Trước khi xăng tăng giá, Sở Công thương TP.HCM cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất các mặt hàng thiết yếu đã cam kết không tăng giá bán trong 2 tháng trước và sau tết. Thế nhưng, thực tế khảo sát một vòng ở các chợ tại TP.HCM cho thấy nhiều mặt hàng tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với đầu tháng 12.
Rau tăng gấp 2 - 3 lần
|
|
Tương tự, thịt heo tại một số chợ bán lẻ trên địa bàn Q.7, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú... tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Cụ thể, từ đầu tháng 12, giá thịt ba chỉ tại các chợ tầm 90.000 đồng/kg nay lên 110.000 đồng/kg, giá sườn non từ 135.000 - 140.000 đồng nay tăng lên 160.000 đồng/kg.
Tăng “khủng” nhất là các mặt hàng rau quả, hầu hết các loại tăng từ 50 - 100%, thậm chí nhiều mặt hàng tăng gấp đôi, gấp 3 trong vòng 1 tháng qua. Ghi nhận tại một số chợ bán lẻ Bàn Cờ (Q.3), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Hòa Bình (Q.5) cho thấy giá bán cà chua từ 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại, xà lách cuộn của Đà Lạt giá 50.000 đồng/kg, bầu bí giá từ 16.000 - 21.000 đồng/kg. Theo bà Thiện, chủ sạp rau lớn tại chợ Ông Địa (Q.Tân Bình), các mặt hàng rau trên đều tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với đầu tháng.
Lý do người bán đưa ra là ngoài xăng tăng giá mạnh thì lũ lụt kéo dài tại một số tỉnh miền Trung trong thời gian qua cũng là nguyên nhân gây khan hiếm nguồn cung. Một số mặt hàng như đậu bắp, ớt... tăng giá gấp
3 lần. Nếu như đầu tháng 12, đậu bắp bán tại chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) chỉ 12.000 đồng/kg thì nay lên 40.000 đồng/kg. Do hợp đồng trước với nhà vườn nên ớt bán tại các siêu thị không gặp biến động về giá, nhưng ớt bán tại chợ lại tăng giá đột biến. Cụ thể, giá ớt ngày thường 50.000 đồng/kg, nay các chợ bán giá 120.000 đồng/kg (siêu thị bán giá tầm 80.000 đồng/kg).
“Tát” giá theo thời tiết
Lý giải việc giá rau củ quả tăng mạnh dịp này, đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết: “Thông thường giá xăng dầu thay đổi, sau khoảng 15 ngày sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. Tuy nhiên do tính chất chợ đầu mối, các nhà xe và đại lý làm ăn lâu dài với nhau nên cũng phải “nương” nhau để sống. Giá cước vận tải có thể tăng giảm theo giá xăng nhưng không đáng kể. Thời gian qua, do nguồn cung khan hiếm nên giá rau củ quả biến động mạnh, đặc biệt là các mặt hàng rau quả Đà Lạt như đậu bắp, cà chua, bắp cải... tăng giá do mưa lũ và thủy điện xả nước ở miền Trung. Để có hàng đáp ứng yêu cầu thị trường, các đại lý ở chợ đầu mối phải lấy hàng từ Hải Dương, Hà Nội chuyển về, cước vận chuyện nhiều hơn nên giá theo đó cũng cao hơn”.
Ngoài nguyên nhân thời tiết, thiên tai, nhiều mặt hàng tăng giá có dấu hiệu “tát giá theo xăng” tại các chợ bán lẻ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng), thời tiết thất thường thời gian qua làm ảnh hưởng rất lớn đến cả năng suất và chất lượng rau Đà Lạt. Sản lượng trung bình của hợp tác xã sụt giảm hơn 20% nên giá cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên, giá cà chua ghi nhận tại vườn từ 18.000 đồng trước đây, nay tăng lên 23.000 đồng; xà lách carol từ 18.000 đồng/kg nay tăng 25.000 đồng/kg. Tức mức tăng các mặt hàng này tại đầu nguồn là 5.000 - 7.000 đồng, khoảng 25 - 30%, nhưng khi về các chợ, giá tăng gấp đôi thậm chí cao hơn nữa.
“Giá chúng tôi bán sỉ về các chợ cũng chỉ tăng tầm 25 - 30%, những mặt hàng đặc biệt lắm tăng 50% với giá thu mua tại vườn. Nhưng khi về đến chợ đầu mối và ra đến chợ bán lẻ, giá đội lên gấp 2 gấp 3 lần là điều không thể chấp nhận được. Giá rau đội gấp đôi theo tôi đã quá cao”, bà Nguyễn Thị Hiếu người có thâm niên 14 năm “đánh” rau củ từ Đà Lạt về TP.HCM, nhận xét.
Theo giải thích của một số tiểu thương tại các chợ bán lẻ, giá tăng mạnh một phần do giá cước tăng sau khi giá xăng dầu tăng liên tục 2 lần trong tháng qua. Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Thu, một chủ xe chở heo từ lò mổ ra các chợ đầu mối, khẳng định: “Chúng tôi vẫn chưa được tăng phí mà vẫn phải chịu mức giá cũ”. Bà Hiếu chở hàng từ Đà Lạt về TP.HCM hằng đêm cũng cho biết cước vận tải đến giờ này chưa tăng.
Như vậy có thể thấy, nhiều hàng hóa đang bị tát giá theo xăng và cả thời tiết.
Không tăng quá mạnh như rau củ nhưng các sản phẩm bia, sữa, bánh... cũng tăng nhẹ. Anh Toàn, chủ cửa hàng tạp hóa Nam Chi (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình), thông tin: Bia Heineken khoảng giữa tháng 12 có giá bán lẻ từ 365.000 đồng/thùng 24 lon, nay được đại lý lớn báo giá tăng thêm 10.000 đồng là 375.000 đồng/thùng. Tương tự, bia Tiger có giá bán lẻ từ mức 297.000 đồng/thùng 24 lon tăng thêm 6.000 đồng đợt 1 và 12.000 đồng đợt 2.
Chị Vy, bán hàng tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), cho biết giá gốc các mặt hàng sữa tươi và sữa chua của Vinamilk đều tăng khoảng hơn 5%. “Cách đây hơn tuần giá sữa tươi tăng, nay sữa chua cũng được báo tăng luôn, chị nói và cho biết thêm rằng sữa hộp Vinamilk được đại lý lớn báo tăng giá gốc khoảng 20.000 đồng/thùng, tùy người bán lẻ cân chỉnh thêm nguồn hàng được tặng thêm, kết hợp với giá sàn giá bán lẻ sữa tươi nhãn hàng này sẽ tăng khoảng 16.000 đồng/thùng trong 10 ngày trở lại đây. Riêng bánh kẹo, các mặt hàng bánh trong nước chưa có dấu hiệu tăng, song bánh nhập được chuộng hiệu Danisa từ 150.000 đồng tăng lên 155.000 đồng tuần trước và mới lên 170.000 đồng vào cuối tuần qua.
|
Bình luận (0)