Giá hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao

18/02/2010 17:16 GMT+7

(TNO) Mọi năm, hết mùng 3 được xem là hết Tết và các hoạt động thương mại, dịch vụ dần trở lại bình thường. Tuy vậy, năm nay, việc nghỉ Tết kéo dài đến mùng 9 đã kéo theo tâm lý giữ "giá Tết" ở hầu hết các cửa hàng ăn uống và dịch vụ tại TP.HCM. Giá cả vẫn giữ ở mức cao hơn từ 10 - 20% so với ngày thường.

Siêu thị đủ hàng, chợ “làm giá”

Dù đã khai trương từ khá sớm (mùng 3 Tết) nhưng siêu thị và chợ vẫn nằm ở hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi siêu thị hàng hóa dồi dào, giá cả vẫn giữ nguyên thì tại các chợ lại xuất hiện tình trạng “làm giá”.

Ngay từ mùng 2 Tết, siêu thị Hà Nội (đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) đã mở cửa hoạt động trở lại với hàng hóa và giá cả vẫn như ngày thường.


Hoạt động mua bán tại TP.HCM vẫn chưa trở lại bình thường dù đã mùng 5 Tết - Ảnh: FanNguyên

Mùng 3 Tết có thêm hệ thống siêu thị Big C mở cửa đón khách. Ngay từ những ngày mở cửa đầu năm mới (từ ngày 17.2, tức mùng 4 Tết), chuỗi siêu thị Big C đã áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá gần 160 mặt hàng với từng mức giảm khác nhau, cao nhất lên đến 30%, nhằm kích thích tiêu dùng trong những ngày đầu năm.

Trong khi đó, mùng 3, 4, 5 Tết, hệ thống siêu thị Coopmart đã mở cửa phục vụ người tiêu dùng từ sáng cho đến trưa. Đến ngày mùng 6 Tết, hệ thống siêu thị Coopmart mới mở cửa phục vụ người tiêu dùng cả ngày.

Theo bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc Marketing hệ thống Coopmart, siêu thị đã chuẩn bị đủ lượng hàng cần thiết để phục vụ người tiêu dùng và cam kết không tăng giá bán bất cứ mặt hàng nào sau Tết.

Riêng hệ thống siêu thị Maximmart chỉ mở cửa phục vụ trở lại từ ngày mùng 8 Tết.

 
Quầy thịt tại chợ Hòa Hưng đìu hiu nhưng giá vẫn rất đắt - Ảnh: Nguyên Mi

Ngược lại, mặc dù các chợ đã hoạt động mua bán trở lại từ mùng 3 Tết nhưng đến mùng 5 Tết, một số mặt hàng vẫn bị “đẩy” giá lên cao. Đa phần các mặt hàng này đều là hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, cá...

Theo một tiểu thương ở chợ Hòa Hưng, do giờ "vẫn còn đang là thời gian nghỉ lễ, hàng hóa về chợ chưa nhiều nên giá cao là đúng rồi". Còn lượng khách hàng thì hầu hết đều... thưa thớt.

Tại chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (Quận Bình Thạnh), Hòa Hưng, Chí Hòa (Q.10), vào ngày mùng 5 Tết, giá thịt bò ở mức từ 165.000 - 180.000 đồng/kg (tăng từ 10 - 20% so với giai đoạn trước Tết), cá lóc nuôi ở mức 45.000 đồng/kg còn cá lóc đồng ở mức 100.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau, củ, quả cũng như mặt hàng trái cây tăng ở mức từ 10 - 20% hay thậm chí có loại tăng 30% (vú sữa, nho) so với trước Tết. 

Giá dịch vụ vẫn giữ ở mức cao

Đã qua ba ngày Tết nhưng giá các dịch vụ vẫn chưa có chiều hướng giảm. Vào trưa mùng 5 Tết, một tô phở chỉ “lèo tèo” vài lát thịt bò tại một quán phở trên đường Kỳ Đồng (Q.3), đối diện hồ bơi Kỳ Đồng, có giá 30.000 đồng, trong khi ngày thường giá tô phở này chỉ là 18.000 đồng.

Chủ tiệm lý giải do giá của các nguyên phụ liệu như thịt bò, rau, hành... mấy ngày này vẫn còn đắt.

Tại khu vực chợ Bến Thành hay hệ thống các tiệm phở 24, để ăn một tô phở bò bình thường, khách hàng phải trả từ 42.000 - 50.000 đồng/tô, trong khi trước đó giá chỉ từ trên dưới 30.000 đồng/tô. Hay bánh tráng Hoàng Ty giá vẫn ở mức cao hơn 15% so với ngày thường.

 
Mặc dù vắng khách nhưng giá rửa xe vẫn cao hơn ngày thường - Ảnh: Nguyên Mi

Dịch vụ rửa xe ngày đầu năm cũng vẫn chưa chịu giảm giá cho dù đã bước sang mùng 5 Tết. Muốn rửa một chiếc xe máy (xe số), khách phải trả từ 15.000 - 25.000 đồng/xe. Còn giá áp dụng cho các loại xe tay ga thông thường cao hơn từ 5.000 đồng/xe.

“Dù vậy, lượng khách đến rửa xe đầu năm cũng không nhiều. Những ngày cận Tết thì chúng tôi rửa hoài mà không hết xe. Có ngày, chúng tôi rửa cao nhất là 400 - 500 xe”, chủ tiệm rửa xe Thuận (đường Trần Quốc Thảo, Q.3) cho biết.

Tại các khu vui chơi, giải trí hay tại các rạp chiếu phim, sân khấu kịch, ca nhạc ở TP.HCM trong những ngày ngay sau Tết, giá giữ xe thường được lấy 5.000 đồng/xe (các bãi giữ xe chính thức) còn giá giữ xe do nhà dân tự mở ra thì vẫn 10.000 - 20.000 đồng/chiếc.

Lý giải của những người coi xe tại đây đều cho rằng “tâm lý chung là còn Tết” nên chưa thể hạ đúng giá (2.000 - 3.000 đồng/chiếc) ngay được.

Hà Nội: Giá thực phẩm sau Tết tăng cao

Ngày 18.2 (tức mùng 5 Tết Canh Dần) tại một số chợ ở Hà Nội giá các loại thực phẩm tăng cao, trong đó thịt bò và thịt heo đều tăng từ 2,5 - 3 lần so với trước Tết.

Tại hai chợ Ngã Tư Sở và Khương Trung, giá các loại thịt heo, xương heo ở mức từ 65.000 - 85.000 đồng/kg, thịt bò thăn có giá 250.000 đồng/kg.

Sức tăng mạnh nhất của thực phẩm phải kể đến là mặt hàng cá tươi, với mức tăng thêm so với thời điểm trước Tết 30%, do giới tiểu thương nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng.

Cụ thể, cá chép hiện có giá từ 50.000 - 65.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, trắm trắng 60.000 đồng/kg, cá quả khoảng 130.000 đồng/kg...

Bên cạnh mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá các loại rau xanh có biểu hiện tăng nhẹ như rau muống, cải xoong dao động ở mức 8.000 - 10.000 đồng/mớ; rau cần 15.000 đồng/mớ, bắp cải từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; su hào 5.000 - 8.000 đồng/củ; súp lơ: 12.000 - 15.000 đồng/chiếc; giá cà chua cũng tăng lên 15.000 - 20.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với ngày thường)... Đậu mơ loại nhỏ giá 15.000 đồng/chục.

Bún là một trong những mặt hàng bán khá chạy sau Tết nên giá cũng bị đẩy lên rất cao. Nếu như ngày thường, giá bún là 8.000 đồng/kg thì sáng mùng 2 Tết đã lên tới 30.000 đồng/kg.

Theo TTXVN

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.