Sau 2 ngày được xét nghiệm âm tính Covid-19 và trở về phòng trọ nhỏ của mình ở P.Tân Thuận Đông (Q.7), chị Hạnh mới có thể bình tâm kể về hành trình gần 20 ngày gia đình mình vượt qua Covid-19.
Gia đình đoàn tụ ở… khu cách ly
Vốn là công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), từ ngày TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, chị Hạnh quyết định tạm xa chồng con để vào làm việc, ăn ở tại công ty. Ngày 8.7, chị dọn đồ dùng cá nhân để đi làm nhưng không ngờ đó là đồ dùng cho những ngày cách ly, chống chọi với Covid-19.
Sáng 9.7, chị đến công ty thật sớm và là người đầu tiên trong hơn 300 công nhân tại công ty được test Covid-19 trước khi vào làm. Chưa đầy 5 phút sau, chị nhận kết quả dương tính. Như người mất hồn, chị một mình lẩn thẩn bước lên tầng 3 một tòa nhà của công ty để tránh xa đám đông, tay chân run lẩy bẩy rồi òa khóc. Chị bối rối gọi cho ba mẹ ở quê, gọi cho chồng báo lên phường mình ở để xét nghiệm Covid-19 luôn cho hai bố con.
|
“Ngày hôm đó, tôi cùng 17 người khác cũng là F0 được đưa vào một công ty đang tạm dừng hoạt động trong khu chế xuất để ở đỡ. Đó có lẽ là đêm kinh khủng nhất mà tôi trải qua, tôi không ngủ được, nước mắt cứ chảy dài”, chị nhớ lại.
Trước đó, chị Hạnh kể mình đã thấy ho và có chút đau họng nhưng không nghĩ rằng mình bị nhiễm bệnh do hôm trước chị vừa dầm mưa xong. Trong 2 ngày đầu tiên, chị bị sốt li bì 39 độ C, trong người cảm thấy mệt mỏi và rệu rã. Nghĩ đến chồng con ở nhà đang có nguy cơ nhiễm bệnh, tâm trạng của chị càng xấu đi.
|
Trong lúc bối rối, chị Hạnh gọi cho chị của mình, cũng là một nhân viên y tế để được hướng dẫn. Sau khi nghe lời khuyên, chị mới có thể giữ bình tĩnh cũng như nhờ một người bạn bên ngoài mua các loại thuốc đã được chị mình chỉ định để uống, làm giảm các triệu chứng bệnh. Tổng số tiền thuốc chị mua gần 3 triệu đồng. Không chỉ sốt, những ngày đầu chị Hạnh nói mình còn bị ho, nhức đầu và đau họng, đôi lúc thấy khó thở. Tuy nhiên, nhờ số thuốc đã chuẩn bị sẵn, chị đã đỡ được phần nào.
|
|
Bình tĩnh, xem con là động lực
Ngày 11.7, những người dương tính Covid-19 tại công ty chị Hạnh được chuyển đến bệnh viện dã chiến ở TP.Thủ Đức, tuy nhiên chị Hạnh xin được ở lại để chờ kết quả xét nghiệm của chồng và con mình.
“Chiều đó, anh gọi nói hai cha con bắt đầu có các biểu hiện ho sốt. Hay tin, tôi lo không ăn uống gì được. Cháu còn quá nhỏ, chẳng may mà có chuyện gì tôi không biết tính sao”, chị bày tỏ.
Trong lúc chờ đợi, chị Hạnh được đưa đến một khu cách ly là một trường mầm non ở P.Tân Phong, Q.7. Nỗi lo của chị là có thật khi ngày hôm sau, chồng và con chị đều có kết quả xét nghiệm dương tính. Nghe tin, chị bàng hoàng không nói nên lời. Cũng tại khu cách ly này, chị gặp chồng và con gái. Sau đó cả gia đình được chuyển qua một khu các ly khác trên đường Nguyễn Văn Quỳ (P.Phú Thuận, Q.7) để được chăm sóc y tế.
“Có chồng, có con tôi lại càng có động lực để có thể chống chọi với Covid-19. Hai vợ chồng tôi tự nhủ mình phải khỏe thì mới có thể chiến đấu được với Covid-19”, chị Hạnh tâm sự.
Đôi lúc, chị hoảng loạn vì mất đi khứu giác, vị giác. Chị kể có những khi xịt nước rửa tay, bình thường chị nghe mùi thơm nay lại chẳng ngửi được gì. Có những khi ăn cơm cũng chả thấy ngon. Có khi chị cứ ho suốt nhiều ngày liền. Nhưng thấy chồng con cũng không được khỏe, chị lại gượng dậy giặt đồ, chăm sóc cho cả hai.
Sau khi đến đây, mỗi ngày chị đều được bác sĩ thăm khám và hỏi thăm tình trạng sức khỏe, được phục vụ các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong phòng của chị có 10 F0 điều trị, chị nói ai cũng quan tâm và yêu thương nhau.
|
“Tôi thấy mình may mắn khi cả gia đình đều không có triệu chứng nặng, tình trạng bệnh ngày càng đỡ hơn. Tới ngày 26.7, chúng tôi được xét nghiệm lại và có kết quả âm tính Covid-19. Bác sĩ nói ai được xét nghiệm PCR có chỉ số dương tính dưới 35% đều được trở về cách ly tại nhà”, vậy là cả nhà chị được trở về căn trọ sau hơn nửa tháng điều trị mà không phải trả bất kỳ một chi phí nào.
|
Rưng rưng ngày về
Hay tin được về nhà, cả gia đình chị vui tới mức không thể diễn tả bằng lời vì cuối cùng cả nhà cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Dù nơi điều trị cách trọ chưa đầy 2 km, nhưng để về đến nơi cũng hết sức gian nan.
“Xe của bệnh viện quá tải, nếu chờ cũng không biết tới khi nào. Tôi sợ về khuya thì bất tiện nên có lên mạng xã hội nhờ người giúp đỡ. May sao có một anh ở gần đó tình nguyện chở gia đình tôi về nhà, anh chịu đợi hơn 1 tiếng đồng hồ chờ vợ chồng tôi làm thủ tục rồi chở về khiến tôi thực sự xúc động”, chị kể.
Cả gia đình chị Hạnh về lại xóm trọ trong niềm vui và tình yêu thương của hàng xóm, bạn bè. Mở tủ lạnh trống không, chị bối rối không biết làm cách nào để mua thực phẩm thì chính quyền địa phương, hàng xóm đã mang qua cho, đồ ăn chất đầy đủ lạnh.
Chị nói tài khoản ngân hàng của hai vợ chồng chị sau nhiều năm làm việc, tích cóp qua mùa dịch đã trở lại con số 0, còn nợ nần người thân, bạn bè. Thế nhưng với chị, chiến thắng được Covid-19, có được sức khỏe, gia đình vẫn ở cạnh nhau mới là điều quan trọng.
“Hết dịch, vợ chồng tôi lại làm lại từ đầu. Cơn ác mộng có thật mà cả nhà vừa trải qua khiến chúng tôi lại yêu thương, trân trọng giây phút bên nhau nhiều hơn. Mong Sài Gòn mau hết bệnh!”, chị xúc động. Sau nỗi ám ảnh về tiếng xe cấp cứu hàng đêm, bây giờ cả gia đình chị lại có một giấc ngủ ngon…
Bình luận (0)