hỗ trợ mới hỗ trợ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm đồng bộ, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN đầu tư, kinh doanh, phấn đấu ngang bằng như các nước ASEAN-6, thậm chí là ASEAN-4. Theo đó, các thành viên Chính phủ trong năm 2015 phải tạo ra bước chuyển biến thực sự và mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể để đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng... “Cải cách hành chính không nói chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể”, Thủ tướng yêu cầu.
Chính phủ thống nhất kết luận thanh tra dự án Formosa
Liên quan đến những sai phạm trong cấp phép hoạt động đầu tư tại dự án Formosa của Hà Tĩnh, nêu tại kết luận Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi cuộc thanh tra kết thúc, sau đó báo cáo Thủ tướng ban hành hai văn bản. Nội dung hoan nghênh tinh thần thanh tra khách quan và thống nhất với kết luận của Thanh tra Chính phủ; đồng thời giao UBND Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện các công việc theo như kết luận. Cùng với đó, thống nhất đề xuất của Bộ KH-ĐT về thời gian cấp giấy phép đầu tư dự án là 70 năm và của Bộ Tài chính về thuế, lệ phí.
Đối với việc đảm bảo an ninh -quốc phòng, cũng như các vấn đề xã hội khác, theo ông Nên khi các dự án lớn, quan trọng được cấp phép, các ngành chức năng đều có ý kiến tham gia. Quan điểm của Chính phủ phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an ninh - quốc phòng.
|
Bình luận (0)