Gia đình của tình thương yêu

28/06/2020 12:29 GMT+7

Những tháng ngày chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho chúng ta thấm thía về tình cảm của mình đối với gia đình, và của gia đình đối với mình.

Gia đình là một chuỗi kết nối từ tổ tiên tới những thế hệ ngày nay, và người Việt hiểu rất rõ tình yêu thương từ sự kết nối qua thời gian, qua từng thế hệ này. Không chỉ những thành viên còn sống trong gia đình, tổ tiên ông bà chúng ta dù khuất núi đã lâu, vẫn còn hình bóng trong nỗi nhớ niềm thương của chúng ta, ít nhất là qua những dịp cúng giỗ.
Sự gắn kết trong mỗi gia đình thoạt nhìn là tự nhiên, nhưng nó được vun đắp qua từng ngày từng tháng, trong mỗi cử chỉ hành động suy nghĩ của mỗi thành viên trong gia đình, nó khiến chúng ta gần gũi nhau, con cháu với cha mẹ ông bà, họ hàng gần xa, kể cả những người ta yêu thương nhưng không thuộc gia đình mình.
Tôi vừa tổ chức giỗ vọng cố nhà văn Nguyễn Chí Trung mà tôi vô cùng thương yêu, kính phục, dù ông không họ hàng gì với tôi. Nhưng đó là người khiến tôi cảm thấy sâu sắc rằng tình yêu nhân dân, yêu đất nước có thể gắn kết sâu sắc với tình anh em, tình đồng đội. Gia đình, từ chỗ là những người chung huyết thống, đã có thể mở rộng ra như chính sự rộng mở của tình yêu thương, lòng biết ơn, và ý thức trách nhiệm.
Khi đọc bài trên Thanh Niên Online ngày 26.5, nhan đề Cụ bà bị bỏ ở “nhà hoang”, con không nhận nuôi đã qua đời, ai cũng cảm thấy nhói đau. Nếu cụ bà An đó là mẹ mình, là bà mình, thì sao? Gia đình cụ An quá nghèo, con cụ lại bị ung thư.
Bản thân cụ An cũng bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình cụ gần như đã đi tới tận cùng của sự nghèo khó và thắt ngặt. Nhưng đưa một cụ bà, là bà là mẹ của mình về bỏ trong “nhà hoang” cho chết, thì đó không chỉ là sự đau đớn của gia đình cụ Tiêu Thị An ở Đầm Dơi (Cà Mau), mà còn của cả cộng đồng. Chính sự thiếu quan tâm đến nhau trong cộng đồng làng xóm, không còn cảnh “làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” như truyền thống của người Việt, đã dẫn tới thảm cảnh này.
Gia đình, không chỉ là một ốc đảo đơn độc. Gia đình, còn là sự gắn kết giữa những gia đình, giữa làng xóm, khối phố, buôn làng với nhau. Mỗi gia đình khó khăn hay nghèo khổ đều phải được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền sở tại, của cộng đồng gần gũi nhất. Được như thế, “Ngày gia đình Việt Nam” (28.6) hằng năm mới thực sự có ý nghĩa. Gia đình, không chỉ đóng khung trong gia đình mình, mà sự quan tâm, lòng yêu thương cần được mở rộng, để “Không ai bị bỏ lại phía sau” như Chính phủ thường kêu gọi.
Gia đình, là truyền thống, nhưng cũng là hiện đại. Sự chăm sóc, tình thương yêu giữa những thành viên trong gia đình cần được thêm vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, để gia đình không có thành viên nào hư hỏng, băng hoại, để sự an vui không chỉ đến từ kinh tế, mà đến từ tình yêu thương, chia ngọt sẻ bùi giữa những thành viên lương thiện trong gia đình.
Ngày gia đình, cần nhắc nhau giá trị và ý nghĩa của sự lương thiện. Chỉ có lương thiện mới mang lại hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.