Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tuần đứng ở mức 23.235 đồng/USD, giảm 17 đồng so với cuối tuần trước đó. Ngược lại, tại các ngân hàng thương mại, giá USD dù sụt giảm so với đầu tuần nhưng vẫn ở mức cao. Vietcombank giao dịch USD ở mức 23.510 - 23.700 đồng/USD. Eximbank giao dịch mức 23.530 – 23.770 đồng/USD... So với giá cuối tuần trước đó, giá USD tại các ngân hàng trên tăng thêm khoảng 160 - 350 đồng/USD.
Tỷ giá euro tại khối ngân hàng cổ phần tư nhân trong tuần cũng có xu hướng tăng. Theo đó, Vietcombank giao dịch 25.465 – 26.687 đồng/euro, tăng thêm 811 – 765 đồng/euro ở hai chiều mua và bán. Tương tự, giá euro tại Eximbank tăng mạnh 1.255 đồng ở chiều mua vào, lên 26.013 đồng/euro và tăng thêm 1.207 đồng ở chiều bán ra, lên 26.617 đồng/euro...
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index liên tục giảm xuống trong tuần qua và hiện còn 98,31 điểm, giảm 4,17 điểm so với cuối tuần qua, tương đương gần 5%. Trong khi đó, đồng euro đóng cửa tuần ở mức 1,1136 USD/EUR, tăng hơn 4% trong tuần qua, đánh dấu mức tăng theo tuần mạnh nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt, đồng euro liên tục tăng giá so với USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo khởi động một loạt chính sách nới lỏng chưa từng có nhằm hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc trả lời một phỏng vấn trên chương trình Today của đài NBC hôm 27.3 đã trấn an giới đầu tư rằng Fed "không hết đạn" và cơ quan này vẫn còn dư địa chính sách ở các khía cạnh khác để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo thống kê của CNN, tổng giá trị các cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đến nay đã vào khoảng 7.000 tỉ USD. Con số này bao gồm chi tiêu chính phủ, bảo lãnh cho vay, giãn thuế, cũng như chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua lại tài sản. Mức độ này đã vượt xa thời khủng hoảng tài chính 2008. Điều này phần nào củng cố niềm tin cho nhà đầu tư vơi đi nỗi lo về suy thoái kinh tế, đồng thời giảm bớt nhu cầu găm giữ USD so với trước đó.
Bình luận (0)