Gia tăng vi phạm đánh bắt thủy sản

30/08/2013 11:01 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng trăm vụ vi phạm các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng trăm vụ vi phạm các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển.

Thống kê của Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, đến ngày 28.8, đã có 598 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền lên đến 1,8 tỉ đồng. Chi cục đã tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản đối với 24 chủ phương tiện tàu thuyền.

Theo ông Huỳnh Quang Huy- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, vi phạm phổ biến của các phương tiện bị xử phạt hành chính là dùng loại lưới có kích thước mắt lưới rất nhỏ để tận thu tất các các loại thủy sản trên biển. “Đây là vi phạm nghiêm trọng vì nó tận thu hết cả những loài thủy sản cấm khai thác hoặc chưa đến tuổi khai thác”, ông Huy cho biết. Cũng theo ông Huy, một vi phạm phổ biến khác thuộc các loại tàu giã cào bay. Theo quy định loại tàu này chỉ được khai thác cách xa bờ từ 20 hải lý trở lên nhằm tránh tận diệt thủy sản ven bờ. “Nhưng do sợ tốn kém nên rất nhiều tàu giã cào đã khai thác ngay sát bờ làm ảnh hưởng đến các phương tiện tàu thuyền khai thác nhỏ hơn của ngư dân”, ông Huy nói. Bên cạnh đó, các tàu thuyền đánh bắt còn vi phạm như thiếu các điều kiện về an toàn khi ra khơi; dùng thuốc bảo quản cấm, đánh bắt sai vùng khai thác; thuyền trưởng thiếu chứng chỉ văn bằng…

Gia tăng vi phạm đánh bắt thủy sản
Vừa đánh bắt vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản là điều mong muốn của cơ quan chức năng - Ảnh: Quế Hà

Thanh tra thủy sản gặp khó!

Với chiều dài bờ biển trên 192 km, Bình Thuận hiện có trên 8.000 tàu thuyền lớn nhỏ và là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước. Nhưng toàn bộ lực lượng làm công tác thanh tra thủy sản chỉ 30 người. Trong khi đó, phương tiện chỉ có 2  thuyền tuần tra và 2 ca nô nhỏ. Hoạt động đánh bắt hiện nay rất đa dạng, ngư dân chủ yếu đánh cá vào ban đêm cũng gây khó khăn không ít cho việc  kiểm tra. Theo ông Huỳnh Quang Huy- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, muốn giám sát các hoạt động đánh bắt và tuần tra kiểm soát thì thanh tra thủy sản cũng phải hoạt động vào ban đêm mới nắm bắt được các vi phạm. “Lực lượng mỏng, vùng biển rộng và thời giờ hoạt động chính là ban đêm nên công tác thanh tra của ngành thủy sản chưa đáp ứng với thực tế”- ông Huy nói.

Kêu gọi bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ngày 23.8 vừa qua, tại xã Bình Thạnh (H.Tuy Phong) Chi cục Thủy sản Bình Thuận và Phòng Kinh tế thủy sản H.Tuy Phong tổ chức buổi tọa đàm “Làm thế nào để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản”. Đã có hàng chục ý kiến của bà con ngư dân kiến nghị đến các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những biện pháp hiệu quả bảo vệ nguồn thủy sản non và tránh tình trạng “cào sạch” trong đánh bắt thủy sản hiện nay. Ông Lê Bá Tiên, một ngư dân xã Bình Thạnh nêu một ý kiến khiến khá nhiều người chú ý. “Lực lượng thanh tra thủy sản mỏng như hiện nay khó lòng kiểm soát hết những vi phạm của tàu thuyền trên biển. Nếu thành lập được nhóm (ngư dân) tự bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển thì sẽ giám sát được những tàu thuyền vi phạm”, ông Tiên phát biểu. Theo ông Huỳnh Quang Huy:  “Đây là ý tưởng mới của ngư dân Tuy Phong. Chúng tôi thấy cũng rất có lý khi mà mùa cá Nam đang chính vụ. Nếu có bà con tự nguyện tự giác canh giữ khu cực có nhiều đàn cá vào sinh sản thì nguồn lợi thủy sản không chỉ được bảo vệ và còn chống lại các phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt, cào sạch hiện nay”.

Dù đã vào chính mùa cá Nam, nhưng năm nay do thời tiết không thuận lợi, hơn nữa sản lượng cá ít nên bà con ngư dân không trúng mùa như mọi năm. Cho đến thời điểm này, so với năm trước thì lượng cá cơm đánh bắt được rất ít. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thậm chí là sản xuất nước mắm đều thiếu nguyên liệu dẫn đến nhiều lao động ngành chế biến thủy sản thu nhập thấp hoặc không có việc làm.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.