Giá USD hôm nay 4.4.2022: Tự do tăng giá bán

04/04/2022 08:53 GMT+7

Giá USD sáng 4.4 đi ngang trên thế giới lẫn các ngân hàng trong nước nhưng thị trường tự do vẫn gia tăng.

Sáng 4.4, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.098 đồng/USD, cộng thêm 3 đồng so với cuối tuần qua. Còn một số ngân hàng thương mại giữ nguyên giá USD so với cuối tuần qua như Vietcombank tiếp tục mua vào 22.670 đồng/USD và bán ra 22.980 đồng; Eximbank cũng mua vào 22.730 đồng/USD và bán ra 22.930 đồng/USD… Trên thị trường tự do, USD giữ nguyên giá mua vào 23.310 đồng/USD nhưng tăng thêm 20 đồng ở chiều bán ra, lên 23.370 đồng/USD.

Giá USD tự do tăng chiều bán ra sáng 4.4

Ngọc Thắng

Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index đạt 98,54 điểm, đi ngang so với cuối tuần qua. Đồng bạc xanh nói riêng và thị trường tài chính tiền tệ thế giới tuần này sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế từ các thị trường quan trọng, động thái chính sách của các ngân hàng trung ương và tình hình đối đầu giữa Nga với Ukraine. Đó là việc công bố chỉ số PMI phi sản xuất trong tháng 3 của Mỹ vào đầu tuần. Sau đó đến ngày 7.4, nước này cũng đưa ra báo cáo số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần và số liệu này có khả năng ảnh hưởng đến tỷ giá USD. Bên cạnh đó, các nhà phân tích và giới giao dịch đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) để có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng tiền tệ trong thời gian tới.

Còn tại châu Âu, tuần này các dữ liệu thương mại, số lượng đơn đặt hàng của nhà máy và số liệu sản xuất công nghiệp trong tháng 2 của Đức sẽ được công bố. Đây là những nhân tố có khả năng tác động đến tỷ giá đồng euro so với đồng bạc xanh. Ngoài ra, biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến phát hành vào cuối tuần cũng được nhà đầu tư chú ý vì hiện khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chịu nhiều ảnh hưởng từ xung đột mạnh giữa Nga và Ukraine và tình trạng lạm phát leo thang kỷ lục. Cụ thể, theo số liệu do cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1.4, lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 3 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục 7,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 6,6%. Con số này khiến ECB rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhiệm vụ chính của ECB là đưa lạm phát về mức 2%, song các biện pháp siết chặt tiền tệ có nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.