Ngày 28.3, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ giá trung tâm ở mức 23.235 đồng/USD. Tổng kết tuần qua, tỷ giá trung tâm đã có 2 ngày đầu tuần tăng 8 đồng/USD, 3 ngày giảm giá 25 đồng/USD và 1 ngày giữ giá đứng yên. Một số ngân hàng thương mại sáng 28.3 không thay đổi giá USD so với ngày 27.3. Vietcombank mua vào ở 23.510 đồng/USD, bán ra 23.700 đồng/USD.
USD trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu, chỉ số USD-index giảm 1,3 điểm, xuống còn 98,3 điểm. Chuỗi ngày giảm giá của đồng bạc xanh kéo dài hơn 1 tuần nay từ mức cao kỷ lục 103,5 điểm xuống đến nay. Thay vì tìm đến USD trú ẩn, các nhà đầu tư lo ngại thị trường tràn ngập tiền giấy từ các gói cứu trợ kinh tế. Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố gói cứu trợ kinh tế vào đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký gói cứu trợ kinh tế kỷ lục 2.200 tỉ USD vào ngày 27.3 giữa lúc số người nhiễm bệnh trong dịch Covid-19 tăng cao.
Trọng tâm của gói cứu trợ này là cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp tới người dân dưới dạng chi phiếu với số tiền dựa vào thu nhập. Các cá nhân có thu nhập 75.000 USD trở xuống sẽ nhận trực tiếp 1.200 USD/người. Các hộ gia đình hai người lớn với thu nhập lên tới 150.000 USD sẽ nhận được 2.400 USD. Các gia đình cũng sẽ nhận thêm 500 USD cho mỗi trẻ nhỏ. Khoản trợ cấp giảm dần đối với những người có thu nhập cao. Cá nhân có thu nhập từ 99.000 USD hoặc cặp vợ chồng có thu nhập từ 198.000 USD trở lên mà không có trẻ nhỏ sẽ không được nhận hỗ trợ dạng tiền mặt.
Các bệnh viện sẽ nhận được hàng tỉ USD để đối phó với dịch bệnh Covid-19, chính quyền các bang sẽ nhận được tiền mặt chi tiêu phục vụ công tác chống dịch.
Gói cứu trợ 350 tỉ USD cung cấp khoản vay doanh nghiệp nhỏ sẽ giúp họ giảm chi phí trong tối đa 10 tuần. Thời hạn thanh toán lên đến 8 tuần nếu họ không sa thải nhân viên hoặc thuê lại nhân viên đã nghỉ việc vào tháng 6. Biện pháp này có thể giúp hàng nghìn công ty tồn tại, ít nhất là tạm thời. Ngoài ra còn có 500 tỉ USD cứu trợ các hãng hàng không và những tập đoàn lớn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)