Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 7.11, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, ông là người gần gũi gia đình các cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Gia đình ông với gia đình cụ Bô cùng ở trên tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường mà trước đây ai cũng đều biết cả.
Mẹ ông Quốc ít hơn cụ Hoàng Thị Minh Hồ khoảng 10 tuổi. Gần đây, tuổi tác cao nên ít gặp, nhưng cách đây 2 năm, ông vẫn đưa mẹ đến gặp cụ. Các cụ vẫn giữ được nếp sống ngày xưa là cổ điển nhưng chân thành. Đặc biệt là giữ chữ tín, phẩm chất tốt đẹp nhất của nhà công thương.
Việc hiến trên 5.000 lượng vàng của cụ Trịnh Văn Bô là điển hình của thời kỳ lịch sử mà ở đó, nhà nước và người dân tạo được lòng tin với nhau. Lòng tin này không phải ở một chiều mà điều quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là phải có tín tâm.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi giám sát công tác chuẩn bị chiến đấu của Hà Nội vào năm 1946, hỏi chúng ta có giữ được Hà Nội không thì mọi người đều thể hiện quyết tâm, nhưng cụ Hồ nói quyết tâm không đủ mà phải tín tâm. Tín tâm là phải có lòng tin chứ không phải quyết tâm là quyết định làm mà không có lòng tin.
“Cụ Hồ lần đầu tiên từ chiến khu về Hà Nội thì lại chọn nhà giàu nhất, ở phố giàu nhất để làm căn cứ địa cho mình. Như thế là cụ Hồ có lòng tin vào người dân, cụ Hồ rất tế nhị không gọi là tư sản mà gọi là nhà công thương, tức là những người hoạt động trên lĩnh vực kinh tế nào đó”, ông Quốc nói.
Nếu chú ý sẽ thấy trong những ngày đầu cách mạng thành công thì lực lượng xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc đầu tiên là đồng bào thiểu số, một số chức sắc tôn giáo và các nhà công thương.
Điều đó cho thấy, Bác Hồ có niềm tin với lòng yêu nước của họ và họ đáp lại bằng niềm tin sẵn sàng đóng góp cho đất nước. Vì thế, khi Bác Hồ thành lập quỹ độc lập, mời các nhà công thương lên thì ngay sau đó là Tuần lễ vàng. Niềm tin phải từ hai chiều chứ không phải là niềm tin một chiều.
Không nhiều người biết, lúc cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, qua đời, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm chí còn là nỗi buồn nhân đôi!
Theo ông Quốc, gia đình cụ Trịnh Văn Bô là điển hình cho sự đóng góp và cống hiến của lực lượng công thương trong những ngày đầu cách mạng. Không phải chỉ vì đơn giản số lượng của cải cụ đóng góp, dù ở Hà Nội, cụ chưa phải là người đóng góp nhiều nhất.
Nhưng cụ Bô là người không những đóng góp tiền bạc mà còn cưu mang những người cách mạng. Cụ đã dành nhà ở của mình để thành di tích lịch sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá đây là điều rất đáng ghi nhận.
“Khi biểu dương cụ Trịnh Văn Bô và cụ Hoàng Thị Minh Hồ thì chúng ta cần biểu dương các nhà công thương. Biểu dương đường lối của cụ Hồ lúc đó là biết tin vào dân, dựa vào dân và được dân tin. Chúng ta phải xác lập điều đó để khi khó khăn vẫn có lòng tin của dân. Cụ Bô là người đi đến cùng trong cuộc cách mạng mặc dù sau này có các chính sách chưa thực sự đúng với họ... nhưng họ vẫn giữ được niềm tin, tư cách, không bất mãn, không gì cả”, ông Quốc nói.
Về việc tôn vinh với gia đình cụ Trịnh Văn Bô, theo ông Quốc, cụ là một người tiêu biểu nhưng tôn vinh cụ là cả một thế hệ. Vì thế theo ông, đặt tên đường phố nên đặt là ông bà Trịnh Văn Bô, để tôn vinh xứng đáng với đóng góp mà hai vợ chồng cụ đã dành cho cách mạng.
Theo tờ trình dự kiến, Hà Nội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết đặt tên cho 20 đường phố mới và điều chỉnh độ dài của 5 tuyến phố vào kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2017. Ông Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) được đề nghị đặt tên cho một phố thuộc quận Cầu Giấy. Con phố này dài 1,2 km, rộng 7,5 m, đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên, tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
|
Bình luận (0)