Tất cả bắt đầu từ cuộc chiến với ma men của chủ tịch hội phụ nữ xã và sự hỗ trợ đắc lực từ Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Màu.
SUỐT NGÀY CHẾNH CHOÁNG HƠI MEN
Từ UBND xã Sơn Màu, chúng tôi theo chân chị Đinh Thị Hằng (người Ca dong), Chủ tịch Hội LHPN xã, vượt con dốc cao để đến làng Đăk Pao. Hơi sương mờ ảo, giá lạnh còn phảng phất nhưng từ đỉnh dốc đã thấy những tia nắng sớm xuyên qua ngọn núi, phủ vàng lên từng mái nhà sàn lợp ngói đỏ lung linh. Đăk Pao bắt đầu vào xuân.
Chị Hằng kể hơn 3 năm trước, làng Đăk Pao "kỳ dị" lắm. Đi vào làng giờ nào cũng thấy có người uống rượu. Có người bảo đây là "làng rượu chè" chứ không phải làng Ca dong. Suốt ngày chếnh choáng hơi men, nên cả làng nghèo khổ, trẻ con lem luốc không được ăn học đàng hoàng, phụ nữ bị chồng say rượu về nhà la mắng, đánh đập...
Trong làng có vài cặp vợ chồng nát rượu nổi tiếng. Thuộc diện "điển hình" có Đ.V.T (39 tuổi) và Đ.T.M (38 tuổi). Nhà người ta nếu chồng say thì còn vợ tỉnh táo. Còn đôi này, chồng say mười thì vợ ít nhất cũng tám, chín. "Chúng nó đi làm thuê được đồng nào là nướng vào rượu hết. Cả hai đứa, nếu tìm người uống rượu không có thì ngồi nhâm nhi một mình. Có khi cả hai vợ chồng mua rượu về để uống. Say, hai đứa ngủ lăn lóc trên sàn nhà, có khi bờ rào hay gốc cây, bạ đâu ngủ đó…", chị Hằng kể.
Tiếp lời chị Hằng, Thôn trưởng Đăk Pao, ông Đinh Văn Xanh kể thêm: Vợ chồng nhà đó có ngày uống đến 4 lít rượu. Da vàng ệch, mặt phù ra. Có thời gian, họ như bị bệnh tâm thần, nói nhảm, nên chưa được 40 tuổi mà nhìn như 50 - 60 tuổi. "Trong thôn có nhiều nhà uống rượu không đi làm luôn. Vì vậy sinh đói nghèo. Cả thôn 56 hộ thì có đến 25 hộ nghèo", ông Xanh nhớ lại.
GIẬN CHỒNG NÁT RƯỢU, VỢ TÌM đến LÁ NGÓN
Có chồng sớm, được hai đứa con và có nhiều năm "bầm dập" vì chồng nghiện rượu, nhưng cô gái Ca dong Đinh Thị Vưm (27 tuổi) vẫn rất duyên dáng. Vưm trải chiếu giữa nhà sàn, lấy nước chè đậm đặc mời khách miền xuôi lên chơi. Căn nhà hôm ấy rộn rã tiếng cười.
Năm học lớp 11, Vưm phải lòng chàng Ca dong đẹp trai Đinh Văn Hoàng (nay 32 tuổi). Cha Vưm kiên quyết ngăn cản vì con gái học giỏi và cũng là niềm hy vọng của cả nhà. Vậy mà Vưm bỏ ngang việc học, đi theo tiếng gọi của tình yêu. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ là hai đứa con năm một ra đời (nay đang học lớp 2 và lớp 1). Nhưng niềm vui dài chẳng tày gang, anh chồng sa vào rượu chè li bì. "Không uống, ảnh thương vợ con, nhưng khi say thì từ chửi đến đánh, món nào cũng không thiếu", chị Vưm kể.
Một đêm, Vưm rủ rỉ vào tai: Chồng ơi, thương mẹ con em không? Nếu thương, chồng bỏ rượu. Em và chồng cùng làm lụng, mua cái ti vi, tủ lạnh, mua quần áo đẹp cho con, xây cái nhà khang trang để ở... Anh chồng gật gù rồi ôm vợ, ra kiểu quyết tâm hết sức. Nhưng chỉ ngày hôm sau, trên đường từ rẫy về nhà, gặp đám thanh niên mời chào, Hoàng phanh áo ngồi xuống mâm. Ban đầu chỉ là vài ly "đáp lễ". Ai ngờ, rượu vào thì máu nhậu nổi lên và chơi… tới bến.
Giữa đêm, thấy chồng về đến nhà say khướt, Vưm khóc ròng. Đêm đó, Vưm bị chồng đánh đau không chịu được nên giận, bỏ về nhà cha mẹ. Hơn 20 km đường rừng, đồi dốc thăm thẳm, Vưm cũng bỏ đi như ngày nào hăm hở theo về nhà chồng. Được mấy ngày, Hoàng ra xin bố vợ đưa vợ về nhà, thề thốt không bao giờ dám đụng đến sợi lông chân con gái rượu của bố. Thương con, mà thực tình cũng rất thương chồng, Vưm lại quày quả theo chồng về nhà.
Cuộc sống của Vưm ngày ấy chỉ có mùi rượu và nước mắt cùng vết thương trên thân thể. Một bận vào khoảng mùa hè 2019, Vưm theo chồng đến xã khác ăn cưới. Một thanh niên đến hỏi chuyện, Vưm trả lời. Chỉ vậy thôi mà về nhà, chồng Vưm, khi đó đã bị "ma men nhập vào người", nổi cơn ghen quay sang chửi bới, đánh đập vợ. Đêm ấy, Vưm ôm con nhỏ 3 tuổi băng băng đi vào rừng tìm lá ngón. Hái được lá ngón rồi, Vưm mang về nhà, thấy con gái Đinh Thị Kim Xuân ngủ trên vai mẹ, còn đứa con trai lớn là Đinh Minh Khuya ngủ gà gật trên sàn nhà. Vưm ôm con mà nước mắt chia hai: Ăn lá ngón hay không?
Rồi Vưm nghĩ mình chết thì ai nuôi con. Hai đứa con bé bỏng quá. Cả đêm dằn lòng đấu tranh, Vưm thương con đứt ruột. Sáng ra, biết vợ có lá ngón, Hoàng thách: "Mày thích thì ăn đi". Đến nước này thì không dằn lòng được nữa, Vưm nhai luôn nắm lá ngón khi chồng quay lưng khỏi nhà đi tìm rượu. Trong cơn đau thắt ruột gan, Vưm nhìn hai con ray rứt... Rất may, khoảng 9 giờ sáng, hàng xóm biết chuyện chạy đến đưa Vưm lên Trung tâm y tế H.Sơn Tây cấp cứu.
Sau bận vợ ăn lá ngón, anh chồng xanh mặt, quyết tâm rời xa rượu chè vì "trong lòng mình rất thương vợ, con". Đến thăm Vưm tại trung tâm y tế huyện, biết được quyết tâm của Hoàng và không muốn thấy cảnh phụ nữ Ca dong ăn lá ngón tự tử nữa, chị Hằng đề xuất lên Đảng ủy, UBND xã Sơn Màu cho phép đăng ký thực hiện mô hình "nói không với rượu ở làng Đăk Pao" và được lãnh đạo xã đồng ý.
"CUỘC CHIẾN" NÓI KHÔNG VỚI RƯỢU
Một đêm khoảng cuối mùa hè 2019, chị Hằng cùng chị em trong Hội LHPN xã Sơn Màu phối hợp với chính quyền thôn mời tất cả 58 hộ về nhà sinh hoạt cộng đồng của làng họp. "Khi vừa nghe mình nói bà con không nên uống rượu, ai cũng cười ồ. Vì rượu nó ăn vào máu xưa nay rồi, làm sao mà bỏ", chị Hằng kể lại.
Thế nhưng, khi nghe chị Hằng nói về chuyện vợ chồng Đ.V.T và Đ.T.M nghiện rượu, chuyện Vưm ăn lá ngón, chuyện cả cái làng xinh đẹp nhưng không có mấy cái ti vi, trẻ con nheo nhóc, phụ nữ không còn sức sống do rượu, nhiều người bắt đầu trầm tư. Đêm đó họp đến khuya, dân làng mới chịu làm cam kết: ai uống rượu phạt 50.000 đồng/lần; 100.000 đồng/2 lần…
Nói thì vậy nhưng chị Hằng lo "vỡ kế hoạch". Vậy là ngày đêm, cứ rảnh là chị lên Đăk Pao thăm hỏi, giải thích và… bắt quả tang những người uống rượu. Đi miết, chồng của chị Hằng sinh nghi: Nó đi đâu có đêm không về nhà! Nghi ngại vậy thôi, nhưng khi biết vợ đi làm việc nghĩa cho làng, cho xã, cho bà con Ca dong nên anh chỉ cười cười mỗi khi vợ khăn gói đi làm trái giờ.
"Vụ bắt quả tang uống rượu đầu tiên là vợ chồng Đ.V.T và Đ.T.M. Mình mời cả hai lên nhà sinh hoạt của làng làm việc. Hai đứa nó mặt nhìn xuống, nói lí nhí xin lỗi và xin… khất nộp phạt vì tiền đã mua rượu hết mất. Nợ được ghi vào sổ", chị Hằng kể. Khoảng hơn 10 ngày sau, vợ chồng Đ.V.T và Đ.T.M tự tìm đến, chị Hằng thấy nét mặt tươi tỉnh, cái miệng không còn hôi rượu. Chị Đ.T.M tâm sự: Không uống rượu thấy người khỏe hơn, có tiền mua gạo ăn nên tìm chủ tịch hội phụ nữ cảm ơn.
Thấy vợ chồng "sâu rượu" giã từ ma men, cả làng bảo nhau: Nó bỏ được thì mình làm được. Vậy là từ uống rượu bia cả làng, giảm dần cho đến bây giờ chỉ uống ít bia, rượu khi có phong tục làng hay giỗ chạp. Ai cũng siêng năng làm ăn, xây dựng hạnh phúc.
Còn Vưm kể từ ngày cảnh say khướt không còn nữa, chồng lao vào làm ăn. Sau hơn 2 năm đã làm được căn nhà sàn khang trang, thuộc diện đẹp của làng Đăk Pao, có ti vi, tủ lạnh, xe máy và có hai đứa con sạch sẽ, tươm tất ngày hai buổi đến trường.
Gia đình Đ.V.T và Đ.T.M cũng khá dần lên. "Đến mùa, ổng đi hái cà phê trên Tây nguyên, mình ở nhà làm thuê, cố gắng sớm thoát nghèo", chị Đ.T.M cười bẽn lẽn nhớ về chuyện cũ.
Còn làng Đăk Pao, từ khi đã tuyệt giao với rượu, đàn ông chỉ uống chừng mực mỗi khi nhà, xóm làng có cúng, giỗ, hết cảnh say xỉn như trước. Từ 25 hộ nghèo, nay cả làng có 10 hộ thoát nghèo, 5 hộ nghèo đã vươn lên thành hộ cận nghèo và tình nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Ông Đinh Văn Hơn, Phó bí thư thường trực xã Sơn Màu, cho biết sau 3 năm phát động "cuộc chiến" chống ma men, xem như chị Hằng, với sự ủng hộ tuyệt đối của Đảng ủy và UBND xã, nay đã thành công. "Chúng tôi sẽ nhân rộng cách làm này ra cả xã. Nơi nào còn be bét rượu chè là sẽ vận động bà con từ giã ma men để xây dựng cuộc sống cho gia đình, làng, xã tốt đẹp hơn", ông Hơn nói.
Bình luận (0)