Chòm râu dài bồng bềnh tựa một suối mây trắng như bông trên gương mặt cương nghị, phúc hậu, trông Già làng Tơ Tơ như một ông Tiên giữa đại ngàn.
Năm nay Già làng Tơ Tơ bước vào tuổi bát thập, là cây đại thụ của cộng đồng người Châu Ro ở tỉnh Đồng Nai. Làng Châu Ro bên dòng suối Sa Mách là nơi chôn nhau cắt rốn của Già. Hầu hết các hộ dân trong làng đều là người bản địa. Làng được gọi theo ngôn ngữ người Kinh là làng Lý Lịch (trước đây thuộc xã Lý Lịch). Tên của Già, Tơ Tơ nghĩa là "nổi", mang ý nghĩa, hình bóng in trên suối, người mang gương mặt của suối.
Già là con thứ năm trong gia đình nên được gọi thân mật theo cách của người Kinh là Năm Nổi. Tơ Tơ sinh ra vào thời thuộc Pháp. Thời đó vùng này rừng rậm bao phủ, làng chỉ có ngót chục nóc nhà sàn. Người của làng sinh sống bằng nghề hái lượm, săn bắt thú rừng, làm rẫy. Vào năm 1946, bộ đội Việt Minh đến khu vực này lập căn cứ Chiến khu D đánh Pháp. Tơ Tơ được chọn làm giao liên. Khi địch đánh hơi được căn cứ cách mạng của Việt Minh, chúng tổ chức bố ráp, săn lùng dữ dội. Tơ Tơ cùng người của làng phải dẫn cán bộ vào sâu trong rừng, chọn nơi gần ngọn những con suối nhỏ, làm lán cho cán bộ ở trong những hốc đá.
Vào năm 1952, một trận bão lớn nổi lên kèm theo những ngày mưa dầm dề làm cho vùng này ngập chìm trong biển nước. Mùa màng mất sạch. Làng rơi vào cơn đói. Người của làng bảo, do bọn giặc càn quét, bắn phá, cướp bóc nên Thần Lúa, Thần Rừng vùng này đã đi "lánh nạn", không phù hộ cho con người nữa. Lễ hội Nhang lúa, Nhang rừng... không tổ chức được. Tơ Tơ cùng đám trai tráng trong làng luân phiên nhau mang gùi vào rừng đi tìm củ chụp, hái nấm về nuôi cán bộ. Họ tìm được một ngọn đồi có rất nhiều củ chụp và đặt tên cho ngọn đồi này là đồi Củ Chụp.
Già làng Tơ Tơ giới thiệu dụng cụ đuổi thú rừng của người Châu Ro xưa. Ảnh: P.T.S |
Công việc đi đào củ chụp vất vả và rất nguy hiểm. Mỗi khi đi đào củ chụp có ít nhất 2-3 người, để thay phiên nhau vừa đào vừa canh thú dữ. Sau trận lụt lịch sử năm 1952, tại vùng này xuất hiện một con cọp 3 móng rất liều lĩnh và hung dữ, là hiểm họa của dân làng. Đã có 106 người, cả lính Tây, bộ đội và người của làng bị cọp vồ, trong đó có nhiều người là nạn nhân khi đang trên đường đào củ chụp. Sau rất nhiều lần mai phục, Tơ Tơ cùng bộ đội mới tiêu diệt được nó bằng cách gài mìn. Hiện những hình ảnh về xác con cọp này cùng cái răng nanh dài, sắc nhọn của nó đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.
Già kể, thời kỳ đánh Mỹ, hình ảnh đáng nhớ nhất là mỗi lần bắn cháy máy bay địch. Hồi đó Già làm Bí thư Chi bộ xã. Thấy trực thăng địch bay vè vè trên những cánh rừng như đàn ve, Già cùng đội dân quân du kích phục bắn. Nhưng bắn hoài mà máy bay không cháy. Khi nói chuyện này với các chiến sĩ quân giải phóng, họ bảo: "Đứng dưới đất bắn ngược lên nó không cháy đâu. Phải leo lên đỉnh núi, phục trên ngọn cây, chừng nào nó hạ độ cao thì bắn xiên vào mình nó, cháy liền à". Bí thư Chi bộ Tơ Tơ nghe theo, về tổ chức cho anh em phục kích máy bay Mỹ theo cách này. Quả nhiên khi nổ súng, nó cháy rần rần, nhìn thấy đã quá trời.
Kỳ 2: Lời nhắn trong tiếng đàn Goong ca la
Phan Tùng Sơn
Bình luận (0)