Chứng kiến những nụ cười hạnh phúc, những ánh mắt đầy biết ơn của người dân ở xã Phú Hiệp, H.Tam Nông (Đồng Tháp) khi từ nay sẽ không còn lo bị ép giá nông sản vì đã có con đường mới rất bằng phẳng, xe chạy bon bon vào đến tận ruộng, khiến ai cũng ấm lòng.
Con đường ấy do chính những chàng trai, cô gái đến từ đội hình sinh viên (SV) tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã không ngại nắng, ngại mưa, suốt gần 1 tháng qua ngày nào người cũng lấm lem đầy cát và xi măng để thi công.
SV tình nguyện Trường ĐH Bách khoa ngày nào cũng lấm lem, ướt đẫm mồ hôi thi công tuyến đường |
Thanh Thùy |
Tuyến đường khắc tên… hạnh phúc
Gặp Nguyễn Đăng Danh, SV năm 2 Khoa Môi trường và Tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tại xã Phú Hiệp (H.Tam Nông) nhìn đôi chân sưng húp và vẫn còn mốc trắng nhiều lớp xi măng, mới thấu được những vất vả và gian nan mà SV tình nguyện đã phải quyết tâm để hoàn thành tuyến đường nông thôn cho người dân.
Đôi chân sưng húp lên nhưng Danh vẫn nói: “Không sao, chuyện nhỏ ạ. Chúng em đi tình nguyện giúp dân mà, bị thế này thì có đáng gì đâu”.
Nhiều ngày ngâm mình với cát, đá, xi măng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường, làm hăng say đến nổi Danh quên cả bàn chân mình đã bị xi măng ăn mòn.
“Nay vừa xong công trình em mới đi khám thì bị viêm da do vết thương để lâu ngày. Mặc dù biết bị ngay trong lúc làm nhưng làm hăng say quá quên đau luôn, một phần cũng vì đi tình nguyện nên tụi em luôn quyết tâm để hoàn thành công trình càng sớm càng tốt, sớm một ngày thì người dân đỡ vất vả thêm một ngày”, Danh kể và cho biết mặc dù các bạn được trang bị dụng cụ bảo hộ ngay từ đầu, nhưng vì mang ủng không chịu được với thời tiết nắng nóng nên các bạn đành chấp nhận tháo ra, mặc cho xi măng có thể bám vào chân.
Để tuyến đường bờ bắc kênh An Bình hoàn thành như hôm nay thì ở đó đã thấm mặn mồ hôi của các SV tình nguyện, thậm chí Nguyễn Trần Minh Hữu, SV năm 2 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, còn nói: “Đúng nghĩa là có cả mồ hôi và máu. Vì con đường này trời mưa trơn trượt, tụi em khiêng cát, đá ngã lên ngã xuống nên không ít lần bị trầy xước, chảy máu”.
Chàng SV này kể: “Ngày nào tụi em cũng lấm lem, đến cả mặt mày, đôi kính đeo trên mắt cũng lấm đầy xi măng, bùn lầy. Ngày nắng thì làm mệt hơn nhưng trời mưa còn chết dở vì đường lầy lội mà cát đá đổ ngổn ngang. Em còn nhớ lúc đầu xuống đây, đi chân không mà còn ngã lên ngã xuống, giờ được con đường như thế này nên vui quá chừng. Vui vì con đường do tự tay mình đổ, em đổ không sót mét đường nào luôn”.
Với tất cả các SV tình nguyện, dẫu con đường này không khắc tên các bạn nhưng lại mang tên của sự hạnh phúc, của niềm vui không nói nổi thành lời.
“Tụi mình vui cực kỳ, cảm xúc đong đầy và bạn nào cũng hò reo vì cuối cùng cũng hoàn thành. Nào là tung nón lên trời, thẩy luôn chú thợ xây lên luôn, giống như các cầu thủ thẩy huấn luyện viên lên trời khi mừng chiến thắng vậy đó”, Võ Thị Thanh Thùy, đội trưởng đội hình tình nguyện tại xã Phú Hiệp, bày tỏ.
Xe chạy bon bon trên tuyến đường mới |
Lê Thanh |
Từ nay không còn lo sợ sẽ bị ép giá
Vừa chạy xe trên tuyến đường mới để vào ruộng khoai môn của mình, ông Nguyễn Văn Đông (43 tuổi, ngụ ấp K10) cười tươi nói: “Có con đường mới này thuận tiện lắm, trước đây những thứ thương lái không vào đây mua do xe lớn không chạy vào được thì phải chở về nhà, mà trời mưa đường này khó chạy quá chừng. Giờ thì mừng quá rồi, không sợ mưa hay nắng gì nữa”.
Ông Đông kể trước đây do đường đất nên trời mưa sình lầy, không đi được người dân phải tự đổ đá để đi đỡ, nhưng đến mùa thu hoạch lúa, nào là xe máy cắt, xe chở lúa chạy qua mấy lượt là đá lún hết xuống sình chẳng còn đâu.
“Năm nào cũng đổ đá, nhưng rồi chẳng ăn thua. Nhưng giờ mấy bạn SV tình nguyện về làm cho chúng tôi con đường này rồi thì còn gì bằng nữa. Từ nay nông sản không sợ bị thương lái ép giá, vì con đường quyết định về giá cả nông sản rất nhiều, trước khi vào mua là thương lái xem con đường chuyên chở thế nào, nếu đường khó khăn thì tính thêm tiền chuyên chở, tiền nhân công rồi ép giá”, ông Đông bộc bạch. Rồi ông Đông sướng rơn, chia sẻ: “Kiểu này, thương lái không dám ép giá mà thậm chí khi đến mùa thấy hàng nông sản nào hút hút là mình có thể tự tin nhích giá lên chút. Vì nếu thương lái này không mua thì mình bán cho người khác, chứ đường sá bon bon thế này thì lo gì không có người vào mua”.
Những công trình ý nghĩa
Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm nay, đội hình Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã xây dựng được 10.100 m đường giao thông nông thôn tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre; tặng 20.000 m dây điện và 1.300 bóng đèn chuyên dụng để thắp sáng đường quê; thay mới 100 bóng đèn cho các hộ gia đình khó khăn và lắp 15 công trình lọc nước sạch cho trường học tại tỉnh Đồng Tháp; tặng 25 mái tôn cho người dân tỉnh Đồng Tháp, 100 phần quà và 30 suất học bổng cho học sinh và gia đình chính sách… Tất cả đã cùng góp phần làm cho làng quê trở nên đáng sống hơn.
Chị Đỗ Thị Hoa (ngụ xã Phú Hiệp, H.Tam Nông) cũng không giấu được niềm vui, nói: “Con đường làm lại mới tinh, tôi đi thấy khỏe re, thoải mái và có cảm giác chạy xe bon bon trên đường chứ không còn cảnh tượng mùa nắng thì gập ghềnh vì ổ gà ổ voi, còn mùa mưa thì trơn trượt té lên té xuống nữa”.
Chị Hoa kể thêm: “Nhà tôi trồng nhiều cây trái và nuôi heo, nuôi cá và đây cũng là tuyến đường để thương lái vào tận nơi mua nông sản và vật nuôi sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, do đường sá trước đây đi lại khó khăn nên sản phẩm làm ra bán bị thương lái ép giá. Hy vọng từ nay tuyến đường đi lại thuận tiện, họ mua hàng hóa của mình sẽ được giá hơn”.
Tương tự, ông Phan Mộng Long (người dân địa phương), cũng vui mừng vì bao năm đường bị xuống cấp, đi lại khó khăn thì nay đường sá đã bằng phẳng: “Trước đây mỗi lần chở phân vào bón cho ruộng lúa phải chạy qua tuyến đường này rất gian nan. Bởi vì trời mưa thì đường sình lầy khó chạy xe lắm, còn bây giờ đường mới rất ngon, chạy xe bon bon”.
Bình luận (0)